Nhà tù Phú Quốc- chứng tích tội ác của kẻ thù

16/08/2017 07:06

Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất nước ta, nằm ở phía Tây Nam, thuộc tỉnh Kiên Giang, có diện tích gần 600 km2. Thật không thể tin nổi, ở nơi được mệnh danh là đảo ngọc này, có một thời đã tồn tại một nhà tù do thực dân, đế quốc lập ra để giam giữ, tra tấn hàng ngàn người yên nước, những chiến sĩ cách mạng với mọi thủ đoạn thâm độc, vô cùng tàn bạo…

Theo tư liệu được ghi chép lại, năm 1950, thực dân Pháp đã chọn Phú Quốc để lập trại giam tù binh, gọi là “Trại giam Cây Dừa”. Tại đây, chúng giam giữ khoảng 14.000 chiến sĩ yêu nước và những người bị tình nghi tham gia lực lượng quân sự chống lại thực dân Pháp. Từ tháng 7/1954, trại giam ngừng hoạt động sau khi tù binh hai bên được trao trả.

Năm 1955, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm cho sửa lại khu nhà đã đổ nát của Trại giam Cây Dừa để lập ra Trại chỉnh huấn Cây Dừa, giam giữ gần 1.000 tù chính trị. Đến năm 1957, số tù nhân này bị đưa ra Côn Đảo, một số về đất liền. Từ đây, Trại chỉnh huấn Cây Dừa chấm dứt hoạt động.

Cuối năm 1966 đầu năm 1967, Mỹ - ngụy cho xây dựng “Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc”, gọi tắt là “Trại giam tù binh Phú Quốc” tại thung lũng An Thới. Toàn bộ trại giam là những dãy nhà tôn và dây kẽm gai được đan cột dày đặc.

Mô hình tái hiện cảnh tra tấn tù nhân ở nhà tù Phú Quốc

 

 Khi Trại giam tù binh Phú Quốc hoạt động, những chiến sĩ thuộc các lực lượng vũ trang trước kia bị giam ở Côn Đảo và các nhà tù khác lần lượt được đưa về giam tại đây. Đây là trại giam lớn nhất của Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn ở Việt Nam. Diện tích trại giam khoảng 400 ha, có 12 khu, mỗi khu có 4 phân khu, với gần 500 nhà giam. Giai đoạn 1967 - 1973, lúc cao điểm tại trại giam này, địch bắt, giam giữ hơn 40.000 chiến sĩ cách mạng.

Cũng giống như Côn Đảo, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ chọn Phú Quốc để lập trại giam vì chúng cho rằng Phú Quốc nằm giữa biển, cách biệt với đất liền, xa nhân dân, xa cách mạng nên có thể hạn chế những cuộc đấu tranh của tù binh, dễ canh giữ, dễ đàn áp hơn ở đất liền, dễ bưng bít dư luận, tránh được những cuộc tấn công để giải thoát tù binh và hạn chế được những cuộc vượt ngục.

Với dã tâm như vậy, “bài học” đầu tiên hay thủ tục nhập trại của tù binh là bị chúng đánh phủ đầu tới tấp bằng báng súng, dùi cui. Trong quá trình giam giữ tù binh, bọn chúng đã sử dụng mọi thủ đoạn thâm độc và tàn bạo, với các kiểu tra tấn dã man chẳng khác gì thời trung cổ như đóng đinh vào người, dùng que sắt nướng đỏ đâm xuyên qua người, đục răng và bẻ răng, lấy móng tay móng chân…Mất nhân tính hơn, bọn chúng còn cho lật ngửa tấm vỉ sắt loại có lỗ tròn và đầy mấu để mắc vào nhau làm đường băng sân bay rồi bắt tù binh cởi hết áo quần, cắm đầu xuống vỉ sắt lộn ra sau, lộn đến khi lưng tóe máu, tróc da, tróc tóc… Một hình phạt khá phổ biến là chúng bắt tù binh (chỉ được mặc chiếc quần cộc) nhốt vào chuồng cọp làm bằng kẽm gai, phơi nắng, phơi sương, đêm lạnh, chúng dội lên người một xô nước lạnh gọi là giải khát cho cọp; những ngày nóng nực, chúng dội nước muối gọi là ướp cho mau lên cân...

