Bác Hồ trong trái tim người dân Kon Tum

01/09/2022 13:03

Dù chưa một lần được đón Bác vào thăm nhưng nhân dân các dân tộc Kon Tum luôn cảm nhận rõ tình cảm sâu nặng của Bác:“Miền Nam yêu quý luôn trong tim tôi”. Với người dân Kon Tum, Bác Hồ vẫn luôn sống mãi trong trái tim, vẫn luôn ân cần nhắc nhủ, động viên, căn dặn mỗi người nỗ lực học tập, lao động, rèn luyện để xây dựng quê hương Kon Tum phát triển nhanh và bền vững, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam “ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như sinh thời Bác hằng mong muốn.
Thành phố Kon Tum hôm nay. Ảnh: QUANG VINH

 

Trong những năm tháng chiến tranh gian khó, nỗi đau đáu về miền Nam   luôn trong trái tim Bác và người miền Nam cũng luôn khao khát được gặp Bác, được đón Bác vào thăm. Nhưng, công  việc chồng chất, chiến tranh lại khốc liệt, đường sá đến miền Nam khó một thì đường đến với Tây Nguyên, với Kon Tum còn bội phần, cho đến tận ngày Bác mất, ước mong đó của Bác và của người dân miền Nam vẫn chưa thành hiện thực.

Thời kì đó phương tiện thông tin liên lạc rất khó khăn, nhưng chỉ cần nghe cán bộ, bộ đội kể những câu chuyện về Bác, đồng bào các dân tộc Kon Tum đều chăm chú lắng nghe; hay những số báo đăng tải các bài viết, các hoạt động của Bác, mọi người lại chuyền tay nhau đọc, kể cho nhau cùng nghe.

Càng nghe, càng đọc, nhân dân các dân tộc Kon Tum càng thấu hiểu tấm lòng trọn một đời vì nước, vì dân, suốt cả một đời chỉ có một ham muốn tột bậc: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Chi bộ thôn Đăk Nớ, xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei lồng ghép kể chuyện về Bác trong các buổi sinh hoạt định kỳ. Ảnh: NP

 

Bởi vậy, với đồng bào các dân tộc Kon Tum, dù chưa một lần được đón Bác vào thăm và cũng chưa một lần được gặp Bác nhưng hình ảnh Bác, những câu chuyện về Bác vẫn luôn ngự trị ở trong tim, vẫn luôn ở bên ân cần dặn dò, nhắc nhủ. Bác đến với đồng bào Tây Nguyên nói chung, với đồng bào Kon Tum trong bức thư gửi nhân Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Plei Ku ngày 19/4/1946 bằng tình cảm sâu nặng, yêu thương: “Hôm nay đồng bào khai hội, sum họp một nhà thật là vui vẻ. Tiếc vì đường sá xa xôi, tôi không đến dự được. Tôi tuy xa nhưng lòng tôi và Chính phủ vẫn gần gũi đồng bào. Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”. Khắc ghi lời căn dặn của Bác, đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã treo bức thư trang trọng ở nhà rông – là linh hồn của làng, treo ở gian giữa mỗi nhà như lời nhắc nhở  yêu thương để mỗi ngày có thể học tập, vận dụng vào cuộc sống.

Những dặn dò của Bác trong bức thư còn được đặt trang trọng tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh Gia Lai và Kon Tum. Với ý nghĩa “không được đón Bác vào thăm thì làm nhà rước Bác vào ở”, ngoài bức thư Bác gửi cho đồng bào Tây Nguyên được dịch ra ba thứ tiếng Gia Rai, Ba Na, Xê Đăng khắc trên gỗ, Bảo tàng còn trưng bày các hiện vật quý giá về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác, tình cảm Bác Hồ dành cho người dân Tây Nguyên và tình cảm người dân Tây Nguyên dành cho Bác trở thành điểm thăm viếng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, trong đó có đồng bào các dân tộc Kon Tum. Càng hiểu, càng trân quý, kính yêu vô bờ bến công ơn trời biển và sự hy sinh to lớn của Bác, ai nấy đều hiểu rằng có được cuộc sống tươi đẹp như hôm nay là nhờ có Đảng, có Bác.

Tình cảm của Bác dành cho đồng bào Tây Nguyên thật lớn lao, trở thành nguồn động viên lớn, cổ vũ mỗi người dân Tây Nguyên nói chung, người dân Kon Tum nói riêng vượt qua khó khăn, góp sức bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước. Và ai cũng vậy, luôn tâm niệm kính yêu Bác chính bằng việc phải ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người với những việc làm cụ thể, thiết thực. Nên trong những năm tháng chiến tranh, đồng bào các dân tộc Kon Tum dù đói cơm lạt muối nhưng sẵn sàng nuôi giấu bộ đội Cụ Hồ; có củ sắn, măng rừng cũng chia đôi sẻ nửa. Trai gái, già trẻ đều chung một lòng, sẵn sàng vượt suối băng rừng cõng lương thực, đạn dược, tham gia chiến đấu. Có những người con ưu tú của quê hương Kon Tum vượt dãy Trường Sơn  ra Hà Nội học tập và họ có may mắn được nhiều lần gặp Bác như ông Sô Lây Tăng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy; ông Ka Ba Tơ – nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; bà Y Xuôi – nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Cho đến hôm nay, dẫu thời gian đã lùi rất xa nhưng những lần gặp Bác đã để lại trong họ ấn tượng sâu sắc và là động lực để họ không ngừng nỗ lực học tập, rèn luyện, góp sức dựng xây quê hương Kon Tum ngày càng phát triển.

Dòng họ hiếu học Xiêng Thanh ở thôn Nông Nội, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi học tập theo Bác tinh thần học tập suốt đời. Ảnh: NP

 

Không chỉ với những người may mắn được gặp Bác như vừa nêu mà người dân Kon Tum nào cũng vậy, đều cảm nhận rõ tình cảm sâu nặng, công ơn trời biển của Bác và luôn lấy những điều Bác dạy, Bác khuyên làm lẽ sống, ra sức học tập, lao động, rèn luyện và cống hiến. Nhiều tập thể, cá nhân đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác vào công việc, cuộc sống đời thường hằng ngày và qua đó đã lôi cuốn, thuyết phục những người xung quanh cùng học tập, làm theo Bác.

Tháng 9 lại về, mỗi người dân Kon Tum lại bùi ngùi hướng về Bác bằng tất cả lòng thành kính và biết ơn vô hạn. Ai nấy đều hiểu rằng, Bác luôn sống mãi trong trái tim mình!

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác