26/09/2014 11:27
Mỗi ngày ở Trường Sa, già làng A Khoa đã được tham quan nhiều cảnh đẹp, chứng kiến cuộc sống gian khó, vô vàn hiểm nguy nhưng cũng rất đỗi anh hùng của những người lính đảo. Để từ đó, ông hiểu, có nhận thức, hành động tích cực trong xây dựng thôn, làng có cuộc sống yên bình; làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng và bồi dưỡng cho thế hệ trẻ, nhân dân về niềm tự hào dân tộc, lòng kiên trung phục vụ cho Tổ quốc Việt Nam bình yên, trọn vẹn lãnh thổ.
Già A Khoa phấn khởi cho biết: Sau chuyến đi thăm các chiến sĩ ở Trường Sa về, già thường xuyên được cán bộ xã Măng Bút mời tham gia các buổi nói chuyện, tuyên truyền về biển đảo cho bà con biết, nâng cao cảnh giác đối với các luận điệu xuyên tạc chia rẽ khối đại đoàn kết giữa các dân tộc...
Khi hỏi về những ấn tượng sau chuyến đi, già A Khoa trải lòng: Cuộc sống của lính đảo rất thiếu thốn, các loại thực phẩm và các vật dụng phục vụ sinh hoạt hàng ngày phải phụ thuộc sự cung ứng của đất liền bằng những chuyến tàu ra vào thường xuyên. Nguồn nước và đất ở đây đều quá mặn, diện tích đất dành cho chăn nuôi, sản xuất không có…
Già Khoa nhớ lại, già cùng đoàn đại biểu của tỉnh đến thăm Trường Sa trên chiếc tàu mang ký hiệu HQ571. Khi đến đây, già đã được đến thăm đảo Trường Sa Lớn và các đảo Đá Đông A, B, C, giàn khoan DK1… Cuộc sống nơi đây cũng như đất liền, giữa biển cả mênh mông, những hàng cây được các chiến sĩ trồng trên đảo tươi xanh chạy dài như bất tận; khu vực trồng rau xanh được bố trí tỉ mẩn thành từng ô vuông nhỏ ngăn nắp để dễ dàng vận chuyển, chăm sóc và cả chuồng chăn nuôi gia súc - gia cầm. Sau thời gian tuần tra và rèn luyện sức khỏe sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống, các chiến sĩ đã khắc phục khó khăn để ứng dụng khoa học kỹ thuật trồng rau xanh, tham gia chăn nuôi ngay tại các đảo, trên các giàn khoan để cải thiện bữa ăn hàng ngày…
Đặc biệt, trong cuốn nhật ký mang theo bên mình, già A Khoa đã viết: “Mỗi đảo đến thăm, các chú lính tuổi còn trẻ lắm, nhìn như A Yên, A Dư ở làng mình; họ thật giỏi, không có đất rẫy bạt ngàn tươi tốt, nhưng các chiến sĩ vẫn trồng được rau xanh; không có vườn và rau rừng hái về, nhưng mọi người ở đây vẫn nuôi được nhiều gà, vịt, heo béo tròn. Quang cảnh nơi đây thật thoáng mát, đẹp, sạch sẽ. Đến từng viên đá ở đảo cũng có nhiều màu sắc, mình phải nhặt một ít đá đủ kích cỡ và cả cát trắng để mang về làm kỷ niệm, có thể cho bà con ở làng xem để biết về đảo Trường Sa…”.
Cứ thế, mỗi nơi trên các đảo lớn, nhỏ được tham quan, đêm về, ông đã lặng lẽ ghi lại những câu chuyện tai nghe, những hình ảnh mắt thấy và cả cảm nhận từ trái tim và trăn trở, cuộc sống ở đảo quá khó khăn nhưng mọi người đều hăng say tuần tra, lao động, rèn luyện sức khỏe tốt với mong muốn được phục vụ bảo vệ vùng biển của quê hương.
Ông Nguyễn Công Vĩnh – Chủ tịch UBND xã Măng Bút cho biết: Từ ngày đi thăm Trường Sa trở về, già làng A Khoa tích cực hơn trong công tác ở làng; nhiều công việc ở xã, khi cần đến ý kiến già làng ở các thôn khác, ông đều đứng ra kêu gọi tập hợp đông đủ. Mặt khác, với vai trò Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi ở xã, già Khoa còn đi đầu phối hợp các tổ chức đoàn thể thường xuyên xuống các thôn, làng, hướng dẫn, đưa cây, con giống xuống cấp phát cho bà con đúng đối tượng, kịp thời. Nhiều nhà dân có diện tích vườn, ao cá đã được đầu tư trước kia nhưng nay bỏ hoang, ông đã tham gia họp với cán bộ Mặt trận thôn, đến nhà dân kể chuyện cuộc sống gian khó ở Trường Sa và vận động mọi người nên cải tạo lại diện tích trên đưa vào sản xuất.
Sau thời gian đi thăm Trường Sa, già A Khoa trở về đã họp gia đình đưa ra kế hoạch trồng và tách 70 gốc măng điền trúc thành 100 gốc xung quanh nhà, không để đất trống. Trong vườn nhà có gần 1 sào đất, ông đã động viên vợ cùng các chị em phụ nữ ở thôn học tập thí điểm trồng rau xanh (đậu cô ve, bí, hành, tía tô, cà đắng…). Ngoài ra, ông còn xung phong tham gia trồng giống lúa mới trên 5 sào ruộng và khai thác 1,5ha bời lời đúng chu kỳ cây trồng.
Theo già làng A Khoa, những việc làm tích cực đó, như một phần “bước ra” từ tập nhật ký viết vội hơn một tuần ở Trường Sa, mà bản thân tự soi rọi và hứa với lòng về làng phải kể cho lớp trẻ, bà con biết mà đoàn kết sống tốt hơn, biết quý trọng và cố gắng gìn giữ, khai thác từng tấc đất, mảnh ruộng để tăng năng suất cây trồng, làm cho người người có cuộc sống ấm no và tham gia giữ gìn làng ổn định, phát triển. Ngoài ra, phải tuyên truyền, giáo dục cho dân làng về Trường Sa, Hoàng Sa cần được bảo vệ, như Bác Hồ đã từng nói: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.
Mai Trâm