19/06/2021 13:05
Trong đó, các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh nghiên cứu lựa chọn, đưa nội dung Chuyên đề của tỉnh năm 2021 vào chương trình, kế hoạch công tác hằng tháng, hằng năm và kế hoạch sinh hoạt thường kỳ, xem đây là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, nền nếp của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và của mỗi cán bộ, đảng viên, gắn với thực hiện Chuyên đề toàn khóa và năm 2021 của Trung ương, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Nhìn lại chủ đề toàn khóa và hằng năm thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TW của Bộ Chính trị khóa XI đến Chỉ thị số 05/CT-TW của Bộ Chính trị khóa XII về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các chủ đề đều nhấn mạnh đến vấn đề đoàn kết, nêu gương; tính tiên phong gương mẫu; ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên. Mới đây, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", trong đó Bộ Chính trị chỉ đạo các cấp ủy phải quán triệt, tập trung làm tốt ba nội dung: Học tập, làm theo Bác và nêu gương của cán bộ, đảng viên; xác định việc học tập và làm theo Bác để Đảng ta và mỗi đảng viên xứng đáng với vai trò, sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam và sự tin cậy của nhân dân, xây dựng mối quan hệ gắn bó chặt chẽ hơn nữa giữa Đảng với dân, thực hiện có hiệu quả phương châm "trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân", "xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân"; đề cao việc phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, với phương châm "đảng viên đi trước, làng nước theo sau" đã cho thấy chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc cùng với thực hiện chuyên đề theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương thì tỉnh có chuyên đề riêng trong năm 2021 là thực sự cần thiết.
|
Là một tỉnh nằm ở khu vực Bắc Tây Nguyên, ở vị trí chiến lược ngã ba Đông Dương, trong vùng lõi Khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, Kon Tum là điểm kết nối, trung chuyển trên trục Đông - Tây với nhiều danh lam thắng cảnh giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, gắn liền với đó là các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào các DTTS, có điều kiện tự nhiên rất thích hợp để phát triển các ngành kinh tế nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất năng lượng và phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, có tiềm năng phát triển các loại sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là rau hoa củ quả, thủy sản xứ lạnh và cây dược liệu. Tuy nhiên, như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đánh giá “kinh tế tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh... Chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội...”. Đại hội đã kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đoàn kết một lòng, tiếp tục phát huy truyền thống của Đảng bộ, tận dụng thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thử thách, chủ động, sáng tạo, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra, quyết tâm “Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; năng động, sáng tạo; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; giữ vững quốc phòng, an ninh; huy động, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đưa tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững".
Để thực hiện có hiệu quả Chuyên đề riêng của tỉnh về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2021; trước tiên, nói về trách nhiệm của mỗi người cán bộ, đảng viên, một trong những nhiệm vụ của người đảng viên được quy định trong Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam là không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao là một tiêu chí cơ bản, đầu tiên để đánh giá chất lượng đảng viên hàng năm. Để hoàn thành tốt các công việc được giao, yêu cầu cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần và ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn một cách hiệu quả và chất lượng nhất.
Nói về khái niệm ý thức trách nhiệm và trách nhiệm. Đây là những khái niệm không hoàn toàn đồng nhất. Trách nhiệm là một sự phụ trách và đảm đương một nhiệm vụ nào đó, còn ý thức trách nhiệm là thái độ của một người với công việc và cơ quan của họ. Mức độ ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức quyết định mức độ thái độ làm việc, đồng thời cũng quyết định thành tích công việc của người đó. Khi có được ý thức trách nhiệm cao trong công việc, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có thể học được từ công việc nhiều kiến thức mới, tích lũy được nhiều kinh nghiệm và cũng từ đó tìm thấy niềm vui, hạnh phúc trong thực thi nhiệm vụ của mình.
Ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức còn thể hiện ở tính chịu trách nhiệm. Người dám chịu trách nhiệm là người dám nghĩ, dám làm, dám nhận trách nhiệm, luôn nỗ lực hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ. Khi không hoàn thành cũng không tránh né, đùn đẩy cho hoàn cảnh hay người khác. Luôn làm đúng theo sự chỉ đạo, theo yêu cầu của cấp trên trong sự chủ động, linh hoạt và sáng tạo, song phải trong phạm vi quyền hạn của mình được giao.
Cùng với ý thức trách nhiệm trong công việc, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải trách nhiệm với bản thân, với gia đình, cộng đồng, xã hội. Chính ý thức trách nhiệm, tinh thần trách nhiệm, hành động có trách nhiệm là nhân tố có tính quyết định trong hoạt động thực tiễn của con người. Có trách nhiệm thì bản thân mình sẽ thúc đẩy mình tự vươn lên học tập nâng cao trình độ, năng lực công tác, sẽ có sáng kiến và rèn luyện kỹ năng công tác để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc và hoạt động của mỗi cá nhân.
Vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 08-KL/TU, ngày 24/2/2021 về chủ trương triển khai Cuộc vận động "Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững" trên địa bàn tỉnh. Để đạt được mục đích và các chỉ tiêu chủ yếu từ nay đến năm 2025 mà Kết luận 08-KL/TU và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã chỉ ra, thiết nghĩ, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh phải không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao ý thức trách nhiệm, luôn năng động, sáng tạo, có khát vọng vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững.
Kim Thơ