07/02/2018 13:16
Sau 3 hồi còi rền vang, 4 con tàu bắt đầu rời cảng Cam Ranh chia làm 4 hướng lần lượt đến 21 đảo với 33 điểm đóng quân mang hàng hóa, quà tặng đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang công tác, sinh sống tại huyện đảo Trường Sa.
Phóng viên Báo Kon Tum may mắn có mặt trên tàu Khánh Hòa 561 do đại tá Phan Ngọc Quang - Phó Chính ủy Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân làm trưởng đoàn đến với quân và dân các đảo Phan Vinh, Tốc Tan, Núi Le, Tiên Nữ, An Bang và Thuyền Chài của quần đảo Trường Sa.
Rời cảng Cam Ranh, bắt đầu cuộc hành trình mang quà tết đến với Trường Sa thân yêu, tất cả cùng hát vang câu hát: Không xa đâu Trường Sa ơi! Không xa đâu Trường Sa ơi… như tạm biệt đất liền, chở theo bao yêu thương đến với Trường Sa.
Sau hơn 40 giờ vượt hơn 300 hải lý lênh đênh trên biển, sáng 8/1, tàu 561 đã đến đảo Phan Vinh - hòn đảo mang tên thuyền trưởng tàu không số Nguyễn Phan Vinh đã anh dũng hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ đường Hồ Chí Minh trên biển và đây là nơi đón ánh nắng mặt trời sớm hơn đất liền khoảng 30 phút.
Như chào đón đoàn đến, đàn cá heo bơi lượn tung tăng quanh mạn tàu, rồi biểu diễn, nhào lộn trước mũi tàu. Lúc này, đang đứng trên boong với tôi, đại tá Phan Ngọc Quang nói: Đàn cá heo đến để chào mừng đoàn đó. Rất ít khi thời điểm biển động như này đến đảo gặp được đàn cá nhiều như vậy.
Từ tàu, chúng tôi xuống chiếc xuồng cao tốc vượt sóng to gió lớn cập đảo Phan Vinh. Với tôi, đây là lần đầu tiên đến với Trường Sa và Phan Vinh cũng là đảo đầu tiên được đặt chân đến nên không khỏi xúc động.
Vừa đặt chân lên đảo, sau những cái bắt tay, những cái ôm thật chặt như người thân lâu ngày gặp lại, chúng tôi tranh thủ bắt tay vào công việc thu thập tài liệu, ghi hình các chiến sĩ hải quân đang làm nhiệm vụ gìn giữ vùng trời biển đảo của quê hương.
Ngoài khơi, các chuyến xuồng cao tốc lần lượt vận chuyển hàng lên đảo. Sau khoảng 2 giờ, tất cả các phần quà mang từ đất liền và những sĩ quan, chiến sĩ hải quân ra thay quân cũng đã lên đảo.
Lưu lại đúng một ngày đêm trên đảo Phan Vinh, chúng tôi được chứng kiến nhiều hoạt động trên đảo. Đầu tiên là buổi chào cờ trên đảo hết sức thiêng liêng, để lại ấn tượng sâu sắc với tôi.
Đây là buổi chào cờ đầu tiên đầu năm mới 2018 của cán bộ chiến sĩ tại đảo. Sau buổi chào cờ, đại tá Phan Ngọc Quang họp toàn đảo giao nhiệm vụ và trao quyết định, bằng khen của huyện đảo Trường Sa cho cán bộ chiến sĩ đảo Phan Vinh có thành tích xuất sắc trong phòng chống cơn bão số 16.
Buổi tối, đảo Phan Vinh diễn ra đêm văn nghệ “cây nhà lá vườn” tại mốc chủ quyền để chia tay đồng đội vào đất liền và giao lưu văn nghệ với đoàn phóng viên các báo, đài đi cùng đoàn đã để lại ấn tượng đẹp với chúng tôi và cán bộ chiến sĩ ở đảo.
