11/01/2022 06:02
Nắng trải vàng chiếu xuống từng bóng cây cổ thụ khiến làng cổ Kon K’tu thêm thơ mộng. Rảo bước về căn nhà sàn nhỏ bên vệ đường, tôi thấy chị em phụ nữ ở đây vẫn miệt mài dệt thổ cẩm dù số lượng khách mua hàng còn hạn chế. Ở mỗi nóc nhà, người dân cũng chuẩn bị ủ nếp, nấu rượu ghè để đón chào năm mới.
Những cổng chào bằng cây, bằng tre nứa đưa chúng tôi vào homestay Hnam Ya của anh A Kâm. Ngoài việc phục vụ vài du khách từ Huế mới vào lưu trú, anh A Kâm cũng tranh thủ kết tranh, trồng thêm hoa, cây cảnh, ủ nếp làm rượu ghè để sẵn sàng đón tiếp khách du lịch. “Mình vẫn tin rằng, nay mai, du khách sẽ tìm đến làng Kon K’tu” – anh Kâm nói với khách, cũng là để tự động viên chính mình.
Qua trao đổi, tôi được biết, năm 2019 cùng với một vài hộ dân khác trong làng, anh A Kâm đầu tư homestay với hy vọng có thêm nguồn thu. Anh được hỗ trợ vay 50 triệu đồng, đồng thời, tích góp thêm tiền để làm nhà sàn, nhà lưu trú và cải tạo cảnh quan. “Cũng phải 300 triệu đổ vào đây rồi. Tiền bỏ ra nhiều nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc thu lại “nhỏ giọt” lắm” – anh A Kâm trải lòng.
|
Năm trước, một tháng anh đón được vài đoàn khách. Còn năm nay, số lượng khách đến cơ sở đếm trên đầu ngón tay. Tuy vậy, vợ chồng anh không nản. Ngoài làm homestay, vợ chồng anh còn làm thêm mì, lúa… để có nguồn thu nhập trang trải cuộc sống và đầu tư. A Kâm bảo, dịch bệnh, việc phát triển du lịch là khó khăn chung, do đó, dù trước mắt không có nguồn thu nhiều từ du lịch, anh vẫn luôn sẵn sàng đầu tư cơ sở để phục vụ khách. “Nếu mình không đầu tư, chăm sóc, không cải tạo homestay, khi có khách, mình sẽ bị động. Mình vẫn nghĩ, tương lai làng mình sẽ đông khách du lịch như ngày trước” - anh A Kâm chia sẻ.
Từ căn chòi nhỏ, anh A Kâm chỉ về khoảng đất bên bờ sông. Khu vực ấy, còn ngổn ngang, anh đang có ý định sẽ đầu tư cải tạo, làm khuôn viên để du khách vừa hòa mình với cây cối, sông suối, vừa thưởng thức các món ăn dân dã ở địa phương. “Nguồn lực đến đâu mình làm đến đó. Thấy vậy chứ cũng tốn tiền lắm đấy”- anh A Kâm nói.
Khó khăn là thực trạng chung của du lịch hiện nay. Thế nhưng, mỗi người dân ở làng du lịch cộng đồng Kon K’tu vẫn luôn tin rằng, trong tương lai khi dịch được đẩy lùi, làng du lịch sẽ có cơ hội để phát triển.
Như homestay Juna, năm nay, chị Y Bom – chủ homestay thường ít khi mở cổng, một phần vì không có khách và một phần vì sợ dịch bệnh. Nhưng như thế không có nghĩa là nghỉ hẳn, vợ chồng chị vẫn luôn có ý tưởng cải tạo lại cảnh quan để đón khách trong thời gian đến.
Chị Bom nói rằng, “thời hoàng kim”, hầu như tuần nào, tháng nào homestay nhà chị cũng có khách đến tham quan, lưu trú. Khi ấy, thu nhập từ homestay đủ để trang trải cho cuộc sống. Tuy nhiên, điều làm gia đình chị vui nhất chính là việc làm homestay giúp mỗi thành viên trong gia đình mạnh dạn hơn trong giao tiếp, được giao lưu với nhiều người và mở mang tư duy, biết kết hợp nhiều loại hình phát triển kinh tế. Bởi thế, bây giờ, dù khó khăn, hai vợ chồng vẫn động viên nhau cố gắng duy trì.
