24/01/2019 13:10
Tôi vẫn nhớ như in, vào một ngày giữa tháng 4/2018, tôi nhận được Quyết định của Tỉnh ủy về việc thành lập đoàn đại biểu đi thăm huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1. Cầm tờ Quyết định kèm theo danh sách có tên mình trên tay, cảm xúc trong tôi như vỡ òa. Niềm vui đến thật bất ngờ. Còn nửa tháng nữa mới đến ngày lên đường, tôi luôn ước thời gian trôi thật nhanh…
Giây phút mong chờ đã đến. Có mặt ở cảng Quốc tế Cam Ranh lúc trời còn mờ sương, tôi vẫn ngỡ như mình đang mơ. Chỉ đến khi nhận thẻ và bước chân lên con tàu mang số hiệu KN 491 của Kiểm ngư Việt Nam, tôi mới tin rằng: giấc mơ đã thành hiện thực. Hôm nay, mình chính thức được đi Trường Sa!
Cũng như tôi, hơn 200 đại biểu của đoàn công tác số 12 - những người lần đầu trong cuộc đời được đến với Trường Sa đều không giấu được niềm vui. 10 ngày hành quân trên biển, con tàu KN 491- mái nhà chung của chúng tôi, luôn hân hoan, rộn rã tiếng cười…
|
Tôi nhớ, sau hơn 30 giờ vượt sóng, chúng tôi đã nhìn thấy một chấm nhỏ xanh mờ phía trước mũi tàu. Cái chấm xanh ấy cứ to dần, to dần, cho đến khi hiện rõ hình hài một hòn đảo nổi như một khu rừng thu nhỏ giữa đại dương. Qua hệ thống phát thanh của tàu, chúng tôi được biết, đó là đảo Song Tử Tây, thuộc xã đảo Song Tử Tây của huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Đảo rộng 12 hecta, là đảo lớn hàng thứ sáu trong số các đảo tại quần đảo Trường Sa và là đảo lớn thứ hai (sau đảo Trường Sa) do Việt Nam quản lý.
Vượt lên cả những cơn say sóng, mọi người rầm rập chạy lên boong tàu, ai cũng cố giơ điện thoại, máy ảnh để ghi lại hình ảnh hòn đảo từ xa. Niềm hạnh phúc hiện rõ trên từng khuôn mặt, tất cả đều háo hức mong chờ giây phút được đặt chân lên hòn đảo thân yêu - phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc giữa trùng khơi...
Đảo Song Tử Tây là điểm đến đầu tiên trong hành trình. Tại hòn đảo này, chúng tôi được tham dự Lễ chào cờ và duyệt đội ngũ. Vượt hành trình hàng trăm hải lý, đến khi được chạm tay vào cột mốc chủ quyền, nhìn lá cờ Tổ quốc phấp phới tung bay trong gió, lặng nghe khúc Tiến quân ca được cất lên bởi chính quân và dân trên đảo, tất cả chúng tôi đều rưng rưng nước mắt. Một niềm xúc động dâng trào…
Lưu luyến chia tay quân và dân xã đảo Song Tử Tây, chúng tôi tiếp tục hành trình của những ngày tiếp theo và lần lượt đến thăm các đảo: Đá Nam, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn Đông, Đá Len Đao, Tốc Tan (A), Núi Le (A), Đá Tây (B) và Trường Sa (Trường Sa Lớn).
Dù thời gian thăm mỗi đảo không nhiều, chỉ từ 2-3 tiếng đồng hồ, nhưng mỗi đảo chìm, đảo nổi đều để lại trong tôi những ấn tượng khó phai.
Thật khác xa với tưởng tượng của tôi trước đó, các đảo nổi: Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn Đông, Trường Sa hôm nay chẳng khác nào một làng quê thanh bình với màu xanh mướt mắt của cỏ cây, hoa lá, tiếng trẻ ê a học bài, đàn bò thung thăng gặm cỏ… Hơi ấm của đất liền đã phủ dầy lên các đảo. Các công trình dân sự, văn hóa, tâm linh được đầu tư xây dựng khang trang, kiên cố. Uy nghiêm giữa sóng nước Trường Sa, công trình tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, tượng đài Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh… là điểm tựa tinh thần vững chắc cho quân và dân trên đảo. Đặc biệt, sự hiện hữu của những ngôi chùa trên các đảo: Trường Sa, Nam Yết, Sơn Ca, Song Tử Tây vừa thể hiện tín ngưỡng truyền thống của người Việt nơi đảo xa, vừa khẳng định chủ quyền có tính lịch sử bền vững của dân tộc…
Các đảo chìm: Đá Nam, Len Đao, Tốc Tan (A), Núi Le (A), Đá Tây (B) là những ngôi nhà hai hoặc ba tầng vững chãi, có kiến trúc khá giống nhau, được Công binh Hải quân Việt Nam xây dựng từ nền móng là dải san hô nằm dưới mực nước biển. Lúc thủy triều lên, bãi san hô ngập nước, khi thủy triều xuống, bãi san hô trơ ra nên quanh năm chịu nhiều sóng gió. Với đặc thù địa lý và điều kiện tự nhiên khắc nghiệt như vậy, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường và tinh thần lạc quan của những người lính đảo, các đảo chìm vẫn bừng lên sức sống, hoa vẫn nở, những ô rau dưới hiên nhà vẫn vươn lên xanh tốt…
Gặp mặt rồi lại chia tay. Thời gian thật ngắn ngủi, những cuộc gặp gỡ cũng chỉ thoáng qua, vậy nhưng hình ảnh những người lính đảo, dưới cái nắng cháy da cháy thịt vẫn rạng rỡ nụ cười đứng chờ đón chúng tôi, những vòng tay ôm thật chặt, những cuộc trò chuyện đầy xúc động lúc gặp mặt, những ánh mắt đượm buồn, những cánh tay vẫy chào không dứt khi chiếc xuồng rẽ sóng đưa chúng tôi trở về tàu…đã in đậm trong ký ức của tôi.
|
Nhớ lắm đêm chia tay trên đảo Trường Sa. Đây là điểm đảo thứ 10, cũng là điểm cuối cùng trong hành trình thăm đảo của chúng tôi. Vẫn vẹn nguyên sự háo hức khi đặt chân lên đảo, nhưng lại không tránh khỏi những xao xuyến, bâng khuâng. Mọi tình cảm dồn nén lại, với biết bao buồn vui lẫn lộn. Nguyên một buổi chiều, với rất nhiều các hoạt động được tổ chức trên đảo, 20 giờ 30 chúng tôi bịn rịn trở về tàu. Đứng trên boong tàu hướng về đảo, chúng tôi đã vô cùng bất ngờ và xúc động trước hình ảnh quân, dân, trong đó có những em nhỏ chỉ mới vài tuổi đứng xếp hàng dưới âu tàu vẫy tay chào tạm biệt chúng tôi. Tàu vừa nhổ neo, tiếng hô dưới âu tàu đồng thanh vang lên “Trường Sa vì cả nước”. Không kìm được nước mắt, trên tàu cũng hô đáp lại trong nghẹn ngào “Cả nước vì Trường Sa”. Con tàu băng băng vượt sóng, nhiều người vẫn cố chạy về phía đuôi tàu để nhìn đảo thêm lần nữa. Trong màn đêm, những giọt nước mắt vẫn lặng lẽ rơi…
Trường Sa - tiếng gọi thiêng liêng đã khắc sâu thành nỗi nhớ. Nhớ những đảo chìm, đảo nổi, cả những con sóng bạc đầu cũng làm ta lưu luyến, bâng khuâng. Nhớ tiếng chuông chùa ngân nga hòa cùng sóng biển. Và nhớ lắm những người lính đảo, chân chất, hiền lành nhưng luôn kiên định, sắt đá trước mọi gian khổ, hiểm nguy, vững vàng nơi đầu sóng, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc thân yêu...
Hoàng Thúy