18/05/2024 13:17
43 năm trôi qua, khoảng thời gian vất vả đã lùi xa vào quá khứ, giờ đây đã 77 tuổi, điều bà Cương tự hào chính là con cháu đã không phụ công sức của bà, quyết tâm học hành, thành người có ích.
Bà Hồ Thị Cương vẫn nhớ như in năm 1981, thực hiện chủ trương của Nhà nước, cả gia đình rời huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam vào Kon Tum lập nghiệp. Ngày ấy, sau khi sinh thêm 2 người con tại vùng đất mới, cả gia đình 10 người (8 người con nhỏ nheo nhóc) chen chúc nhau trong ngôi nhà tranh vách đất. Cơm độn khoai sắn, đã thế, ăn bữa nay đã phải lo bữa mai, nhưng vợ chồng ông bà vẫn quyết cho các con học hành đàng hoàng.
|
Ngày ấy dù kinh tế rất khó khăn, công việc đồng áng làm không xuể nhưng hai vợ chồng vẫn gắng sức, động viên nhau học theo lời Bác dạy, khó thế nào cũng phải cho các con đi học- bà Hồ Thị Cương kể.
Và bây giờ, 43 năm trôi qua, gian khó đã lùi lại phía sau bởi những cố gắng không ngừng nghỉ, điều làm bà Cương tự hào nhất chính là các con ruột, dâu, rể và các cháu đều nỗ lực học tập; các con và một số cháu đã có việc làm ổn định, sống và làm người có ích trong xã hội.
Có những lúc quá khó, tiền ăn chưa có đã phải lo tiền học, hai vợ chồng cũng từng bàn, hay thôi cho con nghỉ học. Nhưng rồi, việc học theo lời Bác như ngọn đuốc soi sáng, trong gian khó, hai vợ chồng vẫn quyết vay mượn cho các con ăn học thành tài– bà nhớ lại.
Anh Phan Hiếu – con thứ 6 của bà Cương vẫn nhớ, khoảng thời gian đó, do địa phương lúc bấy giờ không đủ điều kiện để mở lớp, để tiếp tục học cấp II, các người anh đầu phải đi học xa; các em nhỏ khác, đứa học mẫu giáo, đứa vào lớp 1. Anh kể, ngày đó mấy anh em đạp xe đạp đi ra trường cách nhà 15km để học cấp II. Sáng nào cũng vậy, mẹ dậy thật sớm để nấu cơm, lấy lá chuối đùm lại để trưa các con có cơm ăn, khỏi đói. Đứa lớn, đứa bé đi học, không có ai phụ giúp việc đồng áng, ba mẹ nai lưng ra làm mà không một lời than thở. Đã thế, tối về, nhà chỉ có cây đèn dầu, ba mẹ cũng nhường cho các con để học bài.
“Chịu thương, chịu khó, lần lượt 4 anh em trong gia đình cũng cố gắng tốt nghiệp đại học, trở thành một trong số ít những người ở xã có bằng đại học thời đó. Nghĩ lại mới thấy, thật sự khâm phục ý chí, sự chịu thương, chịu khó, nỗi vất vả của ba mẹ” – anh Hiếu xúc động nhớ lại.
|
Trong gian khó vươn lên, thuở thiếu thời đi học với anh Phan Đức – con thứ 5 của bà Cương là kỉ niệm chưa bao giờ phai nhòa. Anh nói, thương ba mẹ, nhiều lúc mấy anh em cũng bàn nhau nghỉ học để phụ giúp ba mẹ. Nhưng suy nghĩ vừa lóe lên đã bị bố mẹ dập tắt: Phải ráng học kiếm lấy con chữ, chuyện đồng áng không phải lo, ba mẹ cáng đáng được.
Thấy ba mẹ quyết tâm, anh càng thêm cố gắng. Ngày đó, vượt khó học tốt, anh phấn đấu trở thành giáo viên khi mới 17 tuổi. Hiện nay, anh là giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Trãi (phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum). Ghi nhớ lời ba mẹ dạy cộng với việc học và làm theo Bác, anh đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen “đã có thành tích trong sự nghiệp giáo dục, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”; được các ngành Trung ương tặng bằng khen, kỷ niệm chương và nhiều bằng khen của địa phương, của ngành giáo dục.
Được truyền lửa từ ba mẹ, các con của bà Cương ai nấy đều nỗ lực trong học tập và công tác. Trong số 8 người con ruột, có 4 người tốt nghiệp Đại học. Trong số 22 đứa cháu chắt nội, ngoại, có 3 cháu đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định; 5 cháu đang học đại học; 9 cháu đang theo học phổ thông các cấp. Noi gương ông bà, ba mẹ, các cháu đều có ý thức học tập tốt, đạt nhiều thành tích, giải thưởng trong học tập và rèn luyện.
Cầm trên tay Bằng chứng nhận “Gia đình hiếu học” được Hội Khuyến học tỉnh Kon Tum tặng năm 2007, bà nói, vợ chồng bà không tài giỏi gì, chỉ luôn cố gắng làm ăn để nuôi con, và luôn động viên các con, các cháu cố gắng học hành mỗi ngày.
Năm 2017, khi chồng mất, bà tiếp tục động viên các con nỗ lực “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Bên cạnh tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, học tập, các con, các cháu của bà tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện, thiện nguyện, các phong trào thi đua, yêu nước, góp phần lan tỏa tinh thần đoàn kết, sức mạnh cộng đồng.
Để lan tỏa tinh thần hiếu học trong gia đình, năm 2015, gia đình bà Cương đã xây dựng quỹ Khuyến học gia đình. Hàng năm, vào dịp hè, từ nguồn quỹ khoảng 10 triệu đồng, gia đình tổ chức biểu dương, khen thưởng các con, các cháu có thành tích học tập tốt.
“Tôi mong muốn, các cháu luôn giữ vững tinh thần học - học nữa - học mãi, cần cù bù thông minh, tích lũy kiến thức để giúp mình, giúp đời. Và không dừng lại trong gia đình, mong rằng các con, các cháu là những hạt nhân để lan tỏa tinh thần hiếu học đến mọi người” – bà Cương bày tỏ.
Hoài Tiến