28/02/2018 07:11
Hôm nay, ngày 8 tháng Giêng (tức ngày 23/2), là một ngày thật vui ở làng chài. Ngay từ sáng sớm, xóm trưởng Nguyễn Văn Triều (tên thường gọi là Hai Triều) đã chạy đò đi thông báo mọi người 10h sáng tập trung tại nhà anh để đón khách.
Ai vậy, Hai Triều? Có người tò mò hỏi. Bí mật. Cứ đến sẽ biết. Nhớ đến đúng giờ đó - Hai Triều nói vọng lại trong tiếng máy nổ giòn.
Đúng 10h, trên bờ xuất hiện chiếc xe ô tô đầu tiên. Tới rồi - Chủ tịch UBND xã Ia Tơi Chế Hồng Quyền reo lên. Hai Triều phát lệnh cho cánh thanh niên chạy đò máy vào đón khách.
Trên "nhà", cũng là lồng bè nuôi cá của gia đình Hai Triều, đã đông vui, nhộn nhịp lắm. Ai cũng ngóng nhìn ra ngoài.
Ồn ào là vậy, nhưng khi đò cặp nhà bè thì lại im lặng, nghe rõ tiếng nước vỗ lóc bóc, tiếng cá đớp mồi.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ia H'Drai - Bùi Văn Nhàng làm nhiệm vụ giới thiệu khách, tiếng vỗ tay vang dội sau một lần xướng tên.
|
Có tiếng thì thào với nhau: Ôi chao, có bác Bí thư Tỉnh ủy, bác Trưởng Ban Tổ chức, bác Phó Chủ tịch tỉnh, lâu lắm rồi làng chài mới đón khách quý như thế này. Ừ, ngại nỗi nơi đón khách tuềnh toàng quá...
Sau những cái bắt tay thật chặt, những câu chào hỏi mộc mạc, những nụ cười tươi làm sáng rỡ gương mặt sạm đen, khắc khổ nhân lên niềm vui xuân ấm, trong ánh nhìn ngạc nhiên của mọi người, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hùng ngồi luôn xuống sàn nhà bè. "Thôi, khỏi chiếu"- đồng chí Bí thư xua tay.
Không giống như một Bí thư Tỉnh ủy đi "vi hành", đi "thị sát" cơ sở, mà giống như người em, người anh, người bạn về chơi, đồng chí cùng cười nói khi nghe chuyện vui, cùng ngậm ngùi chia sẻ khi nghe chuyện buồn. Sự bình dị ấy làm cho cư dân làng chài - vốn là những người phóng khoáng, quen “ăn sóng nói gió”- bớt ngại ngần, trở lại với bản tính tự nhiên, hoạt bát hàng ngày.
Kể từ đó, nhà bè luôn rộn rã tiếng cười. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị xóm trưởng Nguyễn Văn Triều báo cáo nhanh tình hình làm ăn, sinh sống, chuyện vui xuân đón tết của bà con.
Giọng Hai Triều run run, nhưng ánh mắt lại vụt tươi sáng, ánh lên niềm vui: Báo cáo bác Bí thư, hiện nay làng chài có 29 hộ, trong năm qua đời sống của bà con cũng đỡ, thu nhập từ đánh bắt thủy sản trên lòng hồ khá ổn định, bình quân 200-300.000đ/ngày. Ngoài ra, 29 gia đình đều nuôi cá lồng, chủ yếu là cá thác lác cườm, lăng đuôi đỏ, trắm cỏ, bống, lóc bông...
Trước tết cá xuất được giá, bà con vui lắm, lại được chính quyền quan tâm chăm lo nên đón tết vui vẻ, đầm ấm, đủ đầy bánh tét, bánh mứt, thịt heo, còn cá thì vô tư (cười). Mọi người gác lưới từ ngày 30 tết, nghỉ ngơi, vui xuân đến đêm mùng 2 tết thì xuất hành đầu năm, ra mẻ lưới đầu tiên cầu mưa thuận gió hòa, làm ăn tấn tới.
Vui nhất là trong năm vừa qua, đã có 2/3 số hộ gia đình trong làng được cấp hộ khẩu; một số gia đình được cấp đất, được hỗ trợ tiền để cất nhà trên đất liền đã nhận mặt bằng và mở móng nhà từ trước tết rồi - anh Nguyễn Thành Nhân góp lời...
|
Mọi người vỗ tay hoan hô lần nữa. Một chị phụ nữ ngậm ngùi: Nhìn cảnh quây quần đầm ấm hôm nay mà lại nhớ những ngày cơ cực hôm nào. Mà đã xa xôi gì cho cam, mới đây thôi... Nhà nào cũng chỉ có con thuyền, mấy tấm lưới, mọi người vật vã trong cuộc mưu sinh; đôi lúc còn phải chạy lòng vòng “né” các đoàn kiểm tra...
Một thanh niên (sau này hỏi thì biết là anh Nguyễn Thành Phong) xua xua tay: Thôi chị Út ơi, hôm nay là ngày vui, đừng để bác Bí thư cười dân mình cứ thích ôn nghèo kể khổ mãi. Bây giờ có đất, có hộ khẩu, có lồng cá rồi, đâu còn cơ cực nữa.
Ờ há, trước tết nhiều chuyện vui, nên dân làng chài ăn tết trong không khí vui tươi, không còn ảm đạm, heo hút như trước nữa, bác Bí thư ạ. Mấy tết trước, chỉ uống rượu, say ca vài câu, tỉnh lại, nhìn trời nước mênh mông, buồn lại uống tiếp.
Nữa, sao nhắc nữa chị Út. Ừ, thôi, không nhắc nữa. Khi nghe chú Quyền (anh Chế Hồng Quyền - Chủ tịch UBND xã Ia Tơi) thông tin có Bí thư Tỉnh ủy xuống chơi, thăm bà con, tui không tin. Năm mới, lãnh đạo bận trăm công nghìn việc, ai lặn lội đến nơi sơn cùng thủy tận này, chịu ngồi đò ra nhà bè chứ. Ai dè là thật, ngó mấy đứa chạy đò vô chở khách mà tôi thấy phấn khởi quá...
Giọng Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Hùng trầm trầm: Tôi biết chứ, bà con ta từ nhiều nơi tới đây, cũng là vì cuộc mưu sinh cả, thế là Tỉnh ủy chỉ đạo phải lo sao cho được cái hộ tịch hộ khẩu cho bà con, vì muốn làm gì thì làm cũng phải danh chính ngôn thuận đã, đi đâu cũng là dân mình, nhưng phải có hộ khẩu, phải có đăng ký tạm trú, phải có chứng minh thư, rồi giấy tờ kết hôn, giấy khai sinh, trường lớp cho con em nữa chứ.
Tôi hỏi mấy anh, mấy chị, ở đây mấy người có giấy hôn thú? Nào ai chưa có mạnh dạn giơ tay lên tôi coi - Bí thư Tỉnh ủy khuyến khích.
"Dạ, có em". Một cánh tay, rồi hàng loạt cánh tay giơ lên.
"Đó, nhiều như vậy là không được. Bây giờ cuộc sống dần ổn định rồi, có hộ khẩu, có đất, có nhà rồi, bà con cũng cần phải lo chuyện giấy tờ đi, mấy chị phải chú ý, làm giấy đăng ký kết hôn để cột mấy ổng cho chắc" - Bí thư Tỉnh ủy nói vui.
Về lĩnh vực kinh tế - ông nói - tôi mong rằng, bên cạnh nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, bà con ta cũng cần tính toán đến việc phát triển các ngành nghề khác để tận dụng thời gian nhàn rỗi, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, ví dụ như nhận khoán chăm sóc cao su chẳng hạn.
Quay về phía lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị: Trong thời gian tới, Công an huyện tiếp tục lo vấn đề hộ khẩu cho bà con; ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu hỗ trợ bà con nhân rộng các mô hình nuôi cá lồng; huyện Ia H'Drai quan tâm lồng ghép các chương trình, dự án để giúp làng chài ổn định và phát triển, trong đó cần tính đến tiềm năng phát triển du lịch.
Dạ, dân chúng em biết ơn bác Bí thư lắm lắm - anh Hai Triều vui mừng.
Ông cười: Cảm ơn anh Bền ấy (Thượng tá Đỗ Tấn Bền - Trưởng Công huyện - PV). Tỉnh ủy có chủ trương, UBND tỉnh chỉ đạo, nhưng anh Bền có công nhất đấy.
"Dạ, anh Bền mà ai không biết, khi còn trôi dạt trên lòng hồ, anh Bền là người lặn lội tìm gặp bà con, rồi đi xác minh nhân thân, làm thủ tục nhập khẩu nữa. Bây giờ 19 hộ có khẩu là nhờ ảnh. Dân làng cảm ơn anh Bền nhiều lắm".
Tất cả cùng cười vui!
Không khí chan hòa khiến cư dân làng chài mạnh dạn hẳn. Khi Bí thư Tỉnh ủy hỏi bà con làng chài có đề xuất gì không, một loạt cánh tay giơ lên, rồi sau đó mọi người thống nhất để anh Đặng Văn Thuộc đại diện phát biểu.
Không giấu được cảm xúc, anh Thuộc nói: Đây là cái tết đầu tiên dân làng vui đến vậy. Ở đây toàn người xa xứ mưu sinh cả, người từ Huế vào, người từ An Giang, Kiên Giang lên, cuộc sống ban đầu rất khó khăn, nhưng nay thì ổn định rồi, nhà nào cũng nuôi cá lồng; nhiều nhà nuôi được vịt, trồng được rau xanh. Đặc biệt, nhà nào cũng dùng pin mặt trời; có nhà sắm được ti vi và dàn karaoke; con cái được học hành bằng bạn bằng bè. Điều chúng tôi mong mỏi lâu nay là có hộ khẩu, có đất trên bờ để làm nhà, không phải sống lang thang sông nước nữa thì nay đã thành hiện thực.
Phải nói rằng, sự thay đổi ở làng chài hôm nay một phần là sự nỗ lực của dân làng, nhưng phần lớn là nhờ sự quan tâm của tỉnh, của huyện, của các ngành. Dân làng mong muốn được tỉnh quan tâm tiếp tục tháo gỡ khó khăn về hộ tịch hộ khẩu cho các hộ còn lại; hỗ trợ các mô hình nuôi cá; làm đường giao thông. Về phần mình, dân làng hứa sẽ làm ăn thật tốt, chấp hành pháp luật thật tốt, để lần sau bác Bí thư đến chơi sẽ thấy một làng chài khởi sắc hơn - anh Thuộc bày tỏ.
Tiếng vỗ tay, hoan hô lại vang lên!
Cuộc trò chuyện kéo dài, vượt quá thời gian dự kiến. Khi khách ra về, dân làng tiễn bằng những cái vẫy tay lưu luyến. Ngồi trên con đò máy xé sóng găm mũi vào bờ, tôi nhìn lại, vẫn thấy anh Thuộc, anh Thân, anh Nhân, anh Phong, chị Út Nhoa, chú Trần Tầm... đứng trên nhà bè nhìn theo. Nhưng trên mỗi gương mặt không còn là nét khắc khổ, ảm đạm nữa, mà là những nụ cười tươi nhân lên niềm vui xuân ấm giữa sóng nước Sê San.
Một cuộc sống mới đã theo mùa xuân đến với làng chài!
Bài, ảnh: Thành Hưng