Về Rờ Kơi

22/08/2017 07:06

Những con đường gian truân, những đứa trẻ mục đồng hồn nhiên dưới trưa nắng, những mái nhà thấp với cây cối xanh mát là ấn tượng của chúng tôi khi đặt chân đến mảnh đất biên giới Rờ Kơi (huyện Sa Thầy). Không bon chen, không xô bồ, ở nơi có đến 569 hộ nghèo này, bà con đôn hậu, chất phác, chân tình như cái cây, ngọn cỏ. Đêm đến, dưới mái nhà rông cao vút, cùng các nghệ nhân đắm mình trong tiếng cồng chiêng vang vọng; da diết trong các làn điệu dân ca hòa với ting ning...

Con ngựa sắt như hờn dỗi, cứ nảy mình liên tục khi chúng tôi quyết định vào Rờ Kơi. Ngay cả chị bạn tôi, ban đầu khá hào hứng với chuyến đi nhưng rồi như muốn bỏ cuộc dù hành trình mới chỉ bắt đầu. Chị bạn cứ hỏi, rốt cuộc trong đó có gì hay mà đường vào gian truân quá vậy?

Thực ra Rờ Kơi cũng chẳng xa xôi gì, chỉ khoảng 15km kể từ trung tâm huyện Sa Thầy. Thế nhưng nơi này ít người vào ra cũng bởi đường sá khó khăn. Suốt hơn nửa quãng đường là đá cuội lởm chởm, dù đã ghì tay lái, chân chủ động rà hai bên để giữ thăng bằng nhưng nhiều lúc bánh xe cứ trượt dài, thiếu điều cả người và xe… “bắt ếch” giữa đường.

Hơn 1 tiếng gồng mình dưới cái nắng chói chang, cộng với việc “nhảy ngựa” trên đường, ai nấy đều hoa cả mắt. Ấy thế nhưng, chỉ vừa đến làng, cảm giác mệt mỏi như giảm được phần nào.

Người dân nơi đây giữ gìn cẩn thận các trang phục truyền thống. Ảnh: B.A

 

Sau bao nhiêu năm, giờ quay lại, cảnh vật ở Rờ Kơi vẫn vậy, vẫn mộc mạc, hiền hòa. Mừng làm sao khi trụ sở UBND xã đã được làm mới, khang trang, sạch đẹp hơn; các ngôi trường cũng được trang bị cơ sở vật chất, đảm bảo cho quá trình dạy chữ, trồng người.

Trước nhịp sống xô bồ, Rờ Kơi vẫn yên bình. Chẳng ganh đua, cạnh tranh, cư dân nơi đây với 85% là đồng bào DTTS vẫn túc tắc bám ruộng, bám rẫy. Cũng bởi hiền, ít va chạm, ít tiếp xúc với cái mới nên người dân chỉ lao động bằng tay chân, chưa mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Nếu như nói Rờ Kơi không phát triển thì không hẳn, nhưng nơi đây vẫn đang cố vươn mình. Cách đây vài năm, tại mảnh đất biên giới này, bà con chủ yếu canh tác lúa, trồng xen bắp, rau, đậu các loại. Nay đi khắp xã, cà phê cao su, bời lời đã phủ xanh mát; từng đàn bò, đàn dê béo trục trịch thong thả gặm cỏ trên các cánh đồng.

“Xã đã có hơn 106ha cà phê, 328ha bời lời, 926ha cao su, 15ha mía rồi đấy. Nay mai thôi, khi các diện tích cây công nghiệp cho thu hoạch, đời sống kinh tế nơi đây sẽ bước sang một trang mới” - ông A Dẻo - Chủ tịch UBND xã phấn khởi khoe.

Xuất phát điểm thấp nhưng xã Rờ Kơi vẫn nỗ lực phấn đấu đạt 6/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Có gì góp nấy, có của góp của, có công góp công, bà con luôn cố gắng giữ gìn và chung tay phát huy những kết quả đạt được.

Những con đường gian truân, những đứa trẻ du mục hồn nhiên, những mái nhà thấp với cây cối xanh mát là ấn tượng của chị bạn tôi khi lần đầu tiên từ thành phố đặt chân đến nơi đây. Nhưng, điều làm chị bất ngờ chính là tình người. Chị bảo, ở đây dù nghèo của nhưng tình cảm thì có đâu bằng. Chẳng cần biết bạn là ai, từ đâu đến, đến với mảnh đất này, đều nhận được sự đón tiếp nồng hậu, chân thành. Có được bầu nước ngon, bà con cũng nhiệt tình đãi khách; chỉ cần hỏi đường, bà con cố gắng nói thật rành mạch tiếng Kinh để hướng dẫn, thậm chí tận tình gác việc, dẫn khách đến tận nơi…

Trong thời chiến, Rờ Kơi được gọi là mảnh đất cách mạng khi có nhiều anh hùng dũng cảm chiến đấu, hy sinh để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc. Nay, trong thời bình, hình ảnh Bác Hồ từ cuộc đời thực đã đi vào sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người dân nơi đây một cách tự nhiên và sinh động.