Đêm văn nghệ càng thêm ý nghĩa khi Câu lạc bộ Tuổi trẻ “Vì biển đảo quê hương” thuộc Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức triển lãm ảnh với chủ đề “Cả nước vì Trường Sa”.
Sáng 9/1, tàu chúng tôi rời đảo Phan Vinh A bắt đầu cuộc hành trình đến đảo Phan Vinh B. Đây là đảo chìm có diện tích rất lớn và là điểm để ngư dân vào tránh trú khi có mưa bão xảy ra.
|
Tại đây, đại tá Phan Ngọc Quang đã tặng quà tết của Bộ Quốc phòng, Câu lạc bộ Tuổi trẻ “Vì biển đảo quê hương” tặng quà cho cán bộ chiến sĩ đảo Phan Vinh B và gửi những lời chúc mừng năm mới đến cán bộ chiến sĩ vui xuân mới không quên nhiệm vụ.
Sau một đêm neo giữa biển, sáng 10/1, trước cơn sóng dữ, đoàn chúng tôi vượt sóng trên những chiếc xuồng cao tốc đến với đảo Tốc Tan.
Tốc Tan là đảo chìm có 3 điểm đảo gồm Tốc Tan A, B, C, cách nhau vài hải lý. Đây là điểm để ngư dân bám biển đánh bắt cá trú tránh bão và khi bị đau ốm.
Đặc biệt, tại điểm đảo Tốc Tan B, ngoài khu nhà cho cán bộ chiến sĩ làm việc và ở thì có một nhà văn hóa đa năng do thành phố Hà Nội tài trợ xây dựng với tổng kinh phí gần 40 tỷ đồng phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa văn nghệ, ăn ở của cán bộ chiến sĩ trên đảo.
Ngay khi đặt chân lên đảo, sau nghi thức chào đón đoàn, cả đoàn chúng tôi đến trang thờ 4 liệt sĩ hy sinh trên đảo khi đang làm nhiệm vụ, thắp nén hương bày tỏ lòng biết ơn đến các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì chủ quyền biển đảo của quê hương.
Đoàn chúng tôi lưu lại Tốc Tan 3 ngày và lần lượt đến thăm 3 điểm đảo. Tại các điểm đến, đại tá Phan Ngọc Quang đã trao tặng những món quà đầy ý nghĩa của Bộ Quốc phòng, các cơ quan, đơn vị, cá nhân gửi đến cán bộ chiến sĩ đón xuân mới trên đảo.
Các cán bộ chiến sĩ đảo Tốc Tan đã gửi lời cám ơn chân thành đến đất liền đã gửi quà đến đảo và nguyện sẽ chắc tay súng bảo vệ vững chắc vùng biển quê hương của Tổ quốc.
Sáng 14/1, tàu chúng tôi tiếp tục hành trình đến với đảo Núi Le. Sau hơn 1 tiếng từ Tốc Tan đến Núi Le (khoảng 9 hải lý), 8h sáng cùng ngày, chúng tôi bắt đầu xuống xuồng cơ động lên đảo Núi Le A.
Tại đây, đoàn cùng vui văn nghệ với các chiến sĩ tại nhà văn hóa đa năng do cán bộ nhân viên người lao động ngành Ngân hàng Việt Nam tài trợ xây dựng với tổng kinh phí 30 tỷ đồng.
Trong không khí ấm cúng, tất cả cùng hát vang những bài hát về Đảng, Bác Hồ, mùa xuân, ca ngợi người lính đảo làm tăng thêm niềm vui cho người lính nơi đảo xa.
|
Không giấu được niềm vui, thiếu úy Trần Đức Hùng - đảo Núi Le A nói: Cảm ơn những tình cảm mà đất liền gửi tặng. Chúng tôi, những chiến sĩ Hải quân nguyện cống hiến hết mình cho Tổ quốc, luôn vững tay súng nơi đầu sóng ngọn gió.