Không tận mắt chứng kiến kẻ thù tra tấn, hành hạ tù binh, nhưng bất cứ ai khi đến thăm di tích lịch sử nhà tù Phú Quốc, đều không khỏi rùng mình, căm phẫn khi nhìn vào các hình ảnh được phục dựng lại: cảnh tù binh da bọc xương bị nhốt trong các chuồng cọp phơi giữa trời, tù binh bị chôn sống hoặc ném vào chảo nước đang sôi…

Với các hình thức tra tấn hết sức dã man, nhà tù tồn tại trong 6 năm, từ tháng 7/1967 - 1/1973, đã có hơn 4.000 người bị chết trong các trại giam và hàng nghìn người bị tàn tật suốt đời… 

Tuy nhiên, kẻ địch càng tra tấn tàn bạo thì càng làm bừng lên khí phách kiên trung, bất khuất của người cộng sản. Giữa nanh vuốt của kẻ thù, những chiến sỹ cộng sản vẫn luôn giữ trọn chí khí, một lòng theo Đảng, theo cách mạng. Trong lao tù, dù địch kìm kẹp, khủng bố, anh em tù binh, mà nòng cốt là những người cộng sản đã tập hợp lại đội ngũ, kiên quyết đấu tranh chống lại kẻ thù. Họ vẫn bí mật thành lập tổ chức Đảng, xác minh lý lịch để kết nạp đảng viên, chuyển đảng chính thức, duy trì nghiêm túc chế độ sinh hoạt Đảng; tổ chức học tập văn hóa, chính trị, chuyên môn nghiệp vụ; sinh hoạt văn hóa, văn nghệ...

Đặc biệt, với tinh thần kiên quyết bảo vệ sinh mạng chính trị của mình để sau này trở về tiếp tục chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng, anh em tù binh đã vận dụng nhiều hình thức từ thấp đến cao, từ hợp pháp đến bất hợp pháp để đấu tranh với địch. Mặt khác, họ luôn tìm cách để vượt ngục, mặc dù họ biết vượt ngục trở về với cách mạng là một việc làm hết sức khó khăn, nguy hiểm, đòi hỏi phải chịu nhiều gian khổ, hy sinh. Đã có 41 cuộc vượt ngục, trong đó có 16 vụ vượt ngục đơn lẻ, 14 lần vượt rào, 4 lần ra bằng đường hầm, 7 lần cướp súng của địch. Bằng ý chí kiên cường, hơn hai trăm người đã vượt ngục thành công, về với cách mạng, tiếp tục tham gia chiến đấu ở địa phương.

Đầu năm 1973, Hiệp định Pa-ri được ký kết, tù binh được trao trả và Trại giam tù binh Phú Quốc cũng chấm dứt tồn tại.

Ngày 12-10-1993, Bộ Văn hóa và Thông tin ra quyết định công nhận “địa điểm nhà tù Phú Quốc” là Khu di tích lịch sử. Năm 1995, Khu di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc được công nhận là Di tích cấp quốc gia. Năm 2015, được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.

Dòng người tới thăm Di tích Trại giam Phú Quốc. Ảnh: H.T

 

Hiện Di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc – nơi ghi dấu tội ác của bọn thực dân, đế quốc xâm lược, nơi thể thể hiện tinh thần đấu tranh bất khuất của các chiến sĩ cách mạng đã trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục lòng yêu nước, truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ; là điểm đến không thể thiếu của du khách trong và ngoài nước mỗi dịp đặt chân lên đảo ngọc.

Tháng 7 tri ân, đến thăm Di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc, xin được kính cẩn thắp nén tâm nhang để tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống mảnh đất này, vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.                 

 Hoàng Thúy

Chuyên mục khác