11/10/2016 08:59
Tôi xin được mượn tên bài hát “Gần lắm Trường Sa” của nhạc sĩ Hình Phước Long để đặt tiêu đề cho bài viết của mình. Trường Sa, Hoàng Sa gần lắm. Trường Sa, Hoàng Sa luôn ở trong lòng mỗi người dân Kon Tum. Bởi vậy, Trường Sa, Hoàng Sa qua Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử” trong mấy ngày nay càng thu hút được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh quan tâm, tham dự.
Xúc động, tự hào và càng hiểu rõ hơn trách nhiệm bản thân là cảm nhận chung của mỗi người dân Kon Tum khi được tận mắt nhìn thấy những tư liệu, văn bản, hiện vật, ấn phẩm và bản đồ trưng bày.
Quyển sổ ghi cảm tưởng cũng vì thế mà cứ dày lên từng giờ bởi những cảm xúc được chia sẻ. Vì, trăm nghe không bằng một thấy, từ đây, mỗi người dân Kon Tum hiểu rõ hơn cái lý, cái tình của cha ông chúng ta trong quá trình xác lập và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như các vùng biển của Tổ quốc.
Như một câu chuyện pháp lý mạch lạc và có hệ thống xung quanh chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông, Triển lãm đã giúp người dân Kon Tum xâu chuỗi toàn bộ quá trình thực thi chủ quyền của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Triển lãm cũng thể hiện rõ quyết tâm bảo vệ đến cùng mỗi tấc đất, tấc biển của tổ tông, bất chấp những diễn biến phức tạp và khó khăn khôn lường, bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý thành các bước thang xâm lấn vô độ của Trung Quốc.
Cũng từ đây, người dân Kon Tum thấy rằng Trường Sa, Hoàng Sa không xa lắm; Trường Sa, Hoàng Sa kiêu hãnh, kiên cường giữa biển khơi nhưng cũng hết sức thân thương và thơ mộng. Nơi ấy, có những người con của Tổ quốc trong gian khổ, khắc nghiệt vẫn vượt qua để giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng và bất khả xâm phạm của dân tộc Việt Nam.
Câu chuyện bên lề Triển lãm cũng cứ thế mà xoay quanh về biển đảo, về Trường Sa, Hoàng Sa. Người này thì cho rằng, tư liệu, bằng chứng đã rõ, phê phán cái gọi là “đường lưỡi bò” và các hành động vi phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam của Trung Quốc; người kia cho rằng đây chính là sự chuẩn bị hồ sơ pháp lý phù hợp với công pháp quốc tế để phục vụ đấu tranh pháp lý lâu dài; người nọ thì bày tỏ sự cảm phục với các cán bộ, chiến sĩ ở nơi tiền tiêu của Tổ quốc…
Không chỉ mang theo niềm tin, tình cảm thiêng liêng, đến với Triển lãm, người dân Kon Tum còn góp tiếng nói mạnh mẽ khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam, nhất là với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Cứ thế, Hoàng Sa, Trường Sa trở thành “chất men” yêu nước, là động lực thôi thúc, là ngọn lửa khát khao, là chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Cũng từ đây, mỗi người dân Kon Tum càng thêm quyết tâm, trên dưới một lòng giữ gìn non sông đất nước.
Nếu ngày trước, trong thời kỳ khói bom lửa đạn, việc ra trận cầm súng chiến đấu được coi là biểu hiện rõ ràng nhất cho lòng yêu nước thì ngày nay, trong thời bình, nhất là khi vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo mà cụ thể là Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam đang diễn ra rất phức tạp, thì mỗi người dân Kon Tum hiểu rằng yêu nước thì phải làm lợi cho đất nước, phải giữ vững được sự ổn định chính trị và trật tự xã hội, phải cùng nhau ra sức thi đua học tập, lao động và sản xuất với năng suất, chất lượng và hiệu quả cao.
Bởi vậy, sau khi đến tham quan, người dân Kon Tum lại tiếp tục hăng say lao động sản xuất. Bà con nông dân lo sản xuất vụ mùa, chăm rẫy cà phê, cao su xanh tốt; công nhân bám xưởng; cán bộ, chiến sĩ kiên định, vững vàng, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; mỗi một đoàn viên thanh niên đều tích cực học tập, rèn luyện, sáng tạo và lao động…
Để từ đó, mỗi người có thêm nhiều hoạt động thiết thực: “Vì Trường Sa thân yêu, vì tuyến đầu của Tổ quốc”, “Góp đá xây Trường Sa”, “Nghĩa tình Hoàng Sa – Trường Sa”… ủng hộ các chiến sĩ hải quân đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Lòng yêu nước, yêu biển đảo quê hương, bằng cách này hay cách khác luôn được mỗi người dân Kon Tum lưu giữ và thắp lửa. Gần lắm Trường Sa, Hoàng Sa là vậy!
Nguyên Phúc