11/06/2024 06:46
|
Theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27/3/1948, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc để động viên kêu gọi mọi lực lượng cho kháng chiến, kiến quốc.
Ðể triển khai Chỉ thị này, nhân kỷ niệm 1.000 ngày Nam Bộ kháng chiến, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, chính thức phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân.
Đến ngày 4/3/2008, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 11/6 hằng năm là Ngày Truyền thống thi đua yêu nước.
Trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc, với cách viết ngắn gọn, rành mạch, xúc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập một cách toàn diện những vấn đề cần tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện phong trào thi đua yêu nước, từ mục đích đến vai trò, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung, cách làm, lực lượng.
Mở đầu Lời kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu: “Mục đích thi đua ái quốc là: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”.
Theo Người, thi đua là một trong những biện pháp của quá trình vận động cách mạng, có ý nghĩa sâu sắc, rộng lớn. Thi đua không chỉ khơi dậy tiềm năng sáng tạo của con người, mà quan trọng hơn là cải tạo bản thân con người, nêu cao tinh thần yêu nước, làm cho già, trẻ, gái, trai và tất cả các tầng lớp nhân dân, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, địa vị xã hội đều hướng tới mục đích chung. Thi đua để mọi người đều làm việc tốt hơn, nhiều hơn và “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”.
Về đối tượng của phong trào thi đua, Người chỉ rõ: “bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau”. Về cách làm, Người nêu cụ thể: “dựa vào: Lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân”.
Về phương thức tập hợp lực lượng, Người nêu: “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hóa. Thực hiện khẩu hiệu: Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến. Trong cuộc thi đua ái quốc, chúng ta: Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng tất cả những việc làm trên để đạt mục đích cuối cùng là: “Toàn dân đủ ăn đủ mặc. Toàn dân sẽ biết đọc biết viết. Toàn bộ đội sẽ đầy đủ lương thực, khí giới, để giết giặc ngoại xâm. Toàn quốc sẽ thống nhất, độc lập hoàn toàn. Thế là chúng ta thực hiện: Dân tộc độc lập. Dân quyền tự do. Dân sinh hạnh phúc”.
Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất phát từ lợi ích của nhân dân, đem lại độc lập tự do cho dân tộc, sự ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, đó là niềm khát vọng lớn nhất của mỗi người dân Việt Nam.
Chính vì thế có tác dụng hiệu triệu, lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh gian khổ, lập nên những chiến công hiển hách và thành tích to lớn trong sự nghiệp cách mạng nước ta; đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Trải qua các thời kỳ, với truyền thống cách mạng bất khuất, kiên cường, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum đã hưởng ứng, đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước tạo động lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
|
Thấm nhuần "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, những năm qua, tỉnh ta đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra nhiều giải pháp thúc đẩy công tác thi đua - khen thưởng; tổ chức các phong trào thi đua phù hợp, gắn với điều kiện thực tế của địa phương. Từ đó tạo động lực mới trong thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.
Nhằm triển khai, tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chú trọng chỉ đạo cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tích cực đổi mới phương thức tổ chức phong trào thi đua; xác định thi đua là động lực phát triển.
Các phong trào thi đua được triển khai sâu rộng, thực sự trở thành ý thức tự giác, trách nhiệm và thường xuyên của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi đơn vị, cá nhân, tạo thành cao trào hành động cách mạng, góp phần quan trọng trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển của tỉnh trên mọi lĩnh vực.
Như trong năm 2023, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, đổi mới, sáng tạo của HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đã thi đua triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Trong đó, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) ước đạt 18.900 tỉ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước khoảng 27.035 tỉ đồng; thu ngân sách nhà nước ước 4.200 tỉ đồng.
Tốc độ tăng trưởng đạt 7,32%, đứng thứ 22 cả nước và đứng đầu khu vực Tây nguyên. Đời sống nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt 58,42 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm 4% so với năm 2022.
Bước vào năm 2024, ngày 6/2, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND về phát động Phong trào thi đua yêu nước năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Với chủ đề “Đoàn kết - Trách nhiệm - Chủ động vượt khó - Quyết tâm thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kon Tum năm 2024”, Chỉ thị đã lan tỏa khát vọng thi đua tới các cấp, các ngành và mọi người, mọi nhà.
Kết quả là, trong 5 tháng đầu năm, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế- xã hội năm 2024. Qua đó, tình hình kinh tế- xã hội tiếp tục ổn định, phát triển và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Trong đó, ước thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 1.351 tỷ đồng, bằng 29,4% dự toán tỉnh giao; toàn tỉnh giải ngân được 461 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt khoảng 20% so với thực nguồn địa phương giao; thu hút được hơn 1.445.000 lượt khách, đạt 85% kế hoạch năm 2024.
Năm 2024 là năm nước rút thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Vì vậy, cả hệ thống chính trị và mỗi người cần nỗ lực hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, quyết tâm hơn nữa để hiện thực hóa khát vọng vươn tới tầm cao mới.
Phong trào thi đua cần tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ, lan tỏa sâu rộng khát vọng thi đua tới mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
|
Đặc biệt, phải mang tính toàn dân, toàn diện, huy động được sức mạnh từ nhân dân, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia phong trào thi đua. Muốn vậy, các nội dung thi đua phải vì nhân dân, xuất phát từ nhân dân, hướng tới người dân, gắn với lợi ích của nhân dân; với tinh thần dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng.
Nội dung thi đua đảm bảo thiết thực, hiệu quả, có chiều sâu, phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; gắn phong trào thi đua với việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Sông Côn