27/10/2016 09:41
Hiểm và độc
Ngày 20/10, cùng các cán bộ Công ty CP Môi trường đô thị Kon Tum đi kiểm tra, khảo sát thực trạng hệ thống cây xanh đô thị Kon Tum trên một số tuyến phố chính, tôi không khỏi xót xa khi phải chứng kiến những cây xanh đang chết dần chết mòn vì những hành vi phá hoại hiểm và độc của một số người.
Phổ biến nhất hiện nay là hành vi lột bỏ hoàn toàn phần vỏ dưới gốc cây, khiến cây cứ thế chết dần chết mòn.
|
Trên đường Phan Chu Trinh, trước số nhà 33, có 1 cây bằng lăng đường kính hơn 30cm bị lột vỏ, bắt đầu rụng lá; trước nhà số 676 đường Phan Đình Phùng có một cây xà cừ đường kính gốc lên tới 80cm, cao 16m bị bóc vỏ quanh gốc, nguy cơ chết là rất cao; trên đường Nguyễn Sinh Sắc có 2 cây xà cừ và 1 cây muống hoa đào, đường Bắc Kạn có 1 cây phượng vàng, đường Bà Triệu có 1 cây hoàng yến, đường Nguyễn Viết Xuân có 1 cây sấu, đường Hoàng Thị Loan có tới 3 cây xà cừ bị hại bởi phương thức này...
Hiểm độc hơn, có người còn nghĩ ra phương thức triệt hạ cây xanh “quái đản” là khoét lỗ nhỏ rồi bơm a-xít, dầu nhớt vào thân cây khiến chỉ vài tuần sau cây héo rũ mà chết; dùng muối chôn xuống gốc cây để cây chết dần chết mòn.
Sáng 20/10, chúng tôi phát hiện ở trước nhà số 363, đường Trần Hưng Đạo có một cây xà cừ cao 12m, đường kính gốc tới 60cm lá héo rũ và có dấu hiệu chết dần.
Theo một người dân, cây xà cừ này đã hơn 10 tuổi, vốn có sức sống khá tốt, không dễ dàng chết một cách lạ lùng như vậy. Kiểm tra thực tế thì giật mình khi thấy cây có hiện tượng thối gốc, thì ra xung quanh bị người ta khoan nhiều lỗ và đổ hóa chất vào cho cây chết từ từ, tránh sự phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng. Nhìn mà xót vô cùng.
|
Tương tự, trên đường Nguyễn Viết Xuân, đoạn gần ngã ba Phan Chu Trinh - Nguyễn Viết Xuân có một cây sao đen đang phát triển bình thường bỗng dưng héo dần, rụng hết lá rồi... chết khô. Theo những công nhân chăm sóc cây xanh có kinh nghiệm, thì cây này đã chết vì bị tưới... nước muối lâu ngày.
Chỉ kiểm đếm sơ bộ ở 6-7 tuyến đường trong ngày 20/10, chúng tôi đã phát hiện hàng chục cây xanh bị “bức tử” bởi những chiêu như vậy. Nếu kiểm đếm hết toàn bộ các tuyến đường ở nội thành thành phố, tôi tin rằng số lượng cây xanh đường phố bị hại sẽ lớn hơn.
Qua tìm hiểu được biết, việc phá hoại cây xanh thường vì các lý do: cây xanh ảnh hưởng đến lối ra vào, tán cây che mặt tiền kinh doanh, che khuất bảng hiệu, bảng quảng cáo, thậm chí là vì không tốt về mặt phong thủy, muốn thay cây khác… Như trên đường Trần Phú, đoạn đối diện Tòa án nhân dân tỉnh vốn có 2 cây sao đen đường kính gốc khoảng 25-30cm, bị người dân cưa gốc cây lột vỏ cho chết khô, rồi trồng thay thế bằng 2 cây lộc vừng.
