14/06/2017 08:34
Đảo Trường Sa Đông là rạn san hô vòng, nằm cách đảo Đá Tây ước chừng 6 hải lý về phía đông bắc; cách đảo Đá Đông chừng 13 hải lý về phía tây bắc; cách Cam Ranh, Khánh Hòa khoảng 260 hải lý. Đảo nằm trên bãi san hô ngập nước, bề mặt san hô không bằng phẳng, nên độ nông sâu thất thường dễ gây nguy hiểm cho tàu ra vào. Đảo có chiều dài khoảng 200m, nơi rộng nhất khoảng 60m.
|
Theo nhiều nguồn tài liệu, Trường Sa Đông là đảo có lớp mùn san hô mỏng, nên chất đất cằn cỗi, rất khó trồng cây xanh. Song nói về hải sản thì ở khu vực này lại khá phong phú về số lượng và chủng loại, như: cá ngừ, hải sâm, rùa biển và nhiều loại ốc có giá trị dinh dưỡng cao khác... Có ngư trường thuận lợi về khai thác, nên hàng năm nhiều ngư dân ở các vùng Nam – Trung bộ ra đánh bắt hải sản. Đặc biệt là vài năm gần đây, khi quần đảo Trường Sa đã được Nhà nước đầu tư sửa chữa, nâng cấp các âu tàu ở một số đảo lân cận, tạo thuận lợi nơi tránh, trú bão cho tàu được an toàn, đi kèm theo đó là các chính sách quan tâm, ưu đãi cho ngư dân như khám chữa bệnh, cung cấp nước ngọt, sửa chữa tàu hư hỏng không tính tiền, giá bán dầu chỉ tính bằng ở đất liền... nên số lượng tàu ngư dân khai thác ở khu vực này đã tăng lên nhiều lần.
Những bất ngờ trên đảo
Vốn dĩ tâm niệm: đây là hòn đảo cằn cỗi, khó trồng cây xanh, nên khi được mục sở thị thì hoàn toàn gây bất ngờ trong tôi. Từ cầu cảng, nơi những bãi san hô bạc phếch do sóng dồn dập, chỉ bách bộ chừng vài chục mét, là đã thấy các cột quạt điện năng lượng sức gió đang quay vòng lấp loáng dưới ánh nắng mặt trời. Ở vị trí này, ta dễ ràng nhận ra một khung cảnh hoàn toàn khác biệt: Bắt đầu từ cột mốc chủ quyền, đến sân trung tâm và từng khu ở, khu làm việc của cán bộ, chiến sĩ, đâu đâu cũng chìm ngập màu xanh của nhiều loại cây che bóng mát và cả cây ăn trái như dừa, sa kê...
|
Điều khác biệt so với nhiều đảo khác, ở đảo Trường Sa Đông có rất nhiều cây bàng đất liền, cây nào cũng nặng trĩu trái. Dừa, bên cạnh những cây mới trồng, cũng có những cây già vươn bóng có lẽ cũng vài chục năm tuổi, gợi cho ta khung cảnh của khu vườn thanh bình giữa đại dương bao la.
Tôi cùng một đồng nghiệp thẳng vào trung tâm đảo. Ở đây là một khoảng sân rộng, có cả sân bóng chuyền, khắp mặt sân đều rợp bóng mát, có rất nhiều chiến sĩ đang kê bàn, ghế để chuẩn bị tiếp đón khách lên thăm.
Thấy khách, một chiến sĩ đon đả mời chúng tôi uống nước. Hỏi chuyện, được biết anh là y sĩ Nguyễn Quang Lập - quân y Trạm xá đảo Trường Sa Đông, quê Hà Tĩnh, ra đảo nhận nhiệm vụ vừa tròn 13 tháng.
Nhâm nhi ly trà nóng, tôi đùa vui: Thầy thuốc cũng phải huy động ra kê bàn ghế sao?
Dường như không cần suy nghĩ, Thiếu úy Lập đáp lời: Ở đảo là vậy anh! Ngoài những người làm nhiệm vụ trực chiến, còn lại khi có việc mỗi người đều một chân, một tay cho nhanh...
