25/03/2017 19:19
Đó là chuyến đi đầu tiên của Đoàn đại biểu tỉnh Kon Tum ra thăm cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Trường Sa theo chương trình phối hợp công tác của Bộ tư lệnh Quân chủng Hải Quân với các địa phương và bộ, ngành Trung ương.
Đoàn gồm 15 thành viên, do đồng chí Y Mửi - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm trưởng đoàn. Trong đoàn có 8 già làng, thôn trưởng và người có uy tín ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Gần cả cuộc đời cặm cụi với rẫy với ruộng; quen thân, gần gũi nhất chỉ với bà con ở Trại phong Đăk Kia, nay được đi xa một chuyến, lại là chuyến đi "lịch sử" thăm vùng biển đảo thiêng liêng, ông A HNhíu mừng lắm. Cả thôn cũng vui lây.
Sáng 15/5/2014, con tàu lớn chở gần 200 thành viên Đoàn công tác số 12 rời cảng Cát Lái, Thành phố Hồ Chí Minh.
Lần đầu tiên được ra biển, đi tàu, ông A HNhíu đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng, song không tránh khỏi đôi chút lo lắng. Ngồi trong khoang tàu, nhìn qua cửa sổ, thấy mênh mông là nước, cảm giác chóng mặt xâm chiếm. Chứng kiến một số anh em trong đoàn, mới ở trên tàu chừng 3-4 tiếng đồng hồ đã "ngắc ngư" say sóng, ông cũng hoang mang. Tuy vậy, rất may là trong suốt hành trình, người nông dân 56 tuổi vẫn "kiên cường" trụ bám, chưa cần đến thuốc men bổ trợ.
Sau hai ngày hai đêm lênh đênh trên biển, sáng sớm 17/5/2014, tàu cập bến đảo Trường Sa lớn. Thật khó diễn tả cảm xúc dâng trào khi đặt chân lên đảo.
Ngay ở điểm đến đầu tiên và trong suốt hành trình gần một tuần ở Trường Sa, được đến thăm 11 điểm đảo nổi, đảo chìm và nhà giàn DK1, điều ông A HNhíu cảm nhận sâu sắc là tình cảm thắm thiết, chan chứa ân tình mà cán bộ, chiến sĩ, người dân trên đảo và những người đồng chí, đồng bào từ đất liền ra biển dành cho nhau.
Xem đài, đọc báo đã nhiều, song, được tận mắt chứng kiến sinh hoạt, cuộc sống lao động, công tác, học tập của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa, mới thực sự thấm thía ý nghĩa câu nói " Đảo là nhà, biển cả là quê hương". Ông A HNhíu bảo, chỉ khi đã xem đảo là nhà và biển là quê hương, những người gắn bó với vùng đất "đầu sóng ngọn gió" này mới có thể tận tâm tận lực góp phần xây dựng vùng biển đảo xanh tươi, tràn đầy sức sống và sẵn sàng xả thân để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Thời gian ngắn ngủi, đến thăm nơi nào cũng khẩn trương,vội vã; nhưng tình cảm và ấn tượng đọng lại, với ông Nhíu và các thành viên trong đoàn công tác của các địa phương, đơn vị thật chan chứa, chân thành.
Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông, Sinh Tồn, Phan Vinh, Nam Yết, Song Tử Tây, Sơn Ca..., ở các đảo nổi kiêu hãnh mà mọi người đã đến nơi, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và sự ủng hộ chí tình của nhân dân cả nước, tất cả đều đã được đầu tư xây dựng hạ tầng khang trang, hoàn chỉnh.
Tại các điểm đảo chìm xinh đẹp Tiên Nữ, Đá Đông, Đá Tây, Núi Le…, nhiều hạng mục cầu tàu, nhà ở, phòng làm việc, bể chứa nước uống và các công trình phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu... cũng được kiên cố.
|
Ở đảo xa, ông A HNhíu vẫn có thể hỏi han, trò chuyện với người thân ở nhà. Tất cả điểm đảo đều có sóng điện thoại, đáp ứng yêu cầu thông tin liên lạc giữa đất liền với Trường Sa và giữa các đảo với nhau, vì nhiệm vụ trước hết và trên hết là phục vụ sẵn sàng chiến đấu.
Bên cạnh đó, thông qua hệ thống điện gió và năng lượng mặt trời, các điểm đảo cũng đều cơ bản được đảm bảo ổn định cung ứng điện, phục vụ sinh hoạt và công tác. Radio và tivi là những người bạn thân thiết với các gia đình, đơn vị, với từng cán bộ, chiến sĩ và người dân; đưa đất liền đến gần hơn với khơi xa qua thông tin cập nhật và tình cảm gửi gắm.
Ở những đơn vị tiền tiêu mà ông A HNhíu đã đi qua, những chàng lính trẻ, chừng tuổi con cháu của ông, luôn rạng rỡ nụ cười, như chưa hề trải qua gian khổ, thiếu thốn, ngày ngày đối mặt với nguy hiểm, hy sinh. Họ luôn lạc quan, yêu đời và tự tin gửi về đất liền lời nhắn nhủ "Hãy yên lòng vì đã có chúng con canh giữ biển trời Tổ quốc!".
Lắng lòng nhớ về một lần được dự lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ hải quân đã anh dũng hy sinh để bảo vệ đảo Gạc Ma, giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, ông A H Nhíu bảo, cả đời sẽ chẳng bao giờ quên những giây phút nghẹn ngào, xúc động.
Không đến với Trường Sa, ông và mọi người làm sao biết được những câu chuyện về lòng quả cảm của những người lính đảo xa, sự hy sinh lặng thầm của cán bộ, chiến sĩ ở nhà giàn DK1 mỗi lần bão gió, cả câu chuyện tưởng như cổ tích về người chỉ huy đã nhường áo phao cho anh em trong cơn sóng dữ hoành hành…
Ông A HNhíu bảo, đã quen gian nan, vất vả từ lâu; song ra Trường Sa, mới thấy rằng, bao nhọc nhằn, khó khăn của mình thực sự chưa thấm vào đâu so với những gì bà con và chiến sĩ ở đảo từng trải. Chỉ riêng cái nắng, cái gió khơi xa, cũng đã gắt gao, khó chịu lạ lùng. Ở đây, dường như, bất cứ vật dụng, đồ dùng nào cũng được căn ke, tiết kiệm. Thứ mà đất liền hào phóng sử dụng nhất là nước ngọt, ngoài đảo xa vô cùng chắt chiu.
Được tiếp xúc, tìm hiểu, càng cảm phục tinh thần vượt khó và ý chí quyết tâm của người dân và cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Kỷ niệm về huyện đảo Trường Sa vẫn còn hoài trong những câu chuyện kể của người thôn trưởng được cộng đồng tin yêu, tín nhiệm; thành động lực khích lệ mọi người cùng chung sức đồng lòng góp phần giữ vững nền độc lập, tự chủ và xây dựng quê hương, đất nước mạnh giàu.
Thanh Như