Bà con nơi đây treo ảnh Bác, học và làm theo lời Bác dạy. Ảnh: B.A

 

Nơi đây, hầu như nhà nào cũng treo ảnh Bác Hồ để thể hiện lòng thành kính, nhiều nhà còn lập bàn thờ Bác, luôn hướng đến Bác, nghĩ về Bác. Và rồi đâu chỉ kính trọng Bác, người dân nơi đây còn quyết tâm học tập, làm theo lời Bác dạy.

Có lần, ông A Dun – người dân trong làng Rờ Kơi thủ thỉ với chúng tôi: Bác từng nói rằng “Làm nghề gì cũng phải học”, theo lời Bác dạy, dù khó khăn, khổ cực nhưng mình đều động viên, nhắc nhở con cái học tập cho thành tài. Đến nay, 4 người con của mình đều ăn học đại học, cao đẳng đầy đủ, hai người đã có việc làm ổn định rồi. Các cô còn trẻ, cố gắng học hành cho thành tài để sống có ích cho xã hội.

Còn ông A Nghinh ở làng Rờ Kơi cũng bảo rằng, không chỉ động viên con cái chăm chú trau dồi kiến thức, ông còn nhắc các con, các cháu tu rèn đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với xã hội, gia đình..

Nghe theo Bác, dù vất vả với công việc đồng áng để lo cho kinh tế nhưng bà con nơi đây vẫn đoàn kết, quyết tâm giữ gìn đời sống văn hóa tinh thần, giữ các nét văn hóa trong phong tục, lễ hội của dân tộc.

Ban ngày làm lụng vất vả nhưng đêm lại, mỗi gia đình lại rộn rã tiếng cười, tiếng hát. Bà con vẫn giữ hết những lễ hội truyền thống của người H’Lăng (một nhánh của dân tộc Xê Đăng): ăn mừng lúa mới, lễ giọt nước… Và trong những ngày hội, không phân biệt giàu nghèo, bà con lại cùng nhau quây quần bên ché rượu ghè, chia sẻ cho nhau những niềm vui, nỗi buồn, cùng động viên nhau cố gắng vươn lên trong đời sống.

Chúng tôi đã thật sự ngạc nhiên khi biết tại mảnh đất nhiều khó khăn này lại có đến 6 nghệ nhân ưu tú. Nghệ nhân ưu tú A Hia ở làng Rờ Kơi đã 80 tuổi, mắt đã mờ, chân tay đã run nhưng hằng ngày vẫn chế tác các nhạc cụ dân tộc: ting ning, Klông Pút… Cứ ngồi và lắng nghe già Hia đánh đàn cùng với tiếng hát dân ca mộc mạc, trong trẻo của bà Y Yer (vợ già Hia) mới thấy cuộc sống bình yên xiết bao.

Nào chỉ có già A Hia, nghệ nhân ưu tú A Bình, A Won, A Deng, A Điêng… dù tóc đã bạc, lưng đã còng nhưng ngày ngày vẫn ra sức truyền dạy cho thế hệ trẻ học đánh cồng chiêng, các nhạc cụ dân tộc để giữ lại truyền thống văn hóa.

Người dân giữ gìn những nhạc cụ, giai điệu dân ca của dân tộc Xê Đăng. Ảnh: B.A

 

Về Rờ Kơi, như được lạc vào một lễ hội văn hóa thu nhỏ. Không chỉ được nghe chiêng, nghe nhạc, chúng tôi được xem bà con trình diễn điệu múa Chiêu truyền thống; được xem các chị, các mẹ miệt mài những khung cửi để dệt nên những bộ trang phục truyền thống; được nghe các câu chuyện về giữ những chiếc ghè thiêng hay nỗ lực cố gắng giữ gìn việc làm trống da bò, làm những chiếc ghế mây…

Văn hóa là nguồn vốn quý báu, thiêng liêng của một dân tộc, trước cuộc sống đô thị hóa ngày càng phát triển, thật đáng mừng khi người H’Lăng nơi đây vẫn đang giữ gìn và phát huy tốt nhất bản sắc văn hóa dân tộc Xê Đăng mình.

Một ngày rong ruổi khắp đường làng, ngõ xóm tại xã Rờ Kơi, chân tay dù tê nhức nhưng tinh thần thật phấn khởi. Tấm lòng, sự nỗ lực trong phát triển kinh tế và giữ gìn bản sắc văn hóa nơi đây đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng khách đến. Mới đầu có mấy ai muốn đi, vậy mà giờ đây, khi quay trở về, cảm giác lại bịn rịn đến lạ…

Bình An 

Chuyên mục khác