Sức sống Trường Sa

15/03/2018 17:57

​Cơn bão số 16 được đánh giá là cơn bão mạnh gây thiệt hại không nhỏ về công trình hạ tầng, hệ thống năng lượng, rau xanh… cho các đảo trên quần đảo Trường Sa. Bão tàn phá nặng, nhưng với sự kiên cường của các chiến sĩ ở Trường Sa, những mầm xanh mới đang hồi sinh, phát triển mạnh mẽ…

Nơi cơn bão đi qua…

Tôi may mắn được đi trên tàu 561 đến với 6 đảo thuộc quần đảo Trường Sa đầu năm mới 2018. Đến quần đảo Trường Sa khi cơn bão số 16 của năm 2017 tràn qua chưa lâu, biển vẫn động dữ dội. Tới đây, tôi được các chiến sĩ kể về sự tàn phá của cơn bão số 16 mới thấy sự kiên cường của người lính đảo.

Ngay tại điểm đến đầu tiên ở đảo Phan Vinh, chính trị viên Phạm Văn Thường đưa cho tôi xem hình ảnh mà anh quay được khi cơn bão ập đến đảo mới thấy sức mạnh khủng khiếp của bão.

Bão đi qua, tuy không gây thiệt hại về người, nhưng hệ thống năng lượng sạch bị hư hỏng, đất và nước bị nhiễm mặn, cây cối đổ gãy, vườn rau, chuồng trại tăng gia hư hỏng hết. Thời điểm chúng tôi đến thì những tàn tích của bão vẫn còn khá nặng, người lính đảo đang nỗ lực khắc phục.

Thượng tá Phạm Văn Thường nhớ lại: Lâu lắm chúng tôi mới thấy có cơn bão mạnh như thế. Cột sóng cao lên cả chục mét phủ trùm lên cả ngọn cây, nhà ở ngay trên đảo làm hỏng toàn bộ vườn rau xanh. Hàng chục cây bàng vuông bị quật ngã…

Tại đảo Tiên Nữ, hòn đảo đầu tiên hứng chịu sự tàn phá của bão số 16, đại úy Phạm Viết Sao - Chính trị viên của đảo kể lại: Chúng tôi theo dõi dự báo thời tiết và sự chỉ đạo của Lữ đoàn (Lữ đoàn 146 - PV), khi bão số 16 sắp đổ bộ, chúng tôi phân công mỗi người một việc, tiến hành chằng chống nhà cửa, đồ dùng, phương tiện kỹ thuật tác chiến. Đặc biệt là bảo vệ vườn tăng gia để tránh nước mặn tràn vào gây hư hỏng vườn rau và chia nhau túc trực. Ấy vậy mà khi bão ập đến, toàn bộ vườn rau xanh, chuồng chăn nuôi bị gió thổi bay, hư hỏng hết.

Còn tại đảo An Bang, một trong những hòn đảo đẹp nhất của quần đảo Trường Sa, với hệ thống cây xanh được chăm sóc và phát triển tươi tốt, song do nằm trên thềm san hô ngập nước, khi có mưa bão, đảo An Bang dường như “bất lực” trước cơn thịnh nộ của thiên tai.

Đưa chúng tôi đi xem vườn rau tăng gia, Chính trị viên đảo An Bang - thiếu tá Vũ Quang Minh cho biết: Chúng tôi đánh giá mấy chục năm mới có một cơn bão có sức tàn phá khủng khiếp như bão số 16 vừa qua. Bão đi vào đảo An Bang mạnh nhất khoảng 11h20 - 17h00 ngày 24/12/ 2017, gió giật cấp 14-15, sóng biển cao đến 10m đã khiến 34 cây xanh bị ngã đổ, 90% số cây xanh trên đảo bị gãy cành. Sóng to làm ngập, nhiễm mặn toàn bộ vườn rau xanh...

Cơn bão số 16 đi qua làm nhiều điểm đảo trên quần đảo Trường Sa thiệt hại nặng. Nhiều tấm pin năng lượng mặt trời, cột điện gió, cột đèn chiếu sáng trên các đảo đều bị phá hỏng. Thậm chí, ở đảo Thuyền Chài C, toàn bộ hệ thống pin mặt trời, quạt gió và cột sóng Viettel cũng bị gió bão gây hư hỏng hoàn toàn, phải thay mới toàn bộ…

Trao đổi với phóng viên, đại tá Phan Ngọc Quang - Phó Chính ủy Lữ đoàn 146 (Vùng 4 Hải quân) cho biết: Mặc dù đã có dự báo trước, Vùng 4 Hải Quân cũng có sự chuẩn bị để không bị động, nhưng cơn bão số 16 là cơn bão mạnh, đi qua rất nhanh và khó lường, ảnh hưởng trực tiếp và gây nhiều thiệt hại trên một một số đảo; nặng nhất là các đảo Tiên Nữ, Núi Le, Thuyền Chài, An Bang, Phan Vinh, Trường Sa Đông, Trường Sa, Đá Lát… hệ thống năng lượng, cây cối, rau xanh, cột sóng điện thoại bị ngã hư hỏng. Điều mừng nhất là nhờ sự chủ động nên không gây thiệt hại về người.

