05/10/2019 13:03
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan - Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Kon Tum cho biết: Toàn thành phố hiện có 21 cơ sở hội trực thuộc, với 185 chi hội và 941 tổ phụ nữ. Đến nay, qua quá trình vận động hội viên, phụ nữ thực hành tiết kiệm theo gương Bác, toàn thành phố đã triển khai được 8 loại mô hình “làm theo Bác”. Trong đó, các mô hình như tiết kiệm trong chi tiêu hàng ngày, tiết kiệm trong ma chay và cưới xin, tiết kiệm điện và nước, làm vườn rau sạch, nuôi lợn đất tiết kiệm và hũ gạo tình thương, tiết kiệm thời gian và văn phòng phẩm... với 135 nhóm, 3.109 lượt thành viên tham gia; 265 nhóm tiết kiệm xoay vòng, 5.657 thành viên tham gia; 14.129 thành viên tham gia tổ tiết kiệm thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội... Tất cả các mô hình nói trên có tổng số tiền trên 15 tỷ đồng, qua đó giúp 56 hộ thoát nghèo và đạt 8 tiêu chí của Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với Chương trình “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Bà Trần Thị Phong Lan - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Để xây dựng và nhân rộng các mô hình hay trong học tập và làm theo Bác, trong những năm qua, Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh đã ban hành “Kế hoạch xây dựng, tuyên truyền và nhân rộng các gương điển hình tiên tiến làm theo Bác giai đoạn 2017-2021”, đồng thời xây dựng bộ tiêu chí với các tiêu chuẩn cụ thể cho từng lĩnh vực điển hình và quy trình xây dựng, tuyên truyền, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến theo hướng khoa học, sát với phong trào thi đua và nhiệm vụ trọng tâm của công tác Hội.
Trên cơ sở đó, hàng năm, Hội LHPN tỉnh giao chỉ tiêu cụ thể cho mỗi cơ sở hội lựa chọn ít nhất 1 hành động cụ thể làm theo Bác để thực hiện và giới thiệu, biểu dương, nhân rộng ít nhất 2 mô hình, cách làm hay, gương điển hình tiên tiến làm theo Bác. Đồng thời, chú trọng công tác tuyên truyền, phát động sôi nổi trong các tầng lớp phụ nữ học tập và làm theo những tấm gương phụ nữ điển hình tiên tiến, mô hình hay, cách làm hiệu quả trong học tập và làm theo Bác trong toàn tỉnh.
Đặc biệt, Hội LHPN tỉnh đã tập trung triển khai nhiều loại hình tiết kiệm hiệu quả, phù hợp với điều kiện, khả năng của từng phụ nữ ở từng địa bàn khác nhau trong tỉnh. Trong đó, các loại hình tiết kiệm như tiết kiệm thông qua “Tổ tiết kiệm và vay vốn” của Ngân hàng Chính sách xã hội; tiết kiệm tại chi hội phụ nữ quy định tối thiểu 5.000đồng/hội viên/tháng; “Tổ góp vốn xoay vòng” quy định thành viên tham gia tự quyết định về chu kỳ tiết kiệm, số tiền tiết kiệm; “Vốn vay thôn, bản” có lồng ghép triển khai các chương trình, dự án tín dụng của Hội; các mô hình như “Hũ gạo tình thương”, “Nuôi heo đất” và “Tiết kiệm bằng hiện vật” thông qua góp cây giống, con giống, ngày công lao động và tiết kiệm mua thẻ bảo hiểm y tế tự nguyện... Qua đó, toàn tỉnh đã có gần 100 ngàn lượt hội viên, phụ nữ thực hành tiết kiệm và tham gia các loại hình tiết kiệm nói trên với tổng số tiền trên 72 tỷ đồng.
|
Ngoài ra, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã triển khai thành công các mô hình phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư. Trong đó, nổi bật nhất là mô hình “Chi hội trưởng nói lời hay, làm việc tốt” của Hội LHPN huyện Kon Rẫy, mô hình “Biến rác thành tiền” của Hội LHPN huyện Ngọc Hồi, mô hình “Tiết kiệm xoay vòng” của Hội LHPN huyện Kon Plông, 2 mô hình “Gia đình học tập, dòng họ học tập” và “Tổ phụ nữ tương thân, tương ái” của Hội LHPN thành phố Kon Tum, mô hình “Treo ảnh Bác Hồ” của Hội LHPN các huyện Đăk Hà, Kon Plông, Kon Rẫy...
Nhờ đó, đến nay, các cấp Hội phụ nữ trong toàn tỉnh đã có 64 điển hình về thực hành tiết kiệm theo gương Bác, bao gồm 25 tập thể, mô hình, cách làm hay và 39 cá nhân phụ nữ điển hình.
Phát huy những thành tích đã đạt được, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trần Thị Phong Lan cho biết thêm: Trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan tập trung tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thực hiện tốt nội dung phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, nâng cao chất lượng và nhân rộng các mô hình học tập và làm theo Bác như các mô hình tiết kiệm trong cán bộ, hội viên, phụ nữ và các mô hình liên kết hỗ trợ phát triển kinh tế. Đồng thời, tiếp tục phát triển các mô hình phát triển kinh tế, các tổ liên kết, tổ hợp tác, hợp tác xã về tư vấn, dạy nghề, chuyển giao khoa học-kỹ thuật, khởi nghiệp, huy động các nguồn lực, tạo việc làm bền vững. Đặc biệt, trong đó các cấp Hội LHPN tỉnh chú trọng các hoạt động tại các địa bàn vùng sâu, vùng DTTS, tôn giáo và nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình về tổ phụ nữ liên kết trồng sâm dây, nuôi heo sọc dưa, nuôi dê, bò sinh sản, trồng nấm...
Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh và các tổ chức tín dụng khác trên địa bàn để hỗ trợ phụ nữ tiếp cận và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay thông qua mở rộng hoạt động tín chấp, ủy thác với các ngân hàng. Trong đó, chú trọng đến chất lượng hoạt động ủy thác cho vay do Hội LHPN tỉnh quản lý, nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của hội viên, phụ nữ trong tỉnh để phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững cho chị em phụ nữ.
Có thể nói, phong trào “Phụ nữ thực hành tiết kiệm theo gương Bác” của Hội LHPN tỉnh đến nay tuy chưa được tổng kết cụ thể, nhưng thông qua những mô hình hay, những cách làm giỏi của hội viên, phụ nữ đã góp phần rất lớn trong việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, từ đó có tác dụng lan tỏa trong cộng đồng, giúp toàn xã hội cùng noi gương Bác Hồ vĩ đại.
Nguyên Hà