27/02/2015 13:06
|
Gần đây, mô hình cải tạo đất hoang kết hợp ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng chế phẩm sinh học để “biến” diện tích đất cằn cỗi, hoang hóa thành đất chuyên canh hoa tươi cho thu nhập ổn định đang hình thành ở nhiều xã, thị trấn của huyện.
Đưa chúng tôi đi cơ sở, anh Nguyễn Đình Mười – chuyên viên mảng khoa học công nghệ (Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đăk Hà) cho biết: Các mô hình trồng thử nghiệm hoa ly, lan hồ điệp, tuy líp, cúc và hoa hồng… được triển khai từ năm 2012 đến nay đã giúp nhiều nông dân có thu nhập cao hơn, đảm bảo đời sống, mặt khác góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng địa phương.
Điển hình trong thực hiện mô hình này có hộ anh Lê Ngọc Sơn ở khối phố 5 (thị trấn Đăk Hà) cho thu nhập trên 200 triệu đồng từ vườn hoa chuyên canh. Gia đình anh Sơn có hơn 5.000m2 đất trồng lúa bị bỏ hoang trước đây, nay được cải tạo, đầu tư sản xuất các loại hoa ly, hoa cúc, hoa đồng tiền, quanh năm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng địa phương.
“Trung bình hàng tháng, vào ngày mùng l và 14 âm lịch, gia đình tôi bỏ mối các cửa hàng hoa, cộng thêm bán lẻ tại vườn gần 2.000 bó hoa các loại với giá 8 ngàn – 10 ngàn đồng/bó. Thu nhập của gia đình khoảng 20 triệu đồng/tháng và tạo việc làm thường xuyên cho 2 lao động trong nhà, chưa kể thuê 2 – 3 lao động vào thời điểm chuẩn bị đất xuống giống hoa mới vào mỗi quý trong năm” - anh Sơn cho biết.
Theo anh Sơn, nguồn lợi thu về trên 5.000m2 đất trồng hoa tươi tăng gấp 4 lần so với sản xuất cây lúa trước đây, mà công lao động bỏ ra nhẹ nhàng hơn và kỹ thuật chăm sóc thuận lợi hơn. Gia đình tôi có được vườn hoa chuyên canh này là nhờ Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đăk Hà giới thiệu, vận động tham gia mô hình cải tạo đất hoang, ứng dụng công nghệ sinh học và hỗ trợ các loại giống củ hoa tươi. Đồng thời, tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật, truyền đạt kinh nghiệm trồng hoa, chăm sóc, xử lý sâu bệnh và thu hoạch đúng thời vụ. Nhờ đó, sản phẩm hoa tươi cho thu hoạch đạt chất lượng gần 90%, đem lại thu nhập kinh tế cao, ổn định.
Cùng tiếp chuyện chúng tôi, vợ anh Sơn đã không ngần ngại kể: Trước năm 2011, gia đình đã mày mò trồng hoa cúc trên diện tích 1.000m2. Mỗi năm, anh Sơn làm bảo vệ trung trâm thương mại thị trấn Đăk Hà cũng tiết kiệm được 30 triệu đồng. Nguồn kinh phí này vợ chồng dành dụm lại dần mua được 3.000m2 đất ruộng bỏ hoang của bà con xung quanh với dự định cải tạo lại đất và tiếp tục trồng lúa. Nhưng, thu nhập 2 năm (2007 – 2008) trên đồng ruộng hoàn toàn trông chờ vào “mưa thuận gió hòa” của thời tiết, may ra có dư vài triệu đồng. Với lý do hiệu quả kinh tế thấp, nên gia đình cũng nản, bỏ hoang đất trồng từ năm 2009 -2010.
Thế nhưng, năm 2011, từ buổi họp tổ dân phố 5, gia đình được Ban Mặt trận và Tổ trưởng dân phố và cán bộ Phòng Kinh tế hạ tầng phổ biến chủ trương hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật cho bà con cải tạo vườn tạp để trồng thử nghiệm 2.000 cây hoa ly có giống ngoại nhập. Với kinh nghiệm trồng hoa cúc, vợ chồng anh Sơn đã mạnh dạn tham gia mô hình thử nghiệm xuống giống 1.000 cây hoa ly. Sau gần 3 tháng san ủi, cày xới, ủ đất bằng phân bón sinh học, cộng thêm công chăm sóc của hai vợ chồng dành cho diện tích hoa ly mới, Tết Nguyên đán 2012, vườn hoa ly đã phát triển đạt trên 90% diện tích đã trồng và mỗi cây đều đạt 4 - 5 nụ hoa. Sản phẩm hoa ly tươi bán với giá 40 ngàn đồng/cành, vợ chồng anh thu về gần 40 triệu đồng.
Tiếp tục thành quả đó, năm 2013, anh chị đã mạnh dạn liên hệ đại lý cung cấp giống được giới thiệu kỹ thuật từ mô hình thử nghiệm trước để đầu tư 1.500 củ gốc hoa ly. Điều đáng nói, đến nay, mô hình của anh chị đã nhân rộng cho 7 hộ khác ở các xã Đăk Mar, Hà Mòn và thị trấn Đăk Hà.
Năm 2014, biết được địa phương đang mở rộng, nâng cao ứng dụng công nghệ khoa học không chỉ cải tạo đất sản xuất, trồng giống cây hoa tu líp mới mà còn áp dụng hệ thống tưới tiêu tự động, anh Sơn lại đăng ký trồng tại vườn 1.000 hoa tu líp. Đến nay, diện tích này cho cây con phát triển tốt, đảm bảo ra hoa đẹp đáp ứng nhu cầu thị trường Tết Cổ truyền Ất Mùi năm 2015.
Theo đánh giá của huyện Đăk Hà, bước đầu các mô hình thử nghiệm, sản xuất giống hoa chất lượng cao đã có thành công nhất định, đáp ứng nhu cầu thị trường đang cần. Do đó, sản phẩm thu hoạch không bị thất thu về năng suất, giá cả. Điều đáng nói, các mô hình trồng hoa có sử dụng chế phẩm sinh học thực hiện trong năm 2012 và 2013 cho thấy đạt hiệu quả kinh tế, cải tạo trẻ hóa đất sản xuất và cải thiện môi trường sinh thái, hạn chế được nhiều mầm bệnh cho cây trồng giảm 20 - 30% so với số lượng phân bón trên một đơn vị diện tích đất canh tác. Hiện tại, những mô hình này đang được bà con nông dân trên địa bàn quan tâm và có nhu cầu nhân rộng tại địa phương./.
Mai Trâm