Những mầm xanh hồi sinh

Bão đi qua, chiến sĩ tại các đảo ở Trường Sa tranh thủ thời gian khắc phục hậu quả cơn bão, trồng lại cây xanh bằng việc rửa mặn, phơi đất, chăm sóc cây lâu năm; gia cố nhà cửa, quét dọn đất cát, tận dụng tối đa những gì còn sót lại sau bão... Thế nhưng, việc khắc phục gặp rất nhiều khó khăn bởi vật dụng như cây, gỗ, đất để trồng lại vườn rau không có, các chiến sĩ phải tận dụng, tìm vớt cây trên biển để làm, đất thì phải rửa mặn… Vì vậy, cây xanh ở đảo thấm đẫm mồ hôi, công sức của cán bộ, chiến sĩ nơi đây…

Chiến sĩ đảo Tốc Tan chăm sóc vườn ra sau bão. Ảnh: V.P

 

Ở đảo nổi Phan Vinh, chia sẻ khó khăn này, thượng tá Ngô Đình Xuyên - Chỉ huy đảo Phan Vinh cho biết: Ở đảo, do điều kiện thổ nhưỡng hết sức khắc nghiệt, trồng được một cây xanh và chăm sóc cho nó tốt tươi đòi hỏi nhiều công sức. Có cây trồng phải trên 10 năm mới có thể xanh tốt. Trên đảo Phan Vinh có 500 cây xanh được cán bộ, chiến sĩ thường xuyên chăm sóc. Cơn bão số 16 làm 12 cây bị ngã cũng đã được trồng lại, khu nhà kính trồng rau bị bão tàn phá cũng được sửa chữa và gieo trồng rau mới. Những mầm xanh đã và đang vươn sức sống trên đảo nổi Phan Vinh anh hùng.

Còn tại đảo An Bang, bão đi qua hơn một tháng, những mầm cây xanh được các chiến sĩ đảo An Bang tận dụng từng mét vuông, sử dụng từng chiếc chậu, thùng xốp trồng lại.

Thượng úy Nguyễn Xuân Chiến - cán bộ thông tin đảo An Bang cho biết: Cơn bão số 16 làm hỏng khá nhiều cây cối, vườn rau xanh trên đảo, chúng tôi đang tập trung chăm sóc và tiến hành ươm nhiều mầm mới để phục hồi lượng cây xanh trên đảo. Đối với vườn rau bị nhiễm mặn, chúng tôi phải tận dụng, sử dụng nước để rửa mặn, dùng đất màu, xơ dừa để cải tạo; đặc biệt, tìm những loại rau có thời gian sinh trưởng ngắn, có sức sống khỏe để trồng nhằm bảo đảm phục vụ ăn uống cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo.

Phải nói rằng, việc trồng cây trên đảo nổi đã khó vậy, trên các đảo chìm còn gian nan gấp bội, bởi thiếu đất, nước ngọt ít, vật dụng thiếu nên các chiến sĩ phải tiết kiệm, tận dụng tất cả mọi thứ có thể để trồng rau, cây xanh. Ở các điểm đảo chìm có 1 đến 2 cây bàng hay cây tra trong khuôn viên đảo là tốt lắm rồi. Còn đa số màu xanh trên các đảo chìm đều được tận dụng trồng trong khay, thùng xốp được che chắn kín bởi những vạt áo mưa để tránh nước mặn. Chính vì thế, từng ngọn rau, từng mầm cây, nắm đất sau bão được các chiến sĩ trên các đảo ở Trường Sa nâng niu, trân trọng.

Tại đảo chìm Núi Le B, chúng tôi được chứng kiến các chiến sĩ đang dựng lại vườn rau ngay sát mép biển. Vườn rau được dựng bằng những thanh gỗ đóng chắc chắn và che bạt cẩn thận để tránh nước mặn. Những ngọn rau muống, rau cải, mồng tơi đã được các chiến sĩ trồng lại, chăm chút cẩn thận trong những thùng xốp.

Tại đây, vừa chăm sóc vườn rau, binh nhất Nguyễn Văn Ngọc Trầm chia sẻ: Cả vườn rau bị nhiễm mặn, hơn tháng nay chúng em đem những chậu đất ra phơi, rửa mặn, bón thêm vôi và phân, sau đó mới gieo hạt. Cả đơn vị còn phải tiết kiệm từng giọt nước mưa để phục vụ tưới rau, duy trì độ ẩm cho rau phát triển…

Tương tự như đảo chìm Núi Le, trên các đảo chìm khác như Tốc Tan, Tiên Nữ, Thuyền Chài…, việc phục hồi những vườn rau xanh được các chiến sĩ trên đảo chú trọng nhằm bảo đảm rau xanh phục vụ ăn uống của cán bộ, chiến sĩ trên đảo.

Nhờ sự kiên trì và cẩn thận đó, các vườn rau bị hư hỏng đến nay đang hồi sinh mạnh mẽ, những mầm xanh đã và đang vươn sức sống mới giữa trùng khơi. Màu xanh của cây lá đã, đang và sẽ lại hòa cùng màu xanh của biển cả mênh mông tạo nên sức sống mạnh liệt, kiên cường của Trường Sa thân yêu.

Văn Phương

Chuyên mục khác