23/10/2018 14:09
Với 12 điểm đảo ở các đảo Phan Vinh, Tốc Tan, Núi Le, Tiên Nữ, An Bang và Thuyền Chài mà tôi được đến trong chuyến hải trình đến với Trường Sa đầu năm 2018, thì điều làm tôi ấn tượng nhất là những vườn rau đủ các loại xanh tươi đang vươn mình lớn lên ở đảo. Nói không ngoa, ngay ở trong đất liền với điều kiện thuận lợi cũng không dễ gì có được vườn rau như ở đây.
Những tưởng việc trồng rau xanh trên đảo là không thể, vậy mà những người lính hải quân ở Trường Sa lại làm được nhiều hơn là mong đợi. Từ đảo nổi đến đảo chìm, rau xanh “tự túc” luôn có trong bữa ăn hàng ngày của chiến sĩ ở Trường Sa.
Vượt qua những cơn sóng dữ, sau hơn 2 ngày lênh đênh trên biển, điểm đảo đầu tiên chúng tôi đặt chân đến là đảo nổi Phan Vinh. Đây là đảo nằm cách cảng Cam Ranh 300 hải lý (khoảng 600 km) về phía Đông. Sau những cái bắt tay, chúng tôi ngỏ ý tìm hiểu về vườn rau xanh trên đảo, thượng tá Phạm Văn Thường- Chính trị viên đảo Phan Vinh liền nói: Trước đây, trên đảo có hàng trăm mét vuông rau quả, đủ các loại gần như không thiếu thứ gì. Thế nhưng, cuối năm 2017, cơn bão số 16 càn qua đảo làm rau xanh chết hết, giờ mới khôi phục lại được một ít.
|
Thượng tá Thường dẫn chúng tôi đi thăm khu vườn rau mới trồng lại. Theo quan sát của chúng tôi, vườn rau rộng khoảng gần 100m2 được che chắn khá cẩn thận không để gió và hơi muối biển lọt vào. Tại đây, các chiến sĩ đang chăm bón, nhặt từng cọng cỏ, múc từng gàu nước tưới đều từng luống rau. Được chăm sóc kỹ càng, những mầm xanh đủ các loại như mồng tơi, rau cải, rau muống… vươn lên “khoe” sức sống mới.
Vừa tưới rau, binh nhất Nguyễn Văn Quân cho biết: Để rau xanh được như hôm nay là một kỳ công. Cơn bão vừa qua làm rau xanh chết hết, đất bị nhiễm mặn, chúng em phải tiến hành rửa đất nhiều lần và tận dụng nguồn phân hữu cơ từ chăn nuôi heo, gà, vịt để bón cho rau.
Theo thượng tá Phạm Văn Thường, hiện anh em chiến sĩ mới phục hồi được các loại rau xanh, còn các loại củ quả như mướp, bí đỏ…chưa trồng được, vì thiếu hạt giống và phải mất thời gian làm sạch đất. Cho đến nay, gần tháng sau cơn bão 16, cán bộ chiến sĩ đảo Phan Vinh đã phục hồi được hơn 1/3 diện tích rau xanh so với trước, phục vụ nhu cầu đời sống của cán bộ chiến sĩ.
Sau đảo Phan Vinh, An Bang là đảo nổi thứ hai trong chuyến hải trình đến với Trường Sa mà chúng tôi đặt chân đến. Cũng như đảo Phan Vinh, ở đây không có giếng nước ngọt, thời tiết lại vô cùng khắc nghiệt, thế nhưng An Bang lại luôn dẫn đầu trong số 21 đơn vị đảo ở Trường Sa về phong trào tăng gia sản xuất, rau xanh, đáp ứng dồi dào cho nhu cầu rau xanh trong bữa ăn của cán bộ, chiến sĩ.
Vừa đặt chân tới đảo An Bang, chúng tôi bắt gặp hình ảnh 2 chiến sĩ đội mưa xới đất, nhặt cỏ trên khu vườn rau muống, rau cải khoảng 70 m2, dù lúc này trời mưa khá to. Phía trên lều bạt, áo mưa phủ được tháo hết, tôi thắc mắc, liền được một chiến sĩ cho biết: Bình thường thì vườn rau sẽ được che kín bằng bạt trắng để tránh hơi nước, muối biển gió bay lên rau nhưng hôm nay mưa to nên tháo bạt ra để cho rau được “tắm mưa” dễ phát triển.
“Chúng em phải xới đất cho đất nhờ nước mưa rửa nước mặn mà cơn bão số 16 vừa qua làm đất nhiễm mặn. Vườn rau của chúng em mùa nước thường được che bạt kín, nhưng mỗi khi có mưa lại mở bạt ra để hứng nước mưa thay cho việc tưới. Điều đó vừa tiết kiệm được nước ngọt, vừa làm cho rau luôn xanh tốt…”- Chiến sĩ này phân tích.
Chính trị viên đảo An Bang, Thiếu tá Vũ Quang Minh cho biết: Sau cơn bão số 16, vườn rau xanh hơn 200m2 bị bão phá hủy đến nay đã phục hồi được hơn 90% diện tích, cơ bản đáp ứng đủ rau xanh cho sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ trên đảo.
