17/04/2017 08:09
Theo lời giới thiệu của anh Trần Đình Trung - Phó trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Kon Rẫy, chúng tôi ghé đến xã Đăk Pne để mục sở thị những ngôi làng “giàu” chiêng. Tại nơi này, được chứng kiến, được nghe những câu chuyện giữ chiêng, mới thấy, mới hiểu được sự trân quý giá trị cồng chiêng truyền thống của bà con nơi đây.
Nhất quyết không bán chiêng
Cán bộ văn hóa xã – Nguyễn Thị Tố Như dắt chúng tôi đến nhà bà Y Kíp ở làng Kon Go I, thôn 2 – hộ gia đình còn lưu giữ bộ chiêng từ trước những ngày giải phóng.
Giữa trưa nắng nhưng bà Y Kíp vẫn niềm nở và tiếp đón khách rất nồng nhiệt. Cuộc nói chuyện đang rôm rả vậy mà khi cả đoàn hỏi đến bộ cồng chiêng trong nhà, bà Kíp liền xua tay, tỏ vẻ khó chịu và một mực bảo rằng nhà mình không có.
Khi biết cả đoàn chỉ tìm hiểu chứ không có ý mua bán, bà Y Kíp mới giãn cơ mặt rồi thật thà: Bộ cồng chiêng này là tài sản quý giá nhất của gia đình mình đấy. Ai vô hỏi mình cũng nói không có, mình sợ bị mất trộm lắm.
Bộ cồng chiêng với 3 cồng, 6 chiêng được bà Y Kíp cất giữ ở một nơi an toàn, phải khi nào có lễ hội vui hoặc trong xã mượn, bà mới đem ra.
Bà Kíp kể rằng, bà không biết bộ cồng chiêng này bao nhiêu tuổi, bà chỉ biết rằng, “vật báu” này được vợ chồng bà mua từ những ngày trước giải phóng.
“Hồi đó đói khổ lắm, cơm ăn bữa đói bữa no nhưng vợ chồng mình đã đổi 2 con heo để lấy bộ cồng chiêng này đấy. Nhiều người vào hỏi mua lắm nhưng mình nhất quyết không bán” – bà Kíp nhớ lại.
|
Gia đình bà Y Kíp rất “thơm thảo”, mỗi lần xã có lễ hội, bà đều nhiệt tình cho mượn cồng chiêng để đánh vui hội. Nhưng những ai đã mượn đều phải giữ gìn cẩn thận, không được để chiêng rớt, hư hỏng, bởi nếu bộ chiêng có “mệnh hệ” gì, bà sẽ không bỏ qua.
“Mình muốn tiếng cồng chiêng phải vang vọng trong các lễ hội, muốn con cháu biết về văn hóa cồng chiêng nên mình hay cho mượn. Mình rất sợ cồng chiêng bị thất lạc và hư hỏng nên ai mượn phải đều hứa giữ gìn cẩn thận cho mình” - bà Y Kíp nói.
Rời nhà bà Y Kíp, chúng tôi tiếp tục ghé đến hộ gia đình anh Đinh Nan (1972) ở làng Kon Túc.
Khi chúng tôi vừa hỏi đến bộ chiêng, vợ anh Nan – chị Y Nấp liền đi từ dưới bếp lên, nói bằng tiếng Ba Na, đại ý dặn chồng đừng đem chiêng ra cho người ngoài xem và nhất quyết không được bán. Mãi đến khi biết cả đoàn chỉ muốn tìm hiểu, chị mới vui vẻ cho chồng mang cồng chiêng ra.
Cả hai vợ chồng anh Nan đều không biết bộ chiêng gồm 8 chiêng, 3 cồng của nhà mình tên là gì. Anh Nan chỉ biết rằng, đây là “của cải” cha mẹ để lại cho anh.
“Với nhà mình, chiêng này quý giá lắm! Đói khổ thì ăn mắm, ăn muối hoặc đi vay đi mượn chứ mình không bán với bất cứ giá nào đâu” - anh Nan quả quyết.
