Về nơi cơn lũ đi qua

27/08/2018 13:08

​Lũ dữ đi qua xã Đăk Long (huyện Đăk Glei) đã khiến nhiều công trình cầu cống, tuyến đường ở bị sụt lún, sