10/11/2022 06:04
Việc nắm vững đối tượng được tuyên truyền rất quan trọng vì tùy theo từng đối tượng, trình độ mà chọn phương pháp tuyên truyền. Đối với mỗi đối tượng, Người yêu cầu phải có phương thức tuyên truyền thích hợp và phải chú trọng ưu tiên cho đối tượng có trình độ nhận thức, trình độ văn hóa thấp vì đồng bào có trình độ thấp đã hiểu thì các đối tượng khác đều nắm bắt được.
Để làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ cho quần chúng hiểu thì tuyên truyền phải có tính chất quần chúng, “không nên lúc nào cũng trích Các-Mác, cũng trích Lênin, làm cho đồng bào khó hiểu. Nói thế nào cho đồng bào hiểu được, đồng bào làm được… Nói thiết thực, nói đúng lúc, đúng chỗ”. Nếu “nói hay mà không hiểu” thì cũng không bằng “nói dễ hiểu, thiết thực, người ta dễ hiểu và làm được”.
Dưới bút danh A.G, Người đã viết bài “Người tuyên truyền và cách tuyên truyền” đăng trên Báo Sự thật, số 79 (từ ngày 26/6 đến ngày 9/7/1947). Trong bài viết, Người nhấn mạnh, tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại. Muốn thành công, phải biết cách tuyên truyền.'
|
Qua bài viết trên, Bác đã chỉ cho đội ngũ cán bộ tuyên truyền cần phải xác định rõ ràng nội dung, đối tượng, mục đích và phương pháp: “Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cách thế nào?”. Đồng thời Người dạy chúng ta phải biết kết hợp giữa công tác tuyên truyền với công tác dân vận, hay đó chính là phong cách “nói đi đôi với làm”.
Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, bên cạnh việc xác định nội dung, đối tượng, mục đích và phương pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đề cập đến vai trò có ý nghĩa quyết định của người tuyên truyền. Theo Bác, người tuyên truyền là yếu tố có ý nghĩa quyết định, bởi “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.
Nói về lực lượng cán bộ làm công tác tuyên truyền, Bác cho rằng, không chỉ riêng cán bộ làm công tác tuyên truyền mà bộ đội, công an, công nhân trong nông trường, lâm trường, công trường, xí nghiệp, cán bộ thương nghiệp, y tế, các giáo viên và tất cả cán bộ các ngành phải thấy rằng mỗi người đều là người tuyên truyền chính sách của Đảng, của Nhà nước.
Về phẩm chất của cán bộ tuyên truyền ở cơ sở, Bác đòi hỏi ý thức trách nhiệm và tinh thần chủ động trong công việc: “...Các chú cần tự hỏi, tự trả lời. Chứ không phải chờ trên gửi tài liệu xuống, rồi theo một, hai, ba, bốn mà làm… Không phải trung ương bảo làm, tỉnh bảo làm, thì tôi làm”, “Mỗi người phải nhận lấy phần trách nhiệm của mình, mà không nên nói lãnh đạo chung chung”.
Đối với cán bộ trung ương, Bác đề nghị: “…Đến đây, không phải chỉ để nghe, mà phải nhận trách nhiệm của mình, góp phần vào công tác tuyên truyền huấn luyện đồng bào miền núi.... chứ không phải đến dự cho có mặt đông đủ rồi về”.
Theo Bác, muốn đạt hiệu quả tuyên truyền, cán bộ phải tìm hiểu để có kiến thức về trình độ nhân dân nơi mình đến tuyên truyền cùng những phong tục, tập quán của địa phương ấy, nghĩa là phải nắm vững đối tượng, nắm chắc thực tiễn. Cán bộ tuyên truyền đi làm việc chỗ nào cần học tiếng ở đấy, để nói chuyện cho đồng bào hiểu, để hòa mình với đời sống đồng bào. Một khi cán bộ tuyên truyền đã hòa mình vào với nhân dân, hiểu nhân dân, xây dựng tình cảm tốt nhất với nhân dân, chắc chắn hoạt động tuyên truyền sẽ tạo được sức cuốn hút và cảm hoá mọi người, sẽ thu được hiệu quả cả về nhận thức lẫn hành động đối với quần chúng.
Trong công tác tuyên truyền, cán bộ là khâu quyết định thành công, nhưng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, điều quan trọng nhất ở mỗi cán bộ tuyên truyền lại là đạo đức. Theo Người, chính việc lấy gương tốt trong cán bộ, đảng viên, quần chúng để giáo dục là phương pháp tuyên truyền, giáo dục sinh động, có sức thuyết phục và có hiệu quả nhất, không chỉ coi trọng tuyên truyền những tấm gương điển hình, Người còn yêu cầu bản thân người làm công tác tuyên truyền cũng phải là một tấm gương sáng. Người lí giải rằng “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền".
Trong sự nghiệp đổi mới đất nước, công tác tuyên truyền đã vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm qua các thời kỳ cách mạng, đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung, hình thức và phương tiện, góp phần đưa đường lối đổi mới của Đảng sớm đi vào cuộc sống và thâm nhập vào quần chúng, khơi dậy các phong trào cách mạng rộng lớn, tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và mang lại những thành tựu to lớn, tạo điều kiện cho đất nước và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, công tác tuyên truyền cũng cần phải tập trung khắc phục cho được những hạn chế, yếu kém và bất cập. Việc khéo léo vận dụng các bài học về công tác tuyên truyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào điều kiện thực tế cụ thể, sẽ góp phần tích cực để chúng ta thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền trong tình hình mới, để thật sự là “nhất hô bá ứng, tiền hô hậu ủng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đoàn kết thống nhất, quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Nguyễn Quang Thủy