05/06/2017 14:34
Khi nghe thủy thủ đoàn thông tin tàu sắp đến đảo Song Tử Tây - điểm đảo đầu tiên chúng tôi ghé thăm trong chuyến công tác này, cả tàu ai nấy bỗng chộn rộn. Mọi người đổ dồn về hướng mũi tàu, dõi nhìn đăm đăm về hướng mũi tàu đang lao tới với sự mong mỏi như cháy lòng.
Từng phút, từng giây rút ngắn dần, chúng tôi nhìn thấy đảo ngày càng một rõ hơn. Khoảng 10h15’, mọi người đã có thể nhận rõ màu đỏ sao vàng của lá quốc kỳ thân yêu đang tung bay trên nền xanh mượt mà của cây lá.
Gần 10h30’, tàu KN491 tiến hành thả neo cách đảo Song Tử Tây ước chừng 400m. Từ nơi neo đậu nhìn vào đảo có thể nhận rõ nhiều trụ quạt năng lượng gió, chạy dài từ cầu cảng vào sâu trong đảo, những mái nhà phủ những tấm pin năng lượng mặt trời lấp lánh dưới nắng mặt trời.
|
Sau bữa cơm trưa, chuyện trò bên bàn uống nước với cánh phóng viên trên boong tầu, Đại tá Tạ Trung Đức - Phó Chủ nhiệm Chính trị Vùng 4 Hải quân, người đã có nhiều năm công tác ở các đảo tại quần đảo Trường Sa cho biết: So với vài năm về trước, hiện nay xã đảo Song Tử Tây đã khang trang, sạch đẹp hơn rất nhiều. Đời sống sinh hoạt, tinh thần của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ và giáo viên trên đảo được cải thiện đáng kể. Bây giờ thông qua hệ thống điện năng bằng sức gió, pin năng lượng mặt trời đã đủ lượng điện cung cấp cho sản xuất và sinh hoạt của cả đảo. Đảo đã được đầu tư hệ thống máy lọc nước biển, hệ thống bể chứa nước mưa, đủ dùng chứ không thiếu nhiều như trước nữa.
Anh Đức cho biết thêm, mới đây đảo cũng được đầu tư xây dựng một ngôi trường mới, trạm xá mới... Và, trước khi trở về phòng nghỉ trưa, anh không quên nhấn mạnh: Chiều nay lên đảo, mọi người sẽ thấy, Song Tử Tây là một trong những đảo được đánh giá là đẹp nhất Trường Sa. Giữa đảo còn có sân bóng đá lớn mà không phải đảo nổi nào cũng có được.
13h30’ ngày 9/5, chuyến ca nô đầu tiên từ tàu KN491 đã chở người đầu tiên cập bến đảo. Về việc chở người lên đảo, cũng xin nói thêm chi tiết để bạn đọc rõ hơn: Để chở hết số đại biểu trên tàu lớn, thường mất 16 - 17 chuyến ca nô, tùy ngày biển êm hay động. Theo quy định, những tốp lên đảo trước sẽ phải trở lại tàu trước, cứ lần lượt như vậy cho đến hết. Duy nhất, cánh phóng viên báo chí được ưu tiên - nghĩa là được đi những chuyến đầu và khi về là những chuyến sau cùng để kịp thời gian tác nghiệp.
Song Tử Tây là hòn đảo nổi, diện tích chừng 3ha, có bộ máy chính quyền cấp xã thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà (nếu tính cả quần đảo Trường Sa thì ngoài Song Tử Tây, còn có 2 đơn vị hành chính nữa là xã đảo Sinh Tồn và thị trấn Trường Sa). Song Tử Tây nằm về phía bắc của quần đảo Trường Sa gồm các đảo: Song Tử Tây, Đá Nam và một số đảo, đá, bãi phụ cận thuộc cụm Song Tử. Điểm cao nhất của xã đảo nằm ở đảo Song Tử Tây là 4m trên mực nước biển.
Đúng như lời Đại tá Tạ Trung Đức đã kể khi trước, đảo Song Tử Tây có nhiều công trình dân sinh kiên cố như nhà văn hóa, trường học, trạm quân dân y kết hợp và có các công trình tâm linh như chùa Song Tử Tây, tượng đài Trần Hưng Đạo, gợi nhớ một thời hào khí của cha ông ta đi mở mang bờ cõi giữa trùng khơi mênh mông.
|
Thời gian lưu lại trên đảo ước chừng khoảng 2 giờ đồng hồ, nên cánh nhà báo chúng tôi, mạnh ai nấy “chạy”, cố gắng sao cho nắm được càng nhiều thông tin để phục vụ cho đề tài mà mình ấp ủ. Lần đầu lên đảo, thấy gì cũng lạ lẫm, cũng muốn tìm hiểu. Nắng gió buổi trưa như cháy da, vậy mà những cây phong ba cứ xanh mướt, căng tràn nhựa sống.
Qua tìm hiểu tài liệu tôi được biết ở đảo Song Tử Tây có một số loại cây cố hữu như: bàng vuông, tra, bão táp... song có lẽ nhiều nhiều nhất ở đảo này vẫn là cây phong ba. Loại cây này không biết có tự bao giờ, nhiều cây có gốc to, người lớn ôm không xuể. Tôi chụp vội bức hình một lính trẻ đang khoác súng đứng gác bên cạnh cây phong ba trên đường vào trung tâm đảo và có liên tưởng: “Lính Hải quân chính là những cây phong ba luôn vững vàng trong bão táp”.
Để xâm nhập thực tế cho bài viết, điểm tôi hướng đến đầu tiên là trường tiểu học. Trường là một ngôi nhà 2 tầng mới được đầu tư xây dựng năm 2015, khá khang trang. Khi tôi đến (là giờ các học sinh tự làm bài tập), trong lớp khoảng hơn mười học sinh, dù không có thầy nhưng học sinh tự làm bài rất trật tự.
Tiếp tôi trong căn phòng khách, thầy giáo Lê Văn Mạnh - quê Khánh Hòa năm nay đã 28 tuổi, chưa xây dựng gia đình, cho biết: hiện ở trường có hai thầy, đảm nhận dạy 10 học sinh cả thảy, nhưng vẫn phải chia làm 2 lớp và học 2 buổi/ ngày. Lứa tuổi và lớp học của học sinh cũng không đồng đều nên giáo viên phải chia nhau dạy theo phân môn. Cách dạy này đảm bảo sát với khả năng tiếp thu của các em và các thầy cũng có điều kiện đầu tư chuyên sâu môn dạy hơn.
Chia tay thầy Mạnh, rời khỏi trường tiểu học ước chừng khoảng một phút, tôi may mắn gặp được vợ chồng anh Đoàn Duy Kiệt - một ngư dân, đồng thời cũng là dân quân tự vệ của đảo, chị vợ là Phạm Thị Bích Luyện đang bế cháu nhỏ khoảng chừng 3 tuổi - cả hai anh chị đều quê Cam Ranh, Khánh Hòa. Nói “may mắn” bởi, từ trước khi lên đảo tôi có dự kiến muốn tìm gặp một vài hộ dân để tìm hiểu cuộc sống của họ, mà quỹ thời gian thì quá eo hẹp. Vậy là không bỏ lỡ cơ may, tôi vồn vã bắt chuyện, anh chị cho biết: Vợ chồng bế cháu đi xem lễ duyệt đội ngũ của bộ đội Hải quân vừa diễn ra tức thì ở sân vận động, bây giờ trở về nhà.
|
Qua tìm hiểu được biết gia đình anh chị có 4 khẩu, vợ - chồng và 2 con nhỏ, một cháu sinh năm 2011 và một sinh năm 2014 mà anh chị đang ẵm theo. Hỏi chuyện về kinh tế gia đình, anh Kiệt cho biết: cũng như nhiều hộ dân trên đảo, các hộ đều được chính quyền và đoàn thể xã, huyện quan tâm về nhiều mặt, nên đời sống tinh thần cũng như vật chất khá ổn định. Hàng ngày chị Luyện tranh thủ trồng rau, chăn nuôi heo, ngan, gà và nội trợ và hoạt động đoàn thể. Anh Kiệt thì làm nghề ngư và làm nhiệm vụ được giao của một dân quân tự vệ.
