Trăn trở trước ngày ra đảo

02/06/2017 13:02

Từ ngày 7-16/5/2017, đoàn đại biểu tỉnh Kon Tum đã đi thăm, tặng quà động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại 11 điểm đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và nhà giàn DK1- Huyền Trân. Không chỉ riêng tôi, mà hầu như cả đoàn đại biểu tỉnh Kon Tum đến thăm đảo Trường Sa lần này ai nấy đều thao thức, rạo rực trước giờ chuẩn bị xuất phát ra khơi.

Đoàn đại biểu tỉnh Kon Tum đến với đảo Trường Sa lần này gồm 27 đại biểu, đồng chí Đặng Thanh Long - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy làm trưởng đoàn.

Ngoài thành phần đại biểu đại diện một số cơ quan, ban, ngành, đơn vị của tỉnh, trong chuyến đi này còn có 12 anh chị em của Đoàn nghệ thuật tỉnh đi cùng Đoàn để biểu diễn phuc vụ cán bộ, chiến sĩ Hải quân tại các điểm đảo đến.

Sớm ngày 6/5, Đoàn đại biểu tỉnh Kon Tum có mặt tại nhà khách Lữ đoàn 125 Hải quân, cảng Cát Lái, Thành phố Hồ Chí Minh để làm các thủ tục cần thiết cho chuyến đi vào ngày hôm sau.

Ngày 6/5, Đoàn đã có mặt đông đủ tại nhà khách Vùng 4 Hải quân, cảng Cát Lái

 

Theo lịch trình phổ biến tại cuộc họp các đoàn vào chiều 6/5, thì 8h ngày 7/5 tàu chở đoàn mới rời cảng Cát Lái, điểm đến đầu tiên là đảo Song Tử Tây. 

Dù đến thời điểm xuất phát còn khá xa - nhưng, đêm trước ngày ra khơi, mọi người trong đoàn hầu như khó ngủ. Đã hơn 11h đêm, tôi rảo bước dọc hành lang mà phòng nào cũng còn đèn sáng và lâm râm tiếng nói chuyện.

Về lại phòng, cố nhắm mắt cả tiếng đồng hồ nhưng tôi vẫn không hề ngủ được. Nằm cùng phòng với tôi, anh Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch UBND huyện Ia H’Drai dường như cũng thấp thỏm, bồn chồn không kém. 

Không hỏi, nhưng tôi ngầm hiểu - có lẽ, anh cũng  như tôi và nhiều anh chị em trong đoàn đều cùng "tâm trạng" chỉ muốn nhanh cho trời sáng để sớm được lên tàu, sớm đến với Trường Sa, vùng biển trời thiêng liêng của Tổ quốc.

Thấy tôi cũng trở mình, trằn trọc, anh Lộc lồm cồm ngồi dậy xem đồng hồ, rồi lẩm bẩm: - Mới có hơn một giờ, còn lâu lắm mới sáng!

Nói đoạn, anh sột soạt mở túi lấy laptop, bật máy rồi vào mạng đọc báo. Từ hành động của anh, dường như đã gãi đúng "chỗ ngứa” của tôi. Như chỉ chờ có vậy, tôi liền hưởng ứng, tung chăn, ngồi dậy và bật wifi điện thoại để vào mạng. Việc chủ đích trước tiên, tôi vào google tìm hiểu thêm thông tin về quần đảo Trường Sa, nơi mà chỉ vài hôm nữa thôi, chúng tôi sẽ có mặt ở đó...

Gần 3h sáng, cố chợp mắt để đảm bảo sức khoẻ cho chặng đường nhiều ngày tới, nhưng vẫn không thể nào sâu giấc, đầu óc cứ chập chờn mơ màng, nghĩ tới chặng đường vượt biển ngày mai, ngày mốt... Và, cũng không khỏi đôi chút lo lắng: - Không biết mình có bị say sóng, hay trục trặc gì về sức khỏe không? Nhưng rồi nghĩ đến cảnh sắp được đặt chân đến một vùng biển đảo xa tít tắp giữa đại dương mênh mông, được gặp gỡ những cán bộ, chiến sĩ, những người dân ngày đêm bám biển, sát cánh cùng các chiến sĩ Hải quân canh giữ vùng biển, vùng trời thân yêu của Tổ quốc là lòng lại thấy nao nao khôn tả...

Được đi trong chuyến công tác này, tôi thấy mình thật sự may mắn. Được đến với đảo xa, nơi từ những thế kỷ trước cha ông ta khai thiên lập địa bờ cõi, khi biển Đông vẫn còn một chốn "hồng hoang". Cho dù chỉ bằng những phương tiện thuyền, bè bằng chất liệu tre, gỗ thô sơ, và vượt biển bằng kinh nghiệm: Không la bàn, không thông tin liên lạc - đội trước đi không thấy về -  đến kỳ hẹn, đội sau lại tiếp tục lên đường thay thế. Và, cũng có nhiều đội ra đi mãi không về do gặp phải giông, bão, sóng lớn giữa biển khơi mênh mông. Thế nhưng, ông cha ta đã làm nên những điều kỳ diệu, để lại cho chúng ta hôm nay một khối tài sản vô giá là vùng biển đảo thân yêu hôm nay. 

Một may mắn nữa là chuyến đi  này, ngày xuất phát ra đảo là mùng 7/5, cũng đúng là ngày kỷ niệm 62 năm thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam (7/5/1955-7/5/2017). 

Từ vinh dự được tham gia chuyến đi công tác này, tôi càng nghĩ đến trách nhiệm của một Nhà báo với những trăn trở: Mình phải làm gì để đóng góp được nhiều hơn trong chuyến đi này? Phải làm gì để góp tiếng nói, phản ánh một chân lý lịch sử: Biển Việt Nam - là của Việt Nam để người dân cả nước, bạn bè quốc tế và cả người dân Trung Quốc hiểu rõ hơn những giá trị pháp lý, lịch sử của biển đảo Việt Nam đang bị nhà cầm quyền Trung Quốc xuyên tạc, bóp méo thông qua sự phác họa phi lý đến trơ trẽn - cái gọi là "đường lưỡi bò",  hòng âm mưu độc chiếm Biển Đông. Phải làm gì để thông tin kịp thời, để có những bài viết sâu sắc, chất lượng, phản ánh sinh động cuộc sống sinh hoạt cũng như những khó khăn của cán bộ, chiến sĩ Hải quân và cả người dân nơi đầu sóng, ngọn gió? Để từ đó nhân dân cả nước hiểu nhiều hơn, có những ủng hộ, đóng góp nhiều hơn về cả vật chất và tinh thần, đối với những người đang ngày đêm bám biển có thêm điều kiện gìn giữ, bảo vệ vùng đất, vùng trời biển đảo thân yêu của Tổ quốc!

TT

Chuyên mục khác