Ngoài anh Nan, đến nay, 3 anh chị em khác của anh: A Zâr, A Zit, chị Y Lỗ (đều ở xã Đăk Pne) - mỗi người đều có 1 bộ chiêng do cha mẹ để lại. Và điều đặc biệt, tất cả đều giữ gìn cồng chiêng cẩn thận, chỉ khi nào trong làng có lễ hội, mới mang ra đánh.
Không riêng gì 2 hộ bà Y Kíp và anh Đinh Nan, trên địa bàn xã Đăk Pne có đến 40 hộ có cồng chiêng; một số hộ còn giữ 2 bộ chiêng.
Anh A Nghin - Xã đội trưởng xã Đăk Pne nói rằng, ngày trước cũng có nhiều người vào làng hỏi mua cồng chiêng nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu của bà con.
“Ai cũng nói không có chiêng cả, có người còn đem chiêng ra nhà đầm (nhà ở ngoài rẫy của bà con - PV) để giữ cho khỏi mất chiêng. Nhờ vậy, trong làng, trong xã mới còn nhiều cồng chiêng như vậy” - anh A Nghin nói.
Của để dành
Bà Y Kíp nói rằng, bộ cồng chiêng là báu vật của gia đình bà. Có những lúc kinh tế yếu kém, gia đình túng thiếu nhưng bà vẫn không vì khó, vì khổ mà đổi cồng chiêng. Đặc biệt, bà bảo, có bộ cồng chiêng trong nhà, bà tự hào lắm.
“Mình thích nghe tiếng vang vọng của cồng chiêng nơi rừng núi. Lễ hội mà không có cồng chiêng là không vui, không còn tính chất của lễ hội nữa đâu” - bà Kíp nói.
Bà Y Kíp khoe rằng, nhờ trong nhà có cồng chiêng nên các con trai của bà đánh cồng chiêng rất giỏi và đều có mặt trong các hội thi cồng chiêng của huyện, của tỉnh.
“Những lúc trong nhà có tiệc mừng, mình lại lấy cồng chiêng ra cho con và mọi người đánh. Từng nhịp chiêng, nhịp cồng hòa vào tiếng rừng, tiếng núi, tiếng suối cứ vang vọng, như hân hoan chia vui cùng gia đình đấy” – bà Y Kíp phấn khởi.
Đối với người dân nơi đây, cồng chiêng còn thể hiện sự giàu có của các gia đình, dòng họ. Gia đình nào có nhiều cồng chiêng cổ đều được cộng đồng kính trọng. Chính vì vậy, bà Y Kíp bảo rằng, sau này sẽ chuyển bộ cồng chiêng làm của để dành cho các con.
“Mình không biết giá trị vật chất ra sao nhưng cồng chiêng có giá trị tinh thần rất to lớn. Trước khi chuyển cho con, mình cũng căn dặn các con không được bán dù là giá nào” – bà Kíp nói.
Năm nay anh Đinh Nan chỉ mới 45 tuổi nhưng anh bảo rằng, anh sẽ giữ bộ cồng chiêng để sau này làm của để dành cho các con của anh. “Âm thanh của bộ cồng chiêng này tuyệt vời lắm. Mình sẽ để dành lại cho các con, để sau này các con có cồng chiêng để bảo tồn, nối tiếp các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình” – anh Nan nói.
|
Hay như anh A Sngơnh (24 tuổi) ở làng Kon Túc cũng vậy, dù 3 chiếc cồng bố mẹ để lại đã hư hỏng theo thời gian nhưng anh vẫn không vứt bỏ mà cất giữ cẩn thận. Anh bảo rằng, dù hư nhưng trong từng cái cồng vẫn có những giá trị tinh thần sâu sắc. Anh sẽ giữ lại để sau này, khi các con lớn, anh sẽ trao lại cho các con.
Nhờ việc giữ gìn cồng chiêng mà đến nay tiếng cồng chiêng ở xã Đăk Pne vẫn vẹn nguyên giá trị. Âm thanh khi ngân nga sâu lắng, khi thôi thúc, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió và tiếng lòng sẽ sống mãi với đất trời và con người nơi đây.
“Hiện tại, xã đang triển khai đề án phát triển du lịch. Khi nào đề án triển khai, chúng tôi sẽ tổ chức truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ, để các em hiểu, biết và giữ gìn giá trị truyền thống của dân tộc” – chị Tố Như cho biết.
Bình An