11/11/2017 07:11
Giữ rừng như giữ nhà
Mới hơn 5h sáng, già làng A Phong (làng Vi Pờ Ê 2, xã Pờ Ê, huyện Kon Plông) cùng con trai đã thức dậy, lục đục nấu cơm, nướng cá, soạn bầu nước, chuẩn bị cho chuyến đi rừng. Ánh đèn hắt ra từ gian bếp xua đi hơi lạnh đại ngàn.
Ở một góc làng khác, ngôi nhà của trưởng thôn A Tun cũng “mở mắt” thức dậy. Tiếng chuẩn bị đồ ăn, thức uống lịch kịch. Tiếng A Tun dặn vợ: Ở nhà, nhớ nhìn vườn rau mới trồng, đừng để con heo, con gà vô phá mất...
|
Tiếp đó, cánh cửa ở nhiều ngôi nhà khác cũng mở toang, bóng người tụ dần về đầu làng. Từ đầu năm 2016, khi làng được giao quản lý, bảo vệ hơn 55ha rừng đầu nguồn thì những chuyến đi tuần tra rừng như hôm nay trở nên quen thuộc với cha con già làng A Phong nói riêng, dân làng Vi Pờ Ê 2 nói chung.
Đứng trên con dốc, chỉ về hướng khu “rừng làng” hiện lên đen thẫm như con thú còn ngủ say dưới màn đêm, già làng A Phong rủ rỉ: Với người Hrê mình, rừng là nhà, là vườn, vừa thiêng liêng vừa gần gũi, nơi ôm ấp, chở che và nuôi sống người làng. Vì vậy, cha dạy con, con dạy cháu, đời đời người Hrê dạy nhau phải giữ rừng như giữ nhà.
Già A Phong thong thả cuốn điếu thuốc lá to như ngón tay, bật quẹt, châm lửa rồi quay sang nói với anh em: Hút bây giờ đi, lát vào rừng không hút nữa. Mấy thanh niên cũng loay hoay cuốn thuốc. Thoáng chốc mùi lá thuốc nồng nồng lan tỏa trong không khí ẩm ướt buổi sáng sớm.
A Tun cười: Chuẩn bị đến diện tích rừng mà làng được giao đất, giao rừng chăm sóc, quản lý và bảo vệ rồi. Có quy định rõ ràng những gì được làm, không được làm trong rừng rồi, nên dân làng biết rõ không được chặt phá cây rừng, lấn đất rừng làm nương rẫy, phải cùng tham gia bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng. Tất cả đàn ông, trai tráng trong làng được chia thành nhiều tổ, thay phiên nhau đi tuần tra bảo vệ rừng.
Như chợt nhớ lại chuyện vui, A Tun phấn khởi: Dân làng không bảo vệ rừng một mình, mà có hẳn mạng lưới liên kết quản lý, bảo vệ và phát triển rừng liên làng. Đặc biệt, đầu năm 2016, UBND huyện Kon Plông đã phê duyệt Quy ước cộng đồng của làng Vi Pờ Ê 2, Quy ước được già làng, Ban quản lý thôn thảo luận kỹ từng quy định, trên cơ sở tôn trọng luật tục của người Hrê mình và chấp hành đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Vì vậy, được dân làng chấp nhận và thực hiện một cách nghiêm túc...
Giữ rừng cho muôn đời sau
Trên thực tế, không phải đến khi hơn 55ha rừng đầu nguồn được giao cho làng thì người dân Vi Pờ Ê 2 mới biết phải bảo vệ rừng.
Vi Pờ Ê 2 nằm giáp tỉnh Quảng Ngãi về phía bắc, giáp xã Ngọc Tem về phía tây, giáp làng Vi Kờ Oa về phía đông và giáp làng Vi Pờ Ê 1 về phía nam, làng Vi Pờ Ê 2 - với hơn 50 hộ, gần 150 khẩu - lọt thỏm giữa những cánh rừng.
