Những người “gác đèn biển” ở Trường Sa

16/07/2018 07:05

​Không quản ngại gian khó, những người canh giữ ngọn hải đăng luôn tận tâm, tận lực để “đèn biển” trên quần đảo Trường Sa sáng mãi giữa biển khơi bao la. Bởi, hơn ai hết, họ hiểu rằng ánh sáng tỏa ra từ những ngọn hải đăng không chỉ có tác dụng “soi đường, định vị” đảm bảo an toàn cho tàu thuyền trên biển mà nó còn mang ý nghĩa khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông…

Ở quần đảo Trường Sa, có 9 trạm hải đăng được xây dựng trên các đảo Đá Lát, Trường Sa Lớn, Đá Tây, An Bang, Tiên Nữ, Sinh Tồn, Nam Yết, Sơn Ca, Song Tử Tây.

Trong chuyến hải trình đến với quần đảo Trường Sa đầu năm 2018, tôi may mắn được đặt chân đến 2 trong tổng số 9 đảo có trạm hải đăng, đó là: trạm hải đăng đảo nổi An Bang và đảo chìm Tiên Nữ.

Tại đây, chúng tôi được gặp gỡ, được nghe anh Trần Quang Hải - Trạm trưởng Trạm hải đăng An Bang và Trần Văn Ngữ - Trạm trưởng Trạm hải đăng Tiên Nữ - những người đang ngày đêm gác ngọn đèn, tâm sự về cuộc sống tình cảm và chuyện nghề của những người canh giữ “mắt biển”.

Ngọn hải đăng trên đảo An Bang. Ảnh: V.P

 

Để hải đăng luôn sáng giúp tàu thuyền qua lại an toàn trên biển, những người canh gác phải làm việc liên tục, tận tụy, thay phiên nhau túc trực 24/24 tại trạm, bất kể trời mưa, trời nắng hay sóng gió bão bùng giữa mênh mông biển khơi.   

Theo các anh kể, mỗi trạm hải đăng ở Trường Sa thường biên chế 5 người, thay nhau túc trực 24/24h. Ở đảo An Bang, Tiên Nữ cũng vậy, mỗi trạm đều có 5 người. Hàng ngày, vào thời gian quy định cụ thể, những công nhân gác đèn lại thông tin về đất liền các hoạt động của tàu thuyền trong khu vực cũng như sự thay đổi của thời tiết trên biển để trung tâm ở đất liền nắm và có dự báo, cảnh báo kịp thời cho tàu thuyền qua lại khu vực.

Trạm trưởng hải đăng An Bang - Trần Quang Hải cho biết: Trạm hải đăng An Bang có tháp hình trụ màu xám sẫm, chiều cao tháp đèn là 24,9m. Trạm nằm trong khu vực đóng quân của các chiến sĩ trên đảo An Bang. Hải đăng có tác dụng chỉ vị trí đảo An Bang, đồng thời giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển Trường Sa định hướng và xác định vị trí. Hải đăng chạy điện năng lượng mặt trời và tự động bật tắt khi trời tối. Khi năng lượng yếu thì phải dùng máy nổ, máy phát điện vận hành trong mọi điều kiện, kể cả mưa bão kéo dài. Nước muối mặn và gió biển cũng dễ làm hư hỏng máy móc nên chúng tôi phải thường xuyên thay nhau làm công tác bảo trì, bảo dưỡng để vận hành hải đăng.

“Công tác bảo quản đèn cũng rất công phu, chúng tôi phải luôn tự bảo quản thiết bị, lau chùi đèn sạch sẽ để đèn sáng rõ, đảm bảo cho tàu thuyền có thể thấy tín hiệu cho dù họ cách xa cả chục hải lý”- anh Hải cho biết.

Cũng theo anh Hải, hàng ngày, ngoài việc bảo dưỡng đèn, các anh thay nhau kiểm tra tổ hợp điện, kiểm tra ắc quy và nạp điện vào bình ắc quy để phục vụ đảm bảo cho đèn sáng trong mọi điều kiện thời tiết. Ngoài ra, hàng ngày cứ 8h sáng, 15h chiều anh em trực trạm phải thông tin về trung tâm ở đất liền tình hình tàu thuyền qua vùng biển và tình hình thời tiết ở khu vực. Đây là công việc cần sự cẩn thận, tỉ mỉ.  

Tâm sự với chúng tôi, anh Trần Văn Ngữ - Trạm trưởng Trạm hải đăng Tiên Nữ cho biết: Hải đăng Tiên Nữ có chiều cao tháp đèn 22,1m. Đèn có ánh sáng trắng, chu kỳ 10 giây. Công việc hàng ngày của người gác “đèn biển” cũng không nặng nhọc, vất vả nhưng cần sự kiên trì, cẩn thận. Các thiết bị phải được bảo quản hàng ngày, thiết bị sạch thì mới hấp thụ tốt năng lượng và làm cho đèn sáng hơn, tàu thuyền dễ nhận biết hơn…

Những người gác “đèn biển”  như anh Hải, anh Ngữ mà tôi may mắn được gặp đều đã có nhiều năm gắn bó với Trường Sa. Đơn cử như anh Hải đã gắn bó hơn 10 năm ở Trường Sa. Còn anh Ngữ năm nay 50 tuổi nhưng có thâm niên hơn 20 năm gác “đèn biển” trên quần đảo Trường Sa.

Với các anh ngần ấy năm gắn bó biển thì cũng ngần ấy năm phải sống xa gia đình, thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần, nhưng các anh vẫn không một lời than phiền, hay đòi hỏi cho bản thân. Họ kiên cường chống chọi và đứng vững trước sóng to gió lớn để bảo vệ ngọn hải đăng sáng mãi giữa biển khơi. Yêu nghề, trách nhiệm với nghề, họ sẵn sàng hy sinh niềm riêng cho sự nghiệp chung của đất nước - bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quê hương…

Đầu năm 2018, khi chúng tôi đến với các đảo của quần đảo Trường Sa, trong đó có đảo An Bang và Tiên Nữ, dấu vết sự tàn phá của cơn bão số 16 cuối năm 2017 vẫn hiện hữu. Nhiều vườn rau xanh bị bão quật tơi bời vẫn chưa kịp trồng mới; những cây bàng vuông bị bão quật đổ, gãy ngọn đang đâm chồi... Thế nhưng, vượt lên trên tất thảy, ngọn hải đăng được các anh kiên cường bảo vệ vẫn mãi tỏa sáng.

Anh Ngữ bộc bạch: Niềm vui và hạnh phúc của chúng tôi là được gặp những ngư dân bám biển. Mỗi khi có dịp họ đều ghé qua trạm hải đăng gửi lời hỏi thăm, động viên anh em chúng tôi. Có nhiều tàu thuyền đi ngang qua trạm hải đăng không vào thăm được, như đã thành “thông lệ” lái tàu kéo còi hú chào. Nghe những âm thanh đó và gặp những con người chân chất hỏi thăm là sự động viên không có gì thay thế được, là động lực để chúng tôi tiếp tục cống hiến, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Chia tay những người gác hải đăng ở An Bang, Tiên Nữ, tôi cứ nhớ mãi khuôn mặt chất phác, sạm nắng, ánh mắt kiên cường của anh Hải, anh Ngữ… Dù nắng hay mưa, mùa biển lặng hay bão tố, các anh vẫn luôn đảm bảo cho ngọn hải đăng không bao giờ tắt.

Khi trở về với đất liền, với tôi, chính các anh - những người “gác đèn biển” là những ngọn hải đăng sáng mãi trong tim tôi.

Văn Phương

Chuyên mục khác