Xã Đăk Rơ Nga: Hiệu quả từ các mô hình học tập và làm theo Bác

07/05/2019 06:13

Triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy: “Phấn đấu mỗi tổ chức cơ sở đảng xây dựng ít nhất 1 mô hình hiệu quả hoặc cách làm hay và 1 cá nhân điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo Bác”, Đảng ủy xã Đăk Rơ Nga (huyện Đăk Tô) xây dựng nhiều mô hình học tập và làm theo Bác cụ thể, thiết thực.

“Quỹ tình thương” gắn liền mục tiêu giảm nghèo

Học tập và làm theo Bác, từ năm 2016 đến nay, Đảng ủy xã Đăk Rơ Nga xây dựng mô hình Quỹ tình thương. Quỹ do cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong xã đóng góp xây dựng nhằm hỗ trợ những hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Chính nhờ nguồn quỹ này đã giúp nhiều hộ gia đình có vốn sản xuất, chăn nuôi, từng bước vượt qua khó khăn, xây dựng cuộc sống gia đình ấm no.

Bà Chu Thị Va - Phó Bí thư Đảng ủy xã Đăk Rơ Nga cho biết: Khi lựa chọn xây dựng mô hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đảng ủy xã Đăk Rơ Nga tổ chức nhiều cuộc họp để bàn bạc, lựa chọn cách thức triển khai thực hiện, cương quyết chống cách làm hình thức, qua loa. Chọn mô hình thực hiện nào phù hợp với tình hình thực tế và mang lại hiệu quả thiết thực nhất là điều mà cán bộ, đảng viên trên địa bàn xã cùng quan tâm, trăn trở để đề xuất cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. 

“Đăk Rơ Nga là xã đặc biệt khó khăn của huyện Đăk Tô, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 98%, chủ yếu là đồng bào dân tộc Xơ Đăng. Đời sống bà con còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 36,49%, hộ cận nghèo chiếm 21,05%. Làm sao để từng bước giảm số hộ nghèo, cận nghèo một cách bền vững là điều mà chúng tôi trăn trở. Bởi vậy, khi tiến hành chọn lựa xây dựng mô hình học tập, làm theo Bác, Đảng ủy xã tổ chức bàn bạc kỹ lưỡng và thống nhất trong lựa chọn các mô hình phải gắn liền với giảm nghèo. Mô hình Quỹ tình thương ra đời từ đó, với quy chế hoạt động, phương châm cụ thể” - bà Chu Thị Va cho biết.

Mô hình thống nhất triển khai, kêu gọi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong xã đóng góp. Ai nấy đều đồng lòng, mỗi người đóng góp một ít, trên tinh thần tự nguyện, tối đa 100 nghìn đồng/người/năm.

Khi đã huy động được nguồn quỹ, năm 2016, Đảng ủy xã Đăk Rơ Nga triển khai xóa nhà tạm cho gia đình ông A Ang - hộ nghèo ở thôn Đăk Kon. Ngôi nhà được xây dựng với tổng kinh phí 50 triệu, trong đó, Đảng ủy hỗ trợ từ Quỹ tình thương là 30 triệu đồng, gia đình đóng góp 20 triệu đồng.

Ông A Ang bộc bạch: Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, ốm đau liên miên nên cuộc sống rất khó khăn. Nhà cửa tạm bợ, muốn có căn nhà chắc chắn nhưng với điều kiện của gia đình, chúng tôi gắng mãi vẫn không thể thực hiện ước nguyện. May là nhờ nguồn Quỹ tình thương do cán bộ, đảng viên trong xã đóng góp, giúp đỡ mà gia đình tôi có được căn nhà khang trang. Đã hơn 2 năm nay, được ở trong căn nhà kiên cố, ấm áp tình thương này, gia đình tôi không phải lo khi mưa bão, yên tâm làm ăn, cuộc sống ngày càng ấm no hơn.

Không chỉ xây nhà, trong 2 năm 2017 và 2018, Quỹ tình thương đã trích 30 triệu đồng mua 2 con bò sinh sản hỗ trợ cho 2 hộ nghèo ở thôn Đăk Dé và thôn Đăk Manh II. Đến nay, 2 con bò đã sinh sản được lứa đầu tiên...

