Điều bất ngờ thú vị đầu tiên về ca khúc này là tác giả bài thơ và người sáng tác nhạc đều “dân nhà Đài”. Nhà báo, Nhạc sĩ Trần Nhật Dương tôi chưa từng gặp, còn với Nhà báo Uông Ngọc Dậu, Giám đốc Hệ chính trị thời sự tổng hợp VOV1, tác giả bài thơ “Em gái Xê Đăng ở Trường Sa” tôi đã có nhiều dịp trao đổi, chuyện trò. Qua tâm sự của anh cũng như bạn bè đồng nghiệp thì trước khi đến “bến đỗ” VOV - Tây Nguyên rồi ra 58 Quán Sứ - Hà Nội, Nhà báo Uông Ngọc Dậu từng là giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên và làm Báo Đăk Lăk.
Nhớ ngày 21/6/2013, tôi và phóng viên Công Bắc, thường trú tại Gia Lai ra Hà Nội nhận giải báo chí Quốc gia. Sau đêm tổng kết trao giải, Nhà báo Uông Ngọc Dậu gặp gỡ, chúc mừng và đưa ra một cái hẹn: “sáng mai anh mời hai em ăn sáng, cà phê”. Trong câu chuyện dài giữa chúng tôi với anh trong khuôn viên Cung văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô về nghề báo, về Tây Nguyên bản sắc, Tây Nguyên hòa nhập phát triển… tôi nhận ra anh là người dù giờ không thường xuyên hít thở không khí đại ngàn vẫn “yêu Tây Nguyên” và “máu thịt với Tây Nguyên”. Có lẽ vì thế, anh đối đãi, thân tình với tất cả những người Tây Nguyên mà anh gặp chứ chả phải vì chút thành tích đạt giải báo chí của chúng tôi.
|
Nhà báo Uông Ngọc Dậu (trái) và Nhà báo, Nhạc sĩ Trần Nhật Dương
tại phòng thu VOV - Ảnh VOV
|
Là người gắn bó, “sâu nghĩa đậm tình” với Tây Nguyên, bài thơ “Em gái Xê Đăng ở Trường Sa”, được Nhà báo Uông Ngọc Dậu sáng tác trong một chuyến công tác ra Trường Sa vào tháng 4/2013 sau nhiều trăn trở như tâm sự của anh: “Trong nhiều chuyến công tác tới các đảo trước đây, tôi đã có sẵn một cái tứ thơ cứ trở đi trở lại, quanh quẩn trong đầu. Tôi muốn viết một cái gì đó nhưng rồi không bật được ra”.
Cảm xúc đến với anh thật bất ngờ, lúc ở giữa muôn trùng sóng gió nơi đảo chìm, đảo nổi, bắt gặp hình ảnh hồn nhiên, trong sáng của một cô gái người Xê Đăng và thế là ý thơ đầu tiên bật ra: “Em gái Xê Đăng thung thăng Trường Sa”.
Từ cảm xúc chủ đạo là mạch Trường Sơn nối với Trường Sa lấy cô gái Xê Đăng làm điểm tựa, những lời thơ ấn tượng tràn đầy cảm xúc được tiếp nối bằng những “…Mạch Trường Sơn chạy suốt biển Đông/ Lắng vào con sóng nơi đảo chìm, đảo nổi/ Thềm lục địa mạch đại ngàn hội tụ/ Bóng Kơ Nia so bóng dáng Bàng vuông”…
Đọc bài thơ, nghe bài hát với những ca từ: “Cô gái Xê Đăng thung thăng giữa Trường Sa/ Háo hức hân hoan như trên đại ngàn/ Em qua bao suối, em qua bao núi đồi/ Mà nay thân thuộc giữa biển đảo Trường Sa/ Chân em đạp sóng đầu ngập tràn nắng gió/ Mắt em cười biển biếc bao la…” tôi cứ thắc mắc mãi về cô gái Xê Đăng là nguồn cảm hứng và “hiện diện” trong thơ- nhạc của hai Nhà báo- Nhạc sĩ. Hỏi tác giả và tìm hiểu từ Đoàn đại biểu huyện Đăk Hà trong chuyến ra đảo trên chuyến tàu HQ- 996 thời điểm tháng 4/2013, tôi xác định được người “em gái Xê Đăng” ấy chính là chị Y Thọ, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng Ban dân vận Huyện ủy Đăk Hà.
