Đưa Kon Tum gần hơn với biển đảo

23/12/2016 13:06

Là tỉnh miền núi, không tiếp giáp với biển nhưng không vì thế mà Kon Tum xa biển đảo. Qua sách, báo, qua các bài giảng, qua các đợt nói chuyện chuyên đề, các hoạt động triển lãm, các buổi tuyên truyền… người dân Kon Tum không chỉ biết đến biển đảo; hướng về biển đảo; gần hơn với biển đảo mà còn thể hiện tình yêu với biển đảo bằng nhiều hành động thiết thực.

Hun đúc tình yêu biển đảo

Với thầy, cô giáo và các em học sinh Trường THCS Đăk Rờ Ve (huyện Kon Rẫy), biển đảo không quá xa xôi mà ngược lại còn gần, rất gần. Gần ở đây không phải về mặt địa lý mà gần vì ngay trong trái tim của các thầy cô, các em học sinh nơi đây, biển đảo vẫn luôn hiển hiện từng ngày qua các bài giảng tích hợp, qua bản đồ, qua các bài hát về chủ đề biển đảo… Biển đảo còn hiện lên thật sinh động giúp cho các em cảm nhận rõ hơn, đầy đủ hơn dáng dấp quê hương qua “Cột mốc Trường Sa” được đặt ngay trong khuôn viên của trường.

Nói về “Cột mốc Trường Sa” – mô hình biển đảo thu nhỏ được xem là đầu tiên ở các trường học trên địa bàn tỉnh, thầy và trò Trường THCS Đăk Rờ Ve không khỏi tự hào. Tự hào vì mô hình ngay khi vừa phát động đã nhận được sự hưởng ứng, đồng lòng bằng tất cả tình yêu và sự trân trọng của các thầy cô giáo, các em học sinh và của các bậc phụ huynh. Tự hào vì đây là hình ảnh trực quan thể hiện cho tình yêu của thầy và trò nhà trường dành cho một phần máu thịt của Tổ quốc. Tự hào vì một vấn đề tưởng chừng như quá tầm với của các em học sinh THCS  đã trở nên gần gũi, đơn giản, dễ hiểu.

Học sinh trường THCS Đăk Rờ Ve hứng thú với giờ học về biển đảo dưới cột mốc Trường Sa. Ảnh: Thùy Hương

 

Thầy Lương Tấn Thanh - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ rằng, năm học 2015 – 2016, nhà trường đã vận động phụ huynh, học sinh, giáo viên đóng góp xây dựng mô hình “Cột mốc Trường Sa” với tổng kinh phí xây dựng hơn 30 triệu đồng. Công trình mô phỏng dựa trên khuôn mẫu của Cột mốc Trường Sa tại đảo Trường Sa (thuộc huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa).

“Qua mô hình này, chúng tôi muốn gửi gắm thông điệp rằng dù ở tận Tây Nguyên nhưng trong trái tim của mỗi thầy, trò, biển đảo và những người lính đang ngày đêm canh giữ luôn ở bên” – thầy Thanh bộc bạch.

Và, không chỉ ở Trường THCS Đăk Rờ Ve, 4 năm nay, các trường học trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng giáo dục, nâng cao nhận thức về chủ quyền biển đảo và lòng yêu nước cho học sinh. Từ xây dựng mô hình cột mốc, các bài giảng tích hợp, các buổi ngoại khóa cho đến tổ chức các cuộc thi đố vui để học, thi kể chuyện, thi vẽ tranh, thi hùng biện về chủ đề biển đảo, các trường đã hun đúc thêm tình yêu biển đảo quê hương cho thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.

Ngoài ngành Giáo dục và Đào tạo thì các ban, ngành khác, đặc biệt là Tỉnh đoàn, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng thường xuyên có các hoạt động tuyên truyền, tổ chức các hội thi, cuộc thi tìm hiểu về biển đảo, các chương trình văn nghệ hát về biển đảo…

Góp phần thu hẹp khoảng cách giữa Kon Tum với biển đảo còn phải kể đến vai trò các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh: Báo Kon Tum, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh. Dù là tỉnh miền núi nhưng hướng về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc luôn là đề tài phong phú và hấp dẫn đối với các nhà báo ở Kon Tum.

Đặc biệt, từ tháng 5/2014, khi Biển Đông dậy sóng, muôn vạn con tim của người dân Kon Tum cùng chung nhịp đập, cùng mang bầu tâm huyết hướng về Biển Đông với một niềm tin chân lý vào chính nghĩa, về sự trường tồn của độc lập, tự do, công tác tuyên truyền về chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông càng được Báo Kon Tum, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh đẩy mạnh.

Hàng tháng, Báo, Đài đều xây dựng chủ đề tuyên truyền, mở chuyên mục “Hướng về biển đảo quê hương” và đăng tải lôgô, hình ảnh “Cùng nhau bảo vệ Tổ quốc; Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam” trên Báo Kon Tum điện tử, trang web của Đài.

Đặc biệt, mới đây, tỉnh đã phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - Những bằng chứng lịch sử”  thu hút  đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh quan tâm, tham dự. Trăm nghe không bằng một thấy, từ đây, mỗi người dân Kon Tum hiểu rõ hơn cái lý, cái tình của cha ông chúng ta trong quá trình xác lập và thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như các vùng biển của Tổ quốc.

Nhiều hoạt động thiết thực

Hướng về biển đảo, người dân Kon Tum thấy rằng biển đảo không xa; biển đảo kiêu hãnh, kiên cường nhưng cũng hết sức thân thương và thơ mộng. Nơi ấy, có những người con của Tổ quốc trong gian khổ, khắc nghiệt vẫn vượt qua để giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng và bất khả xâm phạm của dân tộc Việt Nam.

Không chỉ mang theo niềm tin, tình cảm thiêng liêng, người dân Kon Tum còn góp tiếng nói mạnh mẽ khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Trong 3 năm (2014, 2015, 2016), mỗi năm một đoàn, những chuyến tàu cứ thế chở các đoàn công tác của tỉnh Kon Tum đến với biển đảo Trường Sa. Những chuyến đi ấy với những món quà nho nhỏ: ít tiền mặt, ít sản vật măng khô, cà phê, tiêu và cả những hạt giống rau, bầu bí… đã mang theo bao niềm tin, tình yêu của người dân Kon Tum đến với biển đảo.

Mắt thấy, tai nghe về biển đảo, về cuộc sống gian khó nhưng rất đỗi kiên cường của những người lính đảo đã tiếp động lực cho những thành viên của các đoàn công tác Kon Tum thêm nỗ lực, phấn đấu.

Già A Khoa ở thôn Đăk Plang (xã Măng Bút, huyện Kon Plông) cũng vậy. Già cảm nhận được những người lính nơi đây thật giỏi, không có đất rẫy bạt ngàn tươi tốt, nhưng họ đã chắt chiu từng nắm đất, giọt nước để trồng rau xanh, để nuôi được nhiều gà, vịt, heo béo tròn.

Vậy nên, sau khi tham gia với đoàn công tác của tỉnh đi thăm huyện đảo Trường Sa (tháng 5/2014) trở về, già đã tách 70 gốc măng điền trúc thành 100 gốc trồng xung quanh nhà, không để đất trống. Trong vườn nhà có gần 1 sào đất, già đã động viên vợ cùng các chị em phụ nữ ở thôn thí điểm trồng rau xanh.

Già còn xung phong trồng giống lúa mới trên 5 sào ruộng và khai thác 1,5 ha bời lời đúng chu kỳ cây trồng. Nhiều nhà dân có diện tích vườn, ao cá đã được đầu tư trước kia nhưng lại bỏ hoang, già bàn với cán bộ thôn đến nhà dân kể chuyện cuộc sống gian khó ở Trường Sa và vận động mọi người nên cải tạo lại diện tích trên đưa vào sản xuất.

Qua những con người như già A Khoa, qua những câu chuyện kể, qua sách, báo, các buổi sinh hoạt… mỗi người dân Kon Tum yêu thêm biển đảo dẫu họ chưa một lần đặt chân đến; yêu thêm những người lính đang ngày đêm canh giữ biển đảo dẫu họ chưa hề biết mặt. Mỗi người cùng động viên nhau phải ra sức thi đua học tập, lao động và sản xuất với năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Bà con nông dân lo sản xuất vụ mùa, chăm rẫy cà phê, cao su xanh tốt; công nhân bám xưởng; cán bộ, chiến sĩ kiên định, vững vàng, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; mỗi một đoàn viên thanh niên tích cực học tập, rèn luyện, sáng tạo và lao động…

Để từ đó, mỗi người dân Kon Tum có thêm nhiều hoạt động như: Tích cực tham gia Cuộc vận động “Nghĩa tình biên giới, hải đảo”; ủng hộ, nhắn tin “Xây dựng Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma”, “Vì Trường Sa thân yêu, vì tuyến đầu của Tổ quốc”, “Góp đá xây Trường Sa”, “Nghĩa tình Hoàng Sa – Trường Sa”… UBMTTQVN tỉnh cũng đã chuyển số tiền 1.695.858.873 đồng (qua tài khoản Quỹ vì Trường Sa thân yêu) do cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum đóng góp.

Lòng yêu nước, yêu biển đảo quê hương, bằng cách này hay cách khác luôn được mỗi người dân Kon Tum lưu giữ và thắp lửa. Kon Tum gần hơn  với biển đảo là vậy.

Bình Toàn

Chuyên mục khác