Chị Y Phương ở thôn Đăk Dé được hỗ trợ bò sinh sản từ Quỹ tình thương. Ảnh: PN

 

Qua hơn 3 năm triển khai, Quỹ tình thương của xã Đăk Rơ Nga đã phát huy được hiệu quả. Từ nguồn quỹ đã giúp các hộ nghèo, hộ khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Điều đặc biệt là, các gia đình nghèo được Quỹ giúp đỡ đều phải có nguồn vốn đối ứng, phát huy vai trò chủ động trong tiếp nhận nguồn quỹ để phát huy hiệu quả trong thực tế. 

Bà Chu Thị Va cho biết thêm: Để giúp đỡ hộ nghèo có hiệu quả, trước tiên Đảng ủy xã phối hợp với chi bộ thôn lựa chọn những hộ nghèo nhưng chịu khó làm ăn để hỗ trợ. Khi tiến hành hỗ trợ, chúng tôi tìm hiểu kỹ nhu cầu của người dân. Họ thiếu vốn thì chính quyền xã tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất. Điều quan trọng là lựa chọn hộ nghèo không phải do lười lao động mà do hoàn cảnh để giúp đỡ.

Mỗi chi bộ một mô hình

Đảng bộ xã Đăk Rơ Nga có 9 chi bộ trực thuộc với 96 đảng viên, trong đó 5 chi bộ khu dân cư, 3 chi bộ trường học, 1 chi bộ quân sự. Không chỉ xây dựng mô hình “Quỹ tình thương”, Đảng ủy xã Đăk Rơ Nga còn triển khai cho các chi bộ xây dựng các mô hình hiệu quả hoặc cách làm hay. Đến nay, mỗi chi bộ trực thuộc Đảng ủy xã Đăk Rơ Nga đều xây dựng được một mô hình học tập và làm theo Bác cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế như Chi bộ Đăk Manh I phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã triển khai mô hình trồng và chăm sóc cây xanh tại khuôn viên nhà rông thôn và phối hợp với Điện lực huyện Đăk Tô, Huyện đoàn Đăk Tô xây dựng và bảo quản mô hình điện thắp sáng nông thôn; Chi bộ thôn Đăk Manh II vận động nhân dân làm mới nhà kho của thôn; Chi bộ thôn Đăk Dé tiếp tục duy trì mô hình ống tre tiết kiệm và vận động nhân dân sửa chữa nhà rông của thôn; Chi bộ thôn Đăk Pung vận động nhân dân trong thôn làm hàng rào và dọn vệ sinh hàng tuần tại nhà rông tạo quang cảnh xanh-sạch-đẹp.

Riêng với chi bộ trường học có các mô hình: mô hình trồng rau sạch để cải thiện bữa ăn cho học sinh bán trú, mô hình xây dựng môi trường xanh - sạch- đẹp và tiếp tục triển khai mô hình Quỹ tình thương, vận động cán bộ, giáo viên đóng góp quỹ để sử dụng vào việc mua xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó, có thành tích cao trong học tập, rèn luyện vào dịp khai giảng năm học mới của Chi bộ Trường Phổ thông Dân tộc bán trú trung học cơ sở xã; mô hình trường học thân thiện, học sinh tích cực về trồng cây xanh, tạo không khí trong lành trong trường học, vận động cán bộ, giáo viên đóng góp quỹ để mua xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó, có thành tích cao trong học tập, rèn luyện vào dịp khai giảng năm học mới của Chi bộ Trường Tiểu học xã; mô hình xây dựng môi trường xanh - sạch- đẹp của Chi bộ Trường Mầm non xã.

Chi bộ Quân sự xã đã xây dựng mô hình giúp hộ gia đình chính sách khó khăn, hộ gia đình có thanh niên nhập ngũ bằng ngày công lao động và mô hình “Nuôi heo đất nghĩa tình” để hỗ trợ thanh niên lên đường làm nghĩa vụ quân sự.

Ông Nguyễn Hồng Vân - Bí thư Chi bộ Đăk Manh I, một điển hình trong học tập và làm theo Bác khẳng định: Mô hình của chi bộ thôn xây dựng đã góp phần tích cực vào việc tiếp tục giữ vững thôn đạt danh hiệu thôn văn hóa 10 năm liền.

Các mô hình học tập và làm theo Bác mà Đảng ủy xã Đăk Rơ Nga lựa chọn và triển khai thực hiện đều phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương, phát huy được hiệu quả, góp phần giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên trong cuộc sống và xây dựng xã Đăk Rơ Nga ngày càng phát triển.   

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác