25/04/2017 17:59
Tại Nhà văn hóa huyện Đăk Tô, trong không gian gần 600m2, thuyết minh viên của Bảo tàng Tổng hợp tỉnh tận tình giới thiệu đến người xem các khung ảnh, tư liệu phiên bản của các văn bản Hán – Nôm, văn bản Việt ngữ được dịch từ nguyên bản một số nước phương Tây và nhiều hình ảnh, ấn phẩm, bản đồ, tem bộ sưu tầm qua các thời kỳ phong kiến Việt Nam đến năm 1975 và Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ban hành từ năm 1975 đến nay, khẳng định thực thi - bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như những vùng biển đảo khác thuộc lãnh thổ Việt Nam.
|
Trân trọng lật nhè nhẹ những trang giấy mỏng đã ố vàng bởi thời gian lưu giữ, say sưa đọc những dòng chữ trên Châu bản thứ 16, già A Mô ở thôn Kon Đào II (xã Kon Đào) nói: Ngày xưa, đất nước ta đã có văn bản lưu giữ khẳng định chủ quyền biển, đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ngày trước xem trên tivi, già rất khâm phục các chiến sĩ Hải quân quả cảm chiến đấu bảo vệ vùng trời, vùng biển đảo của đất nước...
A Đinh - chiến sĩ trẻ của Tiểu đoàn 304 (Trung đoàn 990, Bộ CHQS tỉnh) sau hơn 30 phút bước vào không gian trưng bày về Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, cứ đứng lặng trước mô hình mô phỏng cột mốc ghi rõ chủ quyền của các đảo trên.
Anh xúc động chia sẻ về cuộc sống gian khó nhưng đầy tự hào của những người lính đã và đang tham gia bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, với lời tự hứa nỗ lực trong công tác, hoàn thành những nhiệm vụ của đơn vị giao khi đang làm nghĩa vụ quân sự, cũng như ý thức về lớp thanh niên trẻ phải rèn luyện, sẵn sàng xông pha khi đất nước cần.
Tại nhà rông của huyện Đăk Tô, Ban tổ chức trưng bày chuyên đề: “Đăk Tô - Tân Cảnh - Bản anh hùng ca 1972” cũng thu hút đông đảo người dân đến tham quan. Với 150 hình ảnh tư liệu thời sự quý; 55 hiện vật gốc có giá trị lịch sử như: Hiện vật của kíp xe tăng 377 hi sinh ngày 24/4/1972 và 13 tài liệu khoa học bổ trợ cho các nội dung; quá trình chuẩn bị chiến dịch giải phóng Đăk Tô - Tân Cảnh xuân hè 1972 và diễn biến và kết quả chiến dịch; Đăk Tô - Tân Cảnh hôm nay …, đợt trưng bày chuyên đề mang đến cho người xem nhiều cảm xúc.
Không ít người đã lặng đi khi thuyết minh viên của Bảo tàng Quân đoàn 3 và Bảo tàng Tăng – Thiết giáp giới thiệu trận đánh phủ đầu giành thắng lợi trước quân địch vào trưa 24/4/1972, có Trung đoàn bộ binh 52, Sư đoàn 320 và chiếc xe tăng 377 đi đầu. Kíp xe có 4 người do Thiếu úy Nguyễn Nhân Triển chỉ huy đã chiến đấu dũng cảm, lập nhiều thành tích, đặc biệt đã tiêu diệt 7 xe tăng của địch làm đội hình chúng rối loạn, yểm trợ cho 2 xe tăng 354 và 369 tăng tốc xông lên, vừa đi vừa đánh địch mở đường, diệt một số xe tăng địch nấp sau ụ chiến đấu. Trong trận chiến khốc liệt ấy, lửa khói đã trùm kín xe tăng 377, cả 4 dũng sĩ trên xe đều hi sinh, những nắm cơm mang vội theo chưa kịp ăn cũng cháy đen. Những nắm cơm ấy đã được gìn giữ, trưng bày, để thế hệ trẻ sống trong hòa bình, độc lập hôm nay luôn nhớ đến những chiến công, đến sự hi sinh anh dũng của các anh và chiếc xe tăng 377.
|
Sau giây phút lắng đọng, đồng chí Nguyễn Xinh – Bí thư Huyện ủy Đăk Tô đã viết những dòng cảm nghĩ: Qua buổi tham quan trưng bày tư liệu về chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh (24/4/1972-24/4/2017) và nghe những chuyện kể về diễn biến xảy ra trong chiến trận, xem những hiện vật còn lại, tôi xúc động và cảm thấy tự hào, lẫn biết ơn những anh hùng đã làm nên chiến thắng này; cảm kích những người dân Đăk Tô đã không tiếc xương máu, công sức cùng bộ đội chủ lực làm nên chiến thắng vang dội năm 1972.
Mai Trâm