19/05/2022 06:02
|
Ở thôn Tu Thó, xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, dân làng thường kể về già làng A Đúp với sự tự hào, vì ông vừa là người có uy tín của thôn, cũng là người có nhiều đóng góp, giúp người dân vươn lên thoát nghèo.
Trước khi được bầu là già làng và người có uy tín, già làng A Đúp có hai nhiệm kỳ làm bí thư chi bộ. “Tu Thó là một thôn khó khăn, nhiều hộ dân còn nghèo vì chưa mạnh dạn trong việc thay đổi nếp nghĩ cách làm. Vì vậy để giúp người dân tin và nghe thì mình phải đi đầu trong mọi công tác- già A Đúp nói.
Khó có thể kể hết những việc già A Đúp đã làm vì dân làng. Với uy tín của mình, già làng A Đúp không chỉ tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà còn tích cực chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới.
Già đặc biệt quan tâm đến việc tuyên truyền bà con thay đổi nếp nghĩ, mạnh dạn vay vốn để làm ăn; không bắt con nghỉ học để làm ruộng rẫy; xóa bỏ các hủ tục như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống- A Va, một thanh niên trong làng, vui vẻ kể.
Già làng A Đúp còn gương mẫu đi đầu trong làm kinh tế, với suy nghĩ “còn sức là còn làm việc”. Ông mạnh dạn trồng cà phê xứ lạnh; vay vốn trồng sâm dây và sâm Ngọc Linh. Hiện nay, gia đình già A Đúp có hơn 3ha mì, 2ha cà phê, 1ha sâm dây và 200 gốc sâm Ngọc Linh.
Trong số những nông dân sản xuất giỏi từng gặp, tôi rất ấn tượng với A Thi (thôn Kon Tu Dốp 2, xã Pô Kô, huyện Đăk Tô), không chỉ bởi danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019” hay Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về học tập và làm theo Bác giai đoạn 2016-2021, mà còn vì “tài sản khủng” của anh, gồm 20ha trồng cao su, cà phê, mì; thu nhập ổn định gần 2 tỷ đồng/năm.
Tôi càng quý anh hơn, khi anh bộc bạch rằng, tài sản ấy, thành tích ấy có được từ sự siêng năng, chăm chỉ, ham học hỏi, chi tiêu hợp lý trong sản xuất, đời sống. Và tất cả những đức tính ấy, anh học từ Bác Hồ kính yêu.
Đặc biệt, Bác Hồ dạy không được giấu dốt, và mỗi người phải xem việc học là suốt đời. Với một nông dân, việc học hỏi, cập nhật kiến thức trong trồng trọt, chăn nuôi là không có điểm cuối. Ngày nay, việc học tập thuận lợi hơn nhiều, bởi có thể học trực tiếp từ các lớp tập huấn, học gián tiếp từ sách báo, truyền hình, mạng xã hội- anh A Thi chia sẻ.
Cách đây gần một năm, tháng 6/2021, A Nga (thôn Rô Xia, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông) một trong bốn cá nhân điển hình, tiên tiến được chọn tham dự Triển lãm "Những tấm gương bình dị mà cao quý" do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Trung ương Đoàn tổ chức tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Thủ đô Hà Nội).
Dù còn rất trẻ (sinh năm 1993), A Nga đã có suy nghĩ mà không phải ai cũng có thể làm được: Trở về quê hương khởi nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp đại học.
Không chỉ gương mẫu, đi đầu trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững tại địa phương, A Nga còn tích cực vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới; hiến đất làm nhà văn hóa, làm đường; trồng sâm dây, phát triển mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng.
Đặc biệt, với kiến thức khoa học, kỹ thuật đã học, anh đã chế tạo thành công mô hình tưới nhỏ giọt, tưới phun sương cho sâm dây. Không chỉ áp dụng cho mình, A Nga còn giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm với người dân có nhu cầu để nhân rộng mô hình, đem lại hiệu quả kinh tế.
Chính lời dạy của Bác Hồ rằng thanh niên phải có tinh thần lao động tích cực, siêng năng, táo bạo và sáng tạo, đã thúc giục, động viên tôi tìm tòi, tự chế tạo ra mô hình này- A Nga bộc bạch.
Theo đánh giá của UBND xã Đăk Tăng, quan trọng nhất, mô hình của A Nga mang ý nghĩa trực quan, góp phần làm thay đổi suy nghĩ của bà con, thấy được hiệu quả mà khoa học kỹ thuật đem lại.
|
Những việc làm hữu ích ngày càng lan tỏa sâu rộng, có sức mạnh hơn hẳn những lời vận động "suông". Mỗi ngày lại xuất hiện nhiều tấm gương nông dân làm theo lời dạy của Bác, thi đua phát triển kinh tế, thoát khỏi đói nghèo và vươn lên làm giàu; gương mẫu trong xây dựng đời sống mới; nuôi dạy con ngoan, học giỏi, thành đạt trong cuộc sống.
Không có nhiều tài liệu để nghiên cứu, học tập; không hiểu hết, nhớ hết những gì được quán triệt..., nhưng nông dân Kon Tum luôn là những người rất hăng hái học tập, làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể nhất, thiết thực nhất, bởi họ hiểu rất rõ rằng, học Bác, trước hết là làm sao cho gia đình mình no đủ; xóm làng yêu thương, đùm bọc nhau.
Trong việc học tập và làm theo Bác, mỗi người lại có những cách thức, những việc làm khác nhau, nhưng tựu trung, mỗi việc làm đều hướng đến mục đích tạo thành nền nếp, thành ý thức tự giác học tập Bác ở mỗi người và để việc học Bác, làm theo Bác trở thành lẽ tự nhiên, là cơ hội để mỗi người hoàn thiện mình, xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Và họ luôn cố gắng để làm điều đó!
Thành Hưng