05/05/2021 13:08
Trường Mầm non Ngọc Tụ để lại ấn tượng sâu sắc ngay buổi đầu tôi đến công tác. Cây xanh phủ kín sân trường; những bồn hoa khoe sắc; những luống rau tươi mát… Tất cả mang đến không khí trong lành. Không gian ấn tượng nhưng bất ngờ hơn chính là các cháu học sinh mạnh dạn giao tiếp bằng tiếng Việt, mạnh dạn tham gia các hoạt động trải nghiệm.
Đon đả đón khách, chỉ về phía những chiếc lọ bằng nhựa xinh xắn, chứa đựng bên trong là con chữ, các con vật… được treo trên thân cây tỏa bóng mát, cô Hồ Thị Kim Liên– Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Mỗi không gian trong trường được trang trí có dụng ý tạo sự thích thú cho trẻ, giúp trẻ có những hoạt động trải nghiệm thú vị ngoài trời, qua đó tự tin nói tiếng Việt, nâng cao chất lượng giáo dục.
Nằm ở vùng khó khăn, Trường Mầm non Ngọc Tụ nuôi dạy 342 trẻ, gần 100% là con em đồng bào DTTS. Theo lời Bác dạy, “Giáo dục mầm non tốt sẽ mở đầu cho một nền giáo dục tốt”, nhà trường luôn cố gắng nâng cao chất lượng dạy và học, tạo nền tảng tốt nhất để học sinh tự tin giao tiếp tốt bằng tiếng Việt cũng như các kỹ năng học tập, rèn luyện.
|
Với đặc thù trẻ nhút nhát, hay khóc, việc nói tiếng Việt còn nhiều khó khăn, nhà trường chỉ đạo giáo viên luôn gần gũi, thường xuyên trò chuyện thân thiện, hòa đồng, ấm cúng, cởi mở với trẻ. Cùng với đó, tập trung đổi mới phương pháp tổ chức hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, tạo cơ hội cho trẻ chủ động tương tác theo phương châm “học mà chơi, chơi mà học”.
Cô Lưu Thị Hằng – giáo viên lớp trẻ 3-4 tuổi nói rằng, thời gian đầu, chưa nói được tiếng Việt, các con chỉ biết thể hiện cảm xúc của mình bằng tiếng khóc. Được nhà trường định hướng, ngoài việc thường xuyên giao tiếp, thân thiện với trẻ, dạy cho trẻ nói từng câu, từng từ, cô còn tích cực làm đồ dùng học tập, tạo các hoạt động vui chơi để trẻ mạnh dạn hơn. “Bằng tình yêu thương, gần gũi, cộng thêm các hoạt động dạy và học bổ ích, các con đã tiến bộ rõ rệt. Khác với ngày đầu đến lớp, nay cô nói trẻ nghe, mạnh dạn tương tác trong các hoạt động. Phụ huynh thấy các con phát triển, tích cực cho con đi học, tỉ lệ chuyên cần rất cao” – cô Hằng chia sẻ.
|
Cùng với đó, nhà trường còn tổ chức các hoạt động giáo dục theo quan điểm “Lấy trẻ làm trung tâm”, nâng cao chất lượng cho trẻ 5 tuổi, chất lượng giáo dục tăng cường tiếng Việt cho trẻ DTTS” phù hợp với điều kiện thực tế.
Cô Trần Huỳnh Thu Thảo – giáo viên lớp 4-5 tuổi nói rằng, lấy trẻ làm trung tâm, cô thường xuyên xây dựng các góc học tập, đồ dùng học tập, xây dựng các câu chuyện, bài thơ… phù hợp với lứa tuổi để các con vừa học, vừa trải nghiệm. Hơn thế, theo chỉ đạo của nhà trường, cô tích cực trao đổi với phụ huynh, động viên thường xuyên giao tiếp bằng tiếng Việt với các con. “Bây giờ, 80% trẻ nói thành thạo bằng tiếng Việt và tự tin giao tiếp” – cô Thảo cho hay.
Vừa giảng dạy, vừa rút kinh nghiệm và luôn đề ra các biện pháp để mang lại hiệu quả giáo dục cao nhất, nhờ đó, nhà trường đã vận động trẻ 3-5 tuổi ra lớp đạt 100%, tỉ lệ chuyên cần đạt 98,47%; 100% trẻ 5 tuổi đạt 120 chỉ số phát triển theo Bộ Chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi; đánh giá sự phát triển của trẻ theo 5 lĩnh vực phát triển đạt 85% trở lên. “Qua nhiều hoạt động, trẻ ngày càng hứng thú, mạnh dạn, tự tin giao tiếp tốt bằng tiếng Việt, tích cực tham gia các hoạt động, các kỹ năng học tập, có thể thích ứng được với những điều kiện của môi trường mới. Đó là kết quả đáng khích lệ, và chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để có những kết quả tốt hơn, tạo điều kiện cho trẻ phát triển toàn diện” – cô Liên cho hay.
Với những kết quả đạt được, Trường Mầm non Ngọc Tụ được Sở Giáo dục và Đào tạo tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện giai đoạn I Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025”; được UBND huyện Đăk Tô khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Hoài Tiến