Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Lân “dân vận khéo”

18/05/2019 06:00

Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Lân (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy) được đánh giá đã thực hiện tốt công tác dân vận, góp phần quan trọng vào việc giảm nghèo và nâng cao dân trí cho người dân ở xã biên giới này.

Đại úy Nguyễn Văn Đại - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ia Lân cho biết: Bà con nơi đây đa phần đều làm rẫy, trồng mì là chủ yếu. Tuy nhiên, 1ha mì sau khi thu hoạch, bán ra chỉ khoảng 23- 25 triệu đồng (chưa trừ chi phí), do vận chuyển nông sản khó khăn, hay bị thương lái ép giá. Trước thực trạng đó, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi mô hình kinh tế, thay đổi giống cây trồng. Tuy nhiên, trong những ngày đầu, công tác tuyên truyền gặp phải những khó khăn nhất định, bởi đa phần bà con đã quen với cách thức canh tác truyền thống từ nhiều năm nay…

Để giúp đỡ bà con được hiệu quả, Đồn Biên phòng Ia Lân đã đưa 7 đảng viên xuống sinh hoạt cùng một số chi bộ thôn, làng. Thông qua các buổi sinh hoạt, bên cạnh việc đưa ra phương án, ý tưởng rồi thống nhất chủ trương từ chi bộ, các đảng viên được phân công về sinh hoạt tại chi bộ thôn còn vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong xây dựng cuộc sống, phát triển kinh tế…

Bên cạnh đó, mỗi đảng viên thuộc đội công tác địa bàn của Đồn Biên phòng Ia Lân còn nhận tham gia đỡ đầu, kết nghĩa với 1 hộ nghèo. Thông qua mô hình này, các cán bộ, chiến sĩ giúp các gia đình kết nghĩa thay đổi nhận thức từ suy nghĩ đến phát triển kinh tế gia đình. Ban đầu, từ những việc nhỏ nhất như: cải tạo đất vườn để phục vụ sinh hoạt gia đình, rồi đến việc lớn hơn như: chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hướng dẫn vay vốn để đầu tư cây công nghiệp xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt là đối với những hộ đồng bào dân tộc thiểu số, Đồn Biên phòng Ia Lân cử các cán bộ cũng là người dân tộc thiểu số cùng thấu hiểu ngôn ngữ, nếp sống… để tuyên truyền, vận động thuận lợi hơn.

Trung úy Rơ Châm Khôi - cán bộ làm công tác vận động quần chúng của Đồn Biên phòng Ia Lân cho biết: Khoảng 3 năm trở lại đây, ngày càng nhiều hộ chuyển đổi mô hình cây trồng theo sự hướng dẫn của chúng tôi. Đặc biệt là mô hình trồng điều, những ngày đầu tiên, toàn xã chỉ có 2 hộ trồng điều, đến nay, đã có hàng chục hộ trồng điều. Điều là loại cây dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, rất phù hợp với thổ nhưỡng ở đây. Giá cả của điều trên thị trường cũng tương đối ổn định, dao động từ 30 - 35 nghìn đồng/1kg hạt. Vậy nên, cây điều có thể tạo nguồn thu ổn định cho bà con.

Đến nay, 2 hộ đầu tiên trồng điều, mỗi hộ đã phát triển được trên 1,5ha điều với thu nhập trung bình 50-60 triệu đồng/năm (đã trừ chi phí). Từ việc chuyển đổi cây trồng này đã giúp cho 1 hộ thoát nghèo, hộ còn lại dự kiến sẽ thoát nghèo trong năm nay.

Ông A Uốt, làng Tang, xã Mô Rai - một hộ dân trồng điều chia sẻ: Các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Lân không chỉ động viên mình chuyển đổi từ trồng mì sang trồng điều, mà còn đóng góp ngày công, giúp mình làm rẫy, hướng dẫn cho mình các kỹ thuật cơ bản. Rẫy điều hơn 2ha của mình đã được 2 năm, cây  phát triển tốt, sắp tới sẽ thu hoạch.

Cùng với việc phát triển mô hình kinh tế trồng điều, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Lân cũng hướng dẫn người dân kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản. “Các hộ ở đây đã nuôi bò từ lâu đời, tuy nhiên lại thả rông, bò ốm yếu, thường xuyên bị đau bệnh, rất dễ chết. Vậy nên, hàng ngày, chúng tôi đều đến trực tiếp các hộ gia đình, hướng dẫn cho bà con cách trồng cỏ, làm chuồng, vừa không để bò thả rông, phóng uế bừa bãi gây ô nhiễm môi trường, vừa có thể sử dụng phân bò để bón cho cây điều” -  Trung úy Rơ Châm Khôi chia sẻ.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Lân trao tặng bò sinh sản cho hộ nghèo ở xã Mô Rai. Ảnh: TT

 

Với nhiều cố gắng, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Lân ngày càng trở nên thân thiết và gần gũi với bà con như những người thân trong gia đình. Hiệu quả từ công tác dân vận đã góp phần đáng kể vào việc xây dựng mối đoàn kết quân dân bền chặt, đời sống bà con vùng biên Mô Rai ngày càng ổn định, phát triển.

          Tất Thành

Chuyên mục khác