Câu nói tự đáy lòng của Thiếu úy Lập, bỗng cho tôi liên tưởng: Có lẽ đó chính là “cái chất” đại gia đình của lính đảo - luôn sống hòa mình, đùm bọc lẫn nhau mà không chỉ riêng ở Trường Sa Đông này mới có.
|
Thời tiết biển thật “đỏng đảnh”. Lúc hơn 7h sáng, khi chúng tôi vừa đặt chân lên đảo trời đẹp là thế, nhưng bây giờ (khoảng 8h30), trời bỗng nổi giông lớn. Vậy là kế hoạch dự kiến tổ chức buổi gặp mặt, trao quà và biểu diễn văn nghệ ngoài trời giữa lính đảo và khách đã phải chớp nhoáng chuyển vào hội trường. Các chiến sĩ lại phải lục tục kê dọn bàn, ghế, vậy là câu chuyện giữa tôi và y sĩ Lập đành bị đứt đoạn...
Trạm xá quân y
Dở dang câu chuyện, tôi quyết định hỏi đường đến trạm xá để tìm hiểu thêm về hoạt động khám chữa bệnh của những người thầy thuốc ở đảo này. Không biết “hữu xạ tự nhiên hương”, hay vô tình mà khi tới Trạm tôi đã thấy một vài phóng viên có mặt ở đây rồi.
Tiếp chúng tôi tại nhà trạm, Thiếu tá Quân y, bác sĩ Phạm Tuấn Vũ - Trạm trưởng cho biết: Hiện Trạm có 4 đồng chí, 1 bác sĩ và 3 y sĩ. Công việc thường ngày của trạm là nắm bắt, theo dõi sức khỏe của từng cán bộ, chiến sĩ. Đặc biệt là với những chiến sĩ lần đầu nhận nhiệm vụ tại đảo. Do chưa quen khí hậu, môi trường sinh hoạt nên rất dễ bị ốm đau lặt vặt. Bởi vậy, việc theo dõi sức khỏe với những chiến sĩ này là cần thường xuyên để có phác đồ điều trị hợp lý.
Trong năm 2016, trạm đã khám sức khỏe và điều trị bệnh với tổng số 496 ca, trong đó có 79 ca là ngư dân. Riêng về đau ruột thừa, trong 4 ca phải mổ thì có 3 ca là của ngư dân đều thuộc diện viêm cấp.
Nói về các trường hợp này, bác sĩ Vũ cho biết có những ca chỉ cần chậm một chút có thể sẽ dẫn đến vỡ, nhiễm trùng và rất dễ tử vong. Đơn cử như trường hợp ngư dân Vũ Hùng Điệp, sinh năm 1994 ở Phú Quý, Bình Thuận.
Nói về ca mổ này, bác sĩ Vũ vào máy vi tính, bật cho tôi xem lại hình ảnh ghi lại ca mổ hôm ấy, và vừa coi ảnh, anh vừa kể lại: Hôm ấy, 8h ngày 20/5/2016, nhận được tin có ngư dân cần cấp cứu, tất cả anh em của Trạm đã chuẩn bị đồ nghề và có mặt tại cầu cảng. Sau khi thăm khám và xác định được bệnh, chúng tôi chuyển bệnh nhân vào bệnh xá và làm các thủ tục cần thiết để tiến hành mổ. Ca mổ kéo dài 55 phút và thành công mỹ mãn. Sau 8 ngày bệnh nhân được xuất viện, ca mổ được miễn phí hoàn toàn.
|
Nói thêm về các ca chữa bệnh, hoặc cấp cứu do tai nạn lao động của ngư dân trên biển, bác sĩ Vũ cho biết, từ tiền thuốc cho tới việc chữa trị, ăn uống, bệnh nhân đều được miễn phí.
Hỏi tình cảm của ngư dân đối với lính đảo, bác sĩ Vũ tâm sự: Dân tình cảm lắm, mỗi khi có dịp lên đảo đều có cá làm quà cho cán bộ, chiến sĩ. Họ luôn coi cán bộ, chiến sĩ của đảo như người nhà vậy.
|
Những phút cuối của buổi trò chuyện, bác sĩ Vũ cho biết: Ở Trạm hiện nay đã có máy siêu âm, máy điện tim, máy gây mê, máy tạo oxy, bộ dụng cụ trung phẫu, giải phẫu. Ngoài ra Trạm còn trồng được cả vườn thuốc nam với hơn 20 loại cây khác nhau phục vụ cho việc xông cảm cúm rất hiệu quả.
Bài và ảnh: TT