08/04/2018 20:41
Lý luận và thực tiễn đã chứng minh rằng, để lãnh đạo đất nước, lãnh đạo xã hội, Đảng phải có đường lối đúng đắn, đồng thời phải có đội ngũ những người tổ chức thực hiện tốt đường lối đó.
Đó là đội ngũ cán bộ đảng viên có phẩm chất, đạo đức và trình độ năng lực, được nhân dân tin tưởng và tôn trọng. Đặc biệt là những người lãnh đạo chủ chốt, những người đứng đầu, đội ngũ này tổ chức và lãnh đạo phong trào, là nhân tố đảm bảo cho Đảng giành chính quyền, cầm quyền một cách chính đáng, bền vững.
Điều đó cho thấy tính nêu gương, vai trò tiên phong, gương mẫu đối với lãnh tụ chính trị, cán bộ đảng viên là vấn đề luôn được đặt ra đối với đảng cầm quyền, và thực thi quyền lực nhà nước.
Bởi vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn và thường xuyên nhắc nhở, yêu cầu mỗi cán bộ đảng viên “phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng” và “tự mình phải chính trước, mới giúp người khác chính” hay “ một tấm gương sống còn giá trị hơn trăm bài diễn văn truyên truyền”.
Dưới góc độ lý luận, Đảng lãnh đạo là thực hiện vai trò tiên phong cách mạng, gương mẫu phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, để tạo niềm tin, lôi cuốn sự đồng tình ủng hộ một cách tự nguyện của quần chúng nhân dân đối với Đảng và cách mạng.
Để có được sự tin tưởng đồng tình ủng hộ ấy, ngoài có đường lối đúng phản ánh đầy đủ ý nguyện, lợi ích của giai cấp, của quần chúng nhân dân, còn phải có vai trò tiên phong gương mẫu nêu gương của lãnh tụ, của đội ngũ cán bộ đảng viên, như vậy nêu gương, có thể được coi là một trong những phương thức lãnh đạo của Đảng.
Trong đấu tranh giành và giữ chính quyền, thống nhất và bảo vệ Tổ quốc, những tấm gương tận tụy hy sinh của đội ngũ cán bộ đảng viên đã thuyết phục, lôi cuốn hàng triệu triệu con tim tin tưởng đi theo Đảng làm nên những chiến công vĩ đại. Trong điều kiện cầm quyền để xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” và mỗi cán bộ đảng viên vẫn càng phải tiếp tục gương mẫu nêu gương trong thực thi quyền lực nhà nước mà nhân dân giao cho.
Thực thi quyền lực nhà nước ở nước ta không chỉ gắn liền với sức mạnh cưỡng chế, với các công cụ chuyên chính, sức mạnh kinh tế, mà còn là sức mạnh của trí tuệ, sức mạnh văn hóa văn minh, mà tính gương mẫu nêu gương là một yếu tố của văn hóa văn minh.
Hiểu thực thi quyền lực nhà nước như thế sẽ tránh được sự giáo điều máy móc, đẻ ra hách dịch, nhũng nhiễu, quan cách, xa rời quần chúng, lạm quyền, tham nhũng... vốn là một trong những căn nguyên của sự suy giảm lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng.
Lịch sử lãnh đạo cách mạng của Đảng ta, luôn trung thành với mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đó là giá trị là mục tiêu lý tưởng đã động viên cổ vũ nhân dân chiến đấu hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, Đảng lại có những lãnh tụ ưu tú, có những cán bộ đảng viên là học trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là những tấm gương sáng cho toàn Đảng toàn dân kính trọng tôn vinh và noi theo. Những tấm gương sáng đó còn được thể hiện ở tất cả các cấp các ngành, từ Trung ương đến địa phương, trong đấu tranh cách mạng cũng như trong bảo vệ và xây dựng đất nước hiện nay.
Do nhiều nguyên nhân khác nhau, hiện nay đang có một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị đạo đức lối sống, quan liêu tham nhũng, gây bức xúc trong nhân dân, Đảng và nhân dân ta đang đấu tranh kiên quyết “không có vùng cấm” để loại bỏ bộ phận này ra khỏi bộ máy, làm trong sạch Đảng và hệ thống chính trị.
Và để chống sự suy thoái đó thì ngoài các quy định của Đảng và pháp luật của nhà nước về công tác cán bộ, các biện pháp pháp lý nghiêm minh, thì sự “tự mình trước” nghĩa là để trở thành tấm gương cho nhân dân tin tưởng noi theo, người cán bộ, đảng viên phải luôn tự tu dưỡng rèn luyện mình, không ngừng học tập lý luận của Đảng, học tập tư tưởng tác phong, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Sự tu dưỡng rèn luyện, học tập đó không chỉ là yêu cầu của Đảng, nhân dân, mà hơn thế nữa phải là quá trình tự giác, tự thân, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Người đảng viên, cán bộ muốn trở nên người cách mạng chân chính không có gì khó cả điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra”.
Tô Văn Tám