03/05/2018 07:01
Giữa năm 2017 đến nay, đều đặn một tuần 3 bữa sáng, Đoàn từ thiện An Lạc – Thiện Tâm lại cung cấp bánh mì miễn phí cho những người già có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và các cháu học sinh ở xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum. Để có kinh phí duy trì các tủ bánh mì, mỗi ngày, các thành viên vừa đóng góp, vừa tranh thủ thu gom ve chai, bán gây nguồn quỹ.
“Các thành viên trong đoàn đa số là hội viên Hội LHPN ở các xã, phường. Học theo Bác, chúng tôi duy trì, làm những việc thiết thực, ý nghĩa để chia sẻ, giúp đỡ mọi người. Đến nay, những tủ bánh mì, tủ quần áo từ thiện đã đem lại niềm vui cho nhiều hoàn cảnh khó khăn và đem lại niềm hạnh phúc cho chúng tôi” - Chị Trương Thị Nhung - Trưởng Đoàn từ thiện An Lạc - Thiện Tâm chia sẻ.
|
Không riêng các hội viên phụ nữ trong Đoàn từ thiện An Lạc - Thiện Tâm, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh cũng phát huy tinh thần tương thân, tương ái “Lá lành đùm lá rách”. Theo đó, Hội Phụ nữ các huyện, thành phố đã triển khai, duy trì nhiều mô hình: “hũ gạo tình thương”, “nuôi heo đất”, “vốn vay vòng”... để giúp đỡ chị em phụ nữ khó khăn.
Chị Đỗ Thị Thúy Hường – Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đăk Hà cho biết: Hiện nay chúng tôi triển khai khoảng 18 mô hình học tập và làm theo Bác như mô hình tiết kiệm, nuôi heo đất, hũ gạo tình thương, mô hình về chăm sóc trẻ... Những hoạt động được chị em tích cực hưởng ứng, thực hiện.
Hiểu được “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, những năm trở lại đây, Hội LHPN thị trấn Đăk Hà đã xây dựng và duy trì mô hình hũ gạo tình thương để giúp đỡ mọi người. Ngay khi được thành lập, mô hình đã được nhiều hội viên hưởng ứng thực hiện. Mỗi tháng, các chị em cùng ủng hộ và trao lại số gạo cho các hội viên khó khăn, các gia đình neo đơn, hiểm nghèo.
Là một trong những hộ gia đình được nhận gạo trong thời gian qua, chị Hà Thị Liên - hội viên Chi hội phụ nữ khối phố 7, thị trấn Đăk Hà xúc động: Chồng tôi qua đời cách đây gần 10 năm, một mình nuôi 3 con nhỏ, cuộc sống của tôi gặp rất nhiều khó khăn. Được Chi hội phụ nữ quan tâm hỗ trợ gạo, tôi rất vui mừng. Tình cảm san sẻ của chị em giúp tôi có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Bên cạnh việc ủng hộ, giúp đỡ nhau, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh còn xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế. Như tại huyện Đăk Tô, học theo Bác đoàn kết, giúp nhau, năm 2017, Chi hội phụ nữ khối phố 1, thị trấn Đăk Tô đã thành lập Tổ phụ nữ liên kết sản xuất và tiêu thụ rau an toàn.
Tham gia Tổ liên kết, các thành viên vừa chia sẻ kinh nghiệm đồng thời cùng nhau trồng rau theo quy trình để tạo thương hiệu, đầu ra sản phẩm được bao tiêu ổn định. Vừa đoàn kết, tận tâm giúp nhau lại được sự hỗ trợ của các cấp hội, đến nay, mỗi thành viên trong tổ liên kết thu nhập bình quân từ 10-15 triệu đồng/tháng. Nhờ đó, đời sống ngày càng ổn định hơn.
Hay như cuối năm 2017, Hội LHPN tỉnh cũng đã ra mắt 2 mô hình Tổ liên kết phụ nữ dân tộc thiểu số trồng sâm dây cho 60 hội viên phụ nữ xã Mường Hoong, Ngọc Linh (huyện Đăk Glei). Tham gia Tổ liên kết, các chị em được chia sẻ, hỗ trợ kỹ thuật, được liên hệ đầu ra cho sản phẩm.
Từ rụt rè, nhút nhát, sau khi tham gia, nhiều chị đã mạnh dạn hơn và nhanh chóng phát triển, mở rộng diện tích trồng sâm. Đến nay, vườn sâm đang từng bước giúp nhiều chị xóa đói giảm nghèo, vươn lên trong cuộc sống.
Bằng những việc làm cụ thể, các cấp hội LHPN trên địa bàn tỉnh đã và đang tạo những chuyển biến tích cực, góp phần củng cố và phát triển tổ chức Hội và góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của địa phương.
Bình An