Sau 2 ngày ở đảo Núi Le A, B, sáng 16/1, tàu chúng tôi tiếp tục hành trình từ Tốc Tan đến Tiên Nữ.
Vượt gần 30 hải lý, trưa 16/1, chúng tôi đã cập đảo Tiên Nữ - ngôi đảo xa nhất nằm ở phía cực đông của Tổ quốc. Đảo Tiên Nữ có tổng diện tích hơn 18km2, đặc biệt có bãi sạn, dải san hô đẹp lung linh dài hơn 36km.
Tại ngôi nhà văn hóa đa năng do thành phố Hà Nội tài trợ với tổng số tiền hàng chục tỷ đồng, chúng tôi nhận thấy không khí tết đã về trên đảo. Giữa hội trường là bàn thờ, phía trước ảnh Bác Hồ là bánh kẹo mứt tết, bánh chưng được xếp ngay ngắn, đầy đủ.
Xuân mới càng thêm vui hơn khi đoàn công tác trao những món quà tết của Bộ Quốc phòng, của đất liền để cán bộ chiến sĩ đảo Tiên Nữ vui xuân càng làm không khí thêm ấm lòng.
Đến 16h chiều, chia tay cán bộ chiến sĩ đảo Tiên Nữ, chúng tôi trở về tàu và tiếp tục hành trình đến đảo An Bang. Suốt một đêm lênh đênh giữa biển trời bao la, vượt qua gần 130 hải lý, qua nhiều cơn sóng dữ, sáng 17/1, chúng tôi đến được đảo An Bang.
An Bang có diện tích nổi và thềm san hồ khoảng 2,1km2. Đây là đảo nổi khá đẹp nhưng cũng là đảo khó vào nhất. Phải nhờ hơn 20 người kéo xuồng chúng tôi mới có thể lên được đảo.
Đến đây, chúng tôi thấy cán bộ chiến sĩ đang tổ chức gói bánh chưng chuẩn bị đón năm mới. Không khí đó càng thêm vui hơn khi đoàn công tác trao tặng những món quà của đất liền gửi cán bộ chiến sĩ đảo An Bang và trao bằng khen của UBND tỉnh Khánh Hòa cho tập thể đảo và 1 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống, khắc phục cơn bão số 16.
Rời An Bang chúng tôi trở về tàu tiếp tục hành trình đến đảo Thuyền Chài. Thuyền Chài có 3 điểm đảo A,B,C. Đảo được người dân đặt tên là Thuyền Chài vì hình những bãi cạn san hô dài giống như một chiếc thuyền dài 13km, rộng 3km.
Suốt 3 ngày ở đây, do phụ thuộc vào thủy triều nên buổi sáng không thể vào đảo vì thủy triều xuống, chúng tôi chỉ có thể vào đảo trong các buổi chiều khi thủy triều lên. Trong cơn bão số 16, Thuyền Chài là một trong những đảo bị thiệt hại nặng về cơ sở vật chất nhưng không thiệt hại về người.
Sau khi hoàn thành việc trao tặng quà, chúc tết ở đảo Thuyền Chài, tối 20/1, tàu chúng tôi bắt đầu hành trình về đất liền. Sau 2 ngày 3 đêm lênh đênh vượt sóng trên biển, sáng 23/1, tàu chúng tôi cập cảnh Cam Ranh trong sự đón tiếp nồng nhiệt, đầm ấm của đất liền.
Như vậy, trong suốt hải trình đến với Trường Sa, tàu chúng tôi đã vượt gần 900 hải lý (tương đương 1.500km) đến được 6 đảo với 12 điểm đảo ở quần đảo Trường Sa.
Tạm biệt Trường Sa, tạm biệt những người lính hải quân, chúng tôi luôn tự hào về các anh ngày đêm canh giữ vùng biển trời thiêng liêng của Tổ quốc, cho đất nước được an bình…
Bài và ảnh: Văn Phương