Tôi hỏi: “Anh, chị có nhớ đất liền không?”. Anh Kiệt cho biết, ở mãi cũng quen như ở quê vậy. Hơn nữa, vài năm trở lại đây, khi âu tầu được xây dựng kiên cố, có bến đỗ an toàn, đủ rộng cho cả trăm tầu có thể vào tránh bão, nên ngư dân ra vào đảo cũng thường xuyên hơn, nên vẫn thường gặp gỡ người thân.
Loáng cái đã hơn một giờ trôi qua, trước khi quay lại địa điểm hội trường, nơi diễn ra buổi gặp mặt, tặng quà của các đoàn với cán bộ, chiến sĩ trên đảo, tôi đã tranh thủ thâm nhập nơi ở và chuyện trò với một vài chiến sĩ trên đảo.
Điều đầu tiên làm tôi bất ngờ là những vườn rau xanh của lính. Rau ở đây cũng có đủ loại như cà ghém, rau ngót, chuối, đu đủ, các loại cải như đất liền. Có chăng cái khác với đất liền - ấy là vườn rau nào cũng được che chắn nắng và gió khá cẩn thận, và sự chăm sóc cũng đòi hỏi phải cầu kỳ hơn đất liền rất nhiều.
Thấy tôi giơ máy định chụp hình một cây đu đủ đeo trái nặng trĩu từ lưng cây lên tới chóp ngọn, một chiến sĩ trẻ nhanh nhảu: - Chú ơi, chờ chút để gỡ bao bì che, chụp cho đẹp! Tôi cười đáp nhanh: Không cần đâu, đây chính là nét khác biệt giữa đu đủ trồng ở đảo và đất liền đấy!
Chụp xong pô hình, sang vườn rau xanh bên cạnh. Ở đây tôi bắt gặp một chiến sĩ đang nhặt cỏ, chăm chút những cây cà pháo ra bói những lứa quả đầu tiên. Qua tâm sự, được biết anh tên Bùi Trọng Tạo, khoảng 34-35 tuổi, quê Hưng Hà, Thái Bình, mới ra đảo tháng 12/2016.
Hỏi về chuyện trồng rau, anh tâm sự: Nghe anh em kể lại, vài năm về trước nguồn nước cho tưới rau rất khan hiếm, vì phải tận dụng từ nguồn nước ngọt sinh hoạt, sau đó mới dùng để tưới rau, nhưng bây giờ thì đỡ nhiều rồi, nước tưới rau đã có nguồn nước lợ từ máy lọc nước biển nên việc tự túc rau ăn hàng ngày của cán bộ, chiến sĩ cũng tạm ổn.
Ở đảo Song Tử Tây, một điều làm tôi ngạc nhiên nữa là trên đảo nuôi rất nhiều bò. Có bò mẹ, bò con chúng đi nghênh ngang trên sân bóng đá của lính đảo. Trong đàn còn có con đực giống lai to sừng sững, chẳng kém gì những con bò to khỏe ở đất liền...
Còn biết bao điều muốn tìm hiểu về đời sống sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo, nhưng đành phải gác lại, bởi thời gian ở đảo thật ngắn. Nhưng cảm nhận về một cuộc sống thanh bình, đầy sức sống mãnh liệt của những con người đang ngày đêm gắn bó cuộc sống của mình với biển đảo, bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc Việt Nam thân yêu, luôn cho ta một niềm tin vững chắc về họ ở nơi mảnh đất thân yêu này.
Bài và ảnh: TT