Ba vùng kinh tế động lực vào xuân

09/03/2015 08:22

Năm 2014, mặc dù kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhưng ba vùng kinh tế động lực của tỉnh vẫn chứng tỏ được vai trò quan trọng là ngành kinh tế mũi nhọn và là động lực thúc đẩy quá trình phát triển của các thành phần kinh tế của tỉnh. Bước vào năm 2015, ba vùng kinh tế động lực được tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, kết nối mạng lưới giao thông, thực hiện các mục tiêu quy hoạch, liên kết của vùng, khai thác lợi thế để phát triển kinh tế.

Trước hết, ở vùng kinh tế động lực thành phố Kon Tum, trong những năm qua, thành phố đã tập trung mọi nguồn lực để đầu tư phát triển trở thành trung tâm dịch vụ - công nghiệp của tỉnh. Thành phố đã chủ động trong việc tranh thủ, huy động các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh, đồng thời thực hiện tạo vốn từ quỹ đất để phát triển, đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Tổng các nguồn vốn, dự án đầu tư trên địa bàn thành phố giai đoạn 2007-2013 và kế hoạch năm 2014 để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đạt 1.739,092 tỷ đồng. Cùng với khu công nghiệp Hòa Bình và các ngành, thành phố ưu tiên dành quỹ đất cho đầu tư xây dựng phát triển nhiều loại hình dịch vụ chất lượng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thông tin liên lạc, khách sạn, nhà hàng... qua đó, phục vụ tốt hơn nhu cầu của nhân dân.

Năm 2015, thành phố Kon Tum tiếp tục triển khai thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, của Thành ủy Kon Tum về thực hiện Nghị quyết 13/NQ-CP, ngày 10/5/2012 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường; tập trung đẩy nhanh tiến độ khai thác quỹ đất để tạo vốn đầu tư cơ sở hạ tầng; tranh thủ tối đa các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh để phát triển và tập trung đầu tư hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt, phấn đấu đến cuối năm 2015 đạt mức 70% tiêu chuẩn đô thị loại II (vùng núi, vùng cao, biên giới).

Năm qua, vùng kinh tế động lực Kon Plông gắn với Khu du lịch sinh thái Măng Đen được tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đảm bảo điều kiện để thành lập thị trấn Măng Đen vào năm 2015. Ngoài thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, Măng Đen-Kon Plông còn thích hợp với phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với nghiên cứu khoa học. Huyện đang tích cực quảng bá, kêu gọi, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư vào khu du lịch sinh thái Măng Đen; khai thác có hiệu quả các điểm du lịch đã được quy hoạch và đầu tư như: thác Pa Sỹ, hồ Đăk Ke, hồ Toong Pô, hồ Toong Đam, hồ Tong Zơ Ri, các làng văn hóa Kon Tu Rằng, Kon Pring; tích cực kết nối với các trung tâm du lịch lớn của cả nước để tạo các tour, tuyến du lịch kết nối đến Măng Đen và tạo tuyến du lịch giữa Măng Đen với các điểm du lịch trong, ngoài tỉnh.

Bước vào năm 2015, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, huyện Kon Plông đang cố gắng làm tốt công tác tiếp đón và giới thiệu địa điểm thực hiện dự án cho các nhà đầu tư; đồng thời cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan cho các nhà đầu tư; tăng cường công tác hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; phối hợp tốt với các sở, ban, ngành liên quan của tỉnh và các nhà đầu tư để kịp thời xử lý những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư, đảm bảo các dự án hoạt động hiệu quả. Qua đó, góp phần củng cố lòng tin của các nhà đầu tư khi đến với Kon Plông…

Với vị trí đắc địa là cửa ngõ giao thương giữa các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải miền Trung, huyện Ngọc Hồi đang có bước đột phá khi tập trung vào thế mạnh của địa phương về nông nghiệp và công nghiệp để phát triển xứng tầm là một trong ba vùng kinh tế động lực của tỉnh. Huyện Ngọc Hồi đã tập trung khắc phục các hạn chế, nhất là đầu tư kết cấu hạ tầng tại đô thị Plei Kần trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2015 – 2020; phát triển Cửa khẩu quốc tế Bờ Y trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây trong khu vực Tam giác phát triển; đề xuất điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Cửa khẩu cho phù hợp với phát triển của đô thị thị trấn Plei Kần; phát triển đô thị gắn với an ninh quốc phòng, đảm bảo sự phát triển bền vững và cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn của đô thị loại IV.

Đầu năm 2015, cùng lãnh đạo tỉnh, huyện Ngọc Hồi có buổi làm việc với Bộ Xây dựng để thông qua Đề án đề nghị công nhận thị trấn Plei Kần đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV. Theo đánh giá của Cục Phát triển đô thị và Bộ Xây dựng, việc phát triển kinh tế -xã hội tại thị trấn Plei Kần không những có ý nghĩa về mặt kinh tế -xã hội tại địa phương, mà còn có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo ANQP trên khu vực Tây Nguyên. Theo Hội đồng thẩm định Bộ Xây dựng, đến nay thị trấn Plei Kần đảm bảo các tiêu chí để công nhận là đô thị loại IV, đạt 79,01/100 điểm. Tuy vậy, huyện Ngọc Hồi còn phải khắc phục một số tiêu chí tồn tại, đó là: cấp nước đô thị, quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ có chất lượng đáp ứng được yêu cầu; phát huy vai trò cửa khẩu trong phát triển thương mại, du lịch…

Dương Lê

Chuyên mục khác