Từ bao đời, dân làng sống gắn bó với rừng, nên cánh rừng gần làng vẫn được người dân tự nguyện bảo vệ, vừa để có không gian duy trì những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình, vừa đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho cộng đồng dân cư.
Tuy nhiên, việc giữ rừng trước đây vẫn mang tính tự phát của mỗi người mà thôi. Thỉnh thoảng vẫn còn người lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, chặt cây về làm củi. Nhưng bây giờ thì khác, rừng đã được bảo vệ bài bản hơn, chặt chẽ hơn, với sự hỗ trợ của chính quyền.
|
Trưởng thôn A Tun hào hứng cho biết: Năm 2016, làng mình được giao đất giao rừng theo Chương trình “Hỗ trợ giao đất giao rừng, quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng và sinh kế gắn với rừng” do Viện Tư vấn Phát triển (CODE) hỗ trợ ngân sách và phương pháp thực hiện. Về phía chính quyền các cấp, hỗ trợ thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan như xây dựng và phê duyệt Quy ước quản lý, bảo vệ và phát triển đất rừng dựa vào luật tục cộng đồng; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng; tập huấn về các chính sách, chủ trương của Nhà nước trong quản lý, sử dụng và phát triển tài nguyên rừng...
Đặc biệt, dân làng còn nhận được sự hỗ trợ tích cực của làng Vi Ô Lăk, khi họ cử những người có kinh nghiệm trong việc quản lý rừng cộng đồng đến hỗ trợ, tập huấn về phương pháp xây dựng Quy ước cộng đồng, phương pháp xác định trạng thái, trữ lượng rừng bằng GPS và hỗ trợ hướng dẫn các thủ tục pháp lý về giao đất, giao rừng.
Trên cơ sở những bài học kinh nghiệm về tổ chức quản lý, bảo vệ rừng dựa vào luật tục của người Hrê, dân làng Vi Pờ Ê 2 đã thống nhất xây dựng một bộ Quy ước cộng đồng dựa vào luật tục trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của làng; tổ chức làm các vườn ươm cây bản địa và cây có giá trị kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên, không làm ảnh hưởng đến môi trường, sinh thái; kết nối, xây dựng mạng lưới quản lý, bảo vệ và phát triển rừng liên làng...
Quan trọng hơn, 20 hộ gia đình có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã thống nhất giao lại cho cộng đồng quản lý. Theo đánh giá của dân làng, đây là chuyện rất đáng ghi nhận, bởi từ xưa đến nay, đối với người Hrê thì rừng là tài sản chung của cộng đồng, chỉ có cộng đồng dựa trên luật tục mới có thể cùng nhau bảo vệ và cùng nhau hưởng lợi.
Già làng A Phong giải thích, dân làng quan niệm, từng hộ gia đình thì không thể bảo vệ rừng tốt như cộng đồng. Nếu giao rừng cho cá nhân hộ gia đình sở hữu 50 năm thì các thế hệ con cháu sinh ra sau này sẽ không còn gắn bó với rừng núi, vậy làm sao họ sinh sống và tồn tại. Còn nếu là rừng của cộng đồng thì mãi mãi là sở hữu chung của cộng đồng, của các thế hệ con cháu sau này của họ.
Ngoài ra, trong 2 năm qua, dân làng còn duy trì tốt hoạt động của “Quỹ nuôi dưỡng mầm non sinh thái văn hóa người Hrê” với sự hỗ trợ về tài chính của Viện CODE và chính quyền xã. Mục tiêu là hướng dẫn cho trẻ em trong làng - thông qua các hoạt động trực quan - các phong tục, lễ cúng truyền thống của dân tộc Hrê liên quan đến rừng (như lễ cúng Cây Thiêng...), từ đó, khơi dậy trong lòng các em tình yêu rừng cũng như lịch sử, văn hóa ứng xử của người Hrê đối với thiên nhiên...
Đây cũng là cách mà người Hrê truyền lại trách nhiệm giữ rừng cho con cháu đời sau - già A Phong hài lòng nói.
Thành Hưng