Và để đảm bảo chất lượng phục vụ tốt nhất, thời gian qua, chị Y Bom đầu tư 300 triệu để xây dựng thêm nhà sàn, cải tạo, chỉnh trang cảnh quan ở khu vườn cạnh bờ sông.
|
Chị Y Bom dẫn khách ra khu vườn thơ mộng phía sau. Trên những chiếc bàn, ghế bằng gỗ lũa, chúng tôi có thể tận hưởng không khí trong lành và hơi nước từ dòng sông mát dịu. Chế ly trà đặc quánh mời khách, chị cười bảo, may mắn là vợ chồng chị không phải vay mượn tiền để đầu tư, nên mọi việc cũng tạm ổn.
Cùng với việc suy nghĩ cải tạo lại cảnh quan, chị còn cùng bố mẹ chuẩn bị ủ rượu ghè để phục vụ khi có du khách. Chị nói rằng, gà, nếp đã có sẵn, còn rượu ghè phải chuẩn bị trước. “Dù khó khăn, nhưng trong suy nghĩ, mình vẫn tin ngày mai mọi việc sẽ tươi sáng. Du lịch sẽ có cơ hội để phát triển” – chị Y Bom chia sẻ.
Là bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, theo chủ trương và để có thêm nguồn thu nhập cho gia đình, anh A Đưng cũng bắt nhịp với việc làm homestay. Tuy nhiên, không như nhiều gia đình khác, gia đình anh không bỏ quá nhiều vốn. Anh kể, từ năm 2014, anh xây dựng nhà sàn để ở. Đến năm 2019, thấy nhiều du khách ghé thăm làng, cần có chỗ nghỉ dưỡng, vợ chồng anh liền sử dụng ngôi nhà sàn để làm nơi lưu trú cho khách, lấy tên homestay Y Lệ. “Bây giờ, không có khách thì vợ chồng mình vẫn ở nhà sàn đó. Nếu nay mai có khách, thì mình sẵn sàng phục vụ thôi” – anh A Đưng nói.
Với vợ chồng anh A Đưng, homestay chỉ là nguồn thu thêm, còn việc làm chính vẫn là buôn bán và làm rẫy. Bởi thế, khi du lịch gặp khó, dù thu nhập ít hơn nhưng vợ chồng anh vẫn không đến nỗi khó khăn. Và cũng như nhiều hộ gia đình khác, vợ chồng anh cũng sẵn sàng phục vụ ẩm thực cũng như hỗ trợ du khách tìm hiểu các hoạt động văn hóa cộng đồng tại địa phương.
|
Con đường lởm chởm đất đá dẫn vào làng ngày nào đã được trải bê tông. Giữa năm 2020, làng du lịch cộng đồng Kon K’tu được UBND tỉnh công nhận điểm du lịch trên địa bàn thành phố. Đó là bước đệm giúp người dân nâng cao nhận thức và có đà để bắt nhịp phát triển du lịch trong thời gian đến.
Bà Y Khiêm – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Wa nói rằng, trong thời gian qua, UBND xã đã phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh dịch vụ homestay trên địa bàn thôn Kon K’tu tiếp tục cải tạo, nâng cấp homestay, cải tạo cảnh quan môi trường đi đôi với việc phát triển các ngành nghề truyền thống để thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
“Trong tháng 12/2021, đã có một số đoàn khách du lịch trong nước đến tham quan, trải nghiệm tại làng du lịch thôn Kon K’tu. Đó là một dấu hiệu đáng mừng, chứng tỏ dù khó khăn, dịch vụ du lịch cộng đồng được kích hoạt trở lại trong điều kiện “bình thường mới” – Phó Chủ tịch UBND xã Y Khiêm cho hay.
Hoài Tiến