Do việc vận chuyển đất ra đảo rất khó khăn nên đất chỉ được phủ một lớp mỏng vài centimet trên mặt, còn lại phía dưới đều phải trộn thêm cát san hô để canh tác; phân bón rau chủ yếu tận dụng triệt để nguồn phân hữu cơ từ chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, cán bộ chiến sĩ thu gom lá cây bàng vuông, phong ba và các loại lá cây khác rụng, chặt nhỏ, ủ để lấy phân xanh để bón cho rau…
Tại những đảo chìm chúng tôi đến như Tiên Nữ, Thuyền Chài, Tốc Tan, Núi Le…việc trồng rau xanh thật không đơn giản. Ở đảo chìm, diện tích đất tự nhiên không có nên cán bộ, chiến sĩ phải tận dụng mọi diện tích trống trên đảo làm vườn rau xanh để phục vụ nhu cầu rau xanh cho bữa ăn bộ đội. Vì vậy, người lính đều tự tìm hiểu, nắm rõ yếu tố của thời tiết vùng biển đảo, từ đó có phương pháp trồng trọt, chăm bón các loại cây trồng cho phù hợp, đem lại hiệu quả. Những vườn rau ở đây được thực hiện di động theo hướng gió, che chắn kín để tránh muối biển.
Tại đảo Thuyền Chài B, 3 vườn rau xanh vài chục mét vuông bị bão cuốn bay hết nay đã được các bộ chiến sĩ dựng lại. Những chậu rau xanh như mồng tơi, cải, muống đang lên xanh tốt.
Thượng úy Đỗ Xuân Tới- Chính trị viên đảo Thuyền Chài B cho hay: Các vật dụng đều được tận dụng như thanh sắt xây dựng dư thừa hay những tấm tôn rách, áo mưa cũ để làm vườn rau; nhất là để có các thanh gỗ, bộ đội phải đi thu lượm trên biển về làm. Phải tận dụng đủ mọi thứ để che chắn nhằm bảo đảm cho vườn rau tránh được nước mặn, gió biển…
Thượng úy Nguyễn Trần Giang-Chính trị viên đảo Tốc Tan B cho biết, nhờ nắm bắt thời tiết và lựa chọn rau xanh trồng theo từng mùa vụ, cùng với việc đẩy mạnh chăn nuôi, năm 2017 hoạt động tăng gia của đảo đạt kết quả tốt. Ba vườn rau xanh gần 70m2, do làm tốt công tác chăm sóc hàng năm cũng cho vài trăm ki-lô-gam rau xanh, giúp bữa ăn của cán bộ, chiến sĩ trên đảo không còn thiếu rau xanh và thực phẩm tươi, đời sống bộ đội được cải thiện.
Tương tự ở đảo Tiên Nữ- đảo xa nhất nằm ở cực Đông của tổ quốc, khi chúng tôi vừa lên đảo, sau nghi thức đón đoàn cùng với cái bắt chặt tay, báo cáo với đoàn, thượng úy Đào Thành Hưng- Chỉ huy trưởng đảo Tiên Nữ thông tin về tình hình tăng gia sản xuất, chăn nuôi, cải thiện đời sống của các cán bộ chiến sĩ trên đảo. Trong năm 2017, cán bộ chiến sĩ tăng gia cải thiện được khoảng 500kg rau xanh, bắt được hơn 600kg cá…, 100% bữa ăn của cán bộ chiến sĩ bảo đảm dinh dưỡng…
|
Thượng úy Phạm Viết Sao-Chính trị viên đảo Tiên Nữ đưa tôi dạo một vòng quanh đảo, sau đó đưa tôi vào khu vườn rau. Vườn rau được tận dụng diện tích trống trên đảo với diện tích khoảng 50m2, xung quanh được che chắn bởi lớp tôn xanh. Phía trên nền xi măng, những chiếc khay nhựa được xếp san sát nhau, trong khay dùng đất sinh học, trộn với phân để trồng rau, hoặc gieo hạt giống. Khu vườn có nhiều loại rau nhưng nhiều nhất là rau cải, rau muống, mùng tơi…thậm chí có cả các loại rau thơm, hành…đang lên xanh mơn mởn.
Thượng úy Phạm Viết Sao cho biết: Ngoài việc che chắn cẩn thận, phân công chia nhau chăm sóc thì việc tưới nước cho rau cũng rất quan trọng; các chiến sĩ phải tận dụng triệt để từng chút chất thải hữu cơ hay từng giọt nước … sau tắm, gội đầu để tưới rau.
Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng những vườn rau xanh ở Trường Sa ngày một phát triển tươi tốt. Nhìn “Vườn rau thanh niên” ở nơi đảo xa xanh mướt mới thấy công lao của cán bộ chiến sĩ. Để có được vườn rau như bây giờ là cả một nỗ lực miệt mài, chăm sóc, nâng niu của tất cả cán bộ chiến sĩ trên đảo…
Văn Phương