Vui vẻ và có phần bất ngờ trước câu hỏi của tôi về “nhân vật chính” giúp khơi nguồn sáng tạo cho tác giả, thêm vào đời sống âm nhạc nước nhà một bài hát đẹp về tình yêu biển đảo, chị Y Thọ cho biết: “Lần đầu người con của đại ngàn là tôi được lênh đênh trên biển, đến với cán bộ chiến sĩ nơi đảo xa rồi Nhà giàn DK1. Với tôi điều gì cũng lạ. Khâm phục nhất là ý chí kiên cường của những người cán bộ chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió để giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương”.
Về chuyện bài hát thì chị Y Thọ bất ngờ thật sự: “ Nghe anh Uông Ngọc Dậu đọc thơ, rồi anh Trần Nhật Dương vừa gảy đàn, vừa hát tôi cứ nghĩ các anh ấy vui vui thế thôi chứ đâu dám nghĩ lại sâu sắc đến thế. Sau này các anh ấy cũng hẹn là ngày ấy tháng ấy em nghe bài hát về cô gái Xê Đăng ở Trường Sa trên Đài Tiếng Nói Việt Nam nhé! Thế nhưng công việc cứ cuốn mình đi, giờ anh nhắc tới bài hát tôi mới nhớ ra. Hóa ra các anh ấy chả đùa!”
Kết thúc câu chuyện với tôi, chị Y Thọ hào hứng: “Tôi sẽ nghe, chép lại và tập hát bằng được bài hát để mỗi khi kể với bà con về chuyến đi từ đại ngàn ra biển, nói với mọi người về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc luôn ở trong tim mình, tôi sẽ hát bài hát này”.
|
Bản nhạc bài hát “Em gái Xê Đăng ở Trường Sa” - Ảnh VOV |
Đau đáu một cảm xúc, một tình yêu hướng về biển đảo của Tổ quốc và những “sâu nghĩa, đậm tình” với Tây Nguyên đã “thăng hoa” giúp nhà báo Uông Ngọc Dậu và Nhạc sĩ Trần Nhật Dương có một đứa con tinh thần vô cùng ý nghĩa là bài hát “Em gái Xê Đăng ở Trường Sa”. Sau chuyến đi, bài hát đã được dàn dựng công phu tại phòng thu của Đài Tiếng Nói Việt Nam. Phần phối khí do nhạc sĩ Vũ Mạnh Cường đảm nhận. Hai ca sĩ Trường Bắc và Hồng Nhung thể hiện rất thành công ca khúc này.
Nhạc sĩ Trần Nhật Dương tâm sự về bài hát trên VOV: “Đó là sự hòa quyện giữa những giai điệu hùng tráng mang âm hưởng của dân ca Tây Nguyên với sự rắn rỏi, mạnh mẽ của các chiến sĩ nơi đảo xa”. Còn Nhà báo Uông Ngọc Dậu không giấu sự hài lòng của mình với bài hát: “Tôi thấy rất hài lòng và tâm đắc với bài hát này. Nhạc sĩ Trần Nhật Dương đã khéo léo vận dụng để đưa được chất liệu âm nhạc của phía Bắc Tây Nguyên phổ vào trong bài hát”.
Trong những ngày biển Đông “dậy sóng” chợt nghe bài hát “Em gái Xê Đăng ở Trường Sa” thấy sự “kết nối” vững bền giữa Trường Sơn với Trường Sa và thấy Trường Sa mà không xa./.
Khoa Điềm