Chưa ai bị phạt nên... không sợ
Ông Nguyễn Đình Chương - Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Kon Tum bức xúc: Phải mất hàng chục năm với bao sức người sức của mới có thể nuôi sống và giữ gìn một cây xanh che mát và điều hòa không khí cho đường phố đô thị, thế nhưng chỉ vì lợi ích cá nhân, một số người dân đã phá hoại một cách không thương tiếc…
Đây rõ ràng là hành vi vi phạm pháp luật và không thể chấp nhận được, cần xử lý nghiêm, tránh tạo ra tiền lệ xấu. Tuy nhiên, do mức chế tài hiện nay đối với hành vi xâm hại cây xanh còn quá nhẹ, không đủ mức răn đe, mặt khác, có lẽ là do vì chưa có ai bị phạt cả, nên người ta không sợ.
Còn ông Phạm Hoàng Đăng - cán bộ Công ty CP Môi trường đô thị cho biết: Mỗi khi phát hiện vụ việc chúng tôi đều báo với phường, đơn vị quản lý đô thị để phối hợp cùng giải quyết, vì chúng tôi không có chức năng xử phạt mà chỉ phối hợp kiểm tra. Nhưng từ trước đến nay, chưa ghi nhận được đối tượng nào bị xử phạt, do các hành vi này thường diễn ra vào ban đêm, âm thầm và lén lút nên dù phát hiện cây chết cũng không phạt được vì thiếu chứng cứ.
Nói về việc xử phạt các hành vi “bức tử” cây xanh, bà Trần Thảo Linh Tuyền - cán bộ Phòng Quản lý đô thị thành phố Kon Tum, người trực tiếp tham gia kiểm tra tình trạng 2 cây xà cừ trước số nhà 363 đường Trần Hưng Đạo và số nhà 676 đường Phan Đình Phùng thông tin rằng hành vi này vi phạm Nghị định 64/2010/NĐ-CP về quản lý cây xanh đô thị và các quy định của tỉnh về quản lý hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa trên địa bàn.
Vỉa hè trồng cây xanh là đất công, kinh phí đầu tư cho việc trồng, chăm sóc, bảo quản cây xanh từ nguồn ngân sách nhà nước. Do vậy, việc phá hoại hàng loạt cây xanh đường phố như trên Hoàng Thị Loan hay Phan Chu Trinh không đơn thuần là hành vi vi phạm hành chính, mà phải xem đó là hành vi phá hoại tài sản Nhà nước, hủy hoại môi trường. Việc xâm hại cây xanh không chỉ gây thiệt hại về mặt kinh tế, mà còn làm ảnh hưởng đến vấn đề môi sinh.
Tuy nhiên, bà Tuyền cũng cho hay, việc bảo vệ cây xanh rất khó vì các đối tượng phá hoại ra tay vào ban đêm, hoặc làm cây chết từ từ, dù biết chính xác người vi phạm nhưng đối tượng phủ nhận hoàn toàn sự việc mình làm thì cơ quan chức năng cũng chịu bởi không có căn cứ gì để xử lý do không bắt được quả tang.
Theo ông Chương, để có thể bảo vệ cây xanh đường phố tốt hơn, các cơ quan có thẩm quyền nên xem xét, quy định các mức chế tài cụ thể và thật nặng đối với các hành vi xâm hại, chặt phá cây xanh, thậm chí có thể xử lý hình sự đối tượng này thì mới đủ sức răn đe. Mặt khác, cũng nên quy định trách nhiệm quản lý cây xanh trước mặt tiền của các hộ dân, cơ quan đơn vị và buộc họ có trách nhiệm bảo vệ cây xanh.
Đồng thời, thông qua các kênh truyền thông là các tổ chức xã hội ở địa phương tích cực tuyên truyền cho người dân về ý thức bảo vệ cây xanh, bảo vệ môi trường; lập quỹ khen thưởng đối với cá nhân phát hiện, thông báo kịp thời về các hành vi xâm hại, chặt cây xanh để khuyến khích việc bảo vệ cây xanh. Có như vậy chúng ta mới bảo vệ được lá phổi xanh của thành phố - ông Chương kiến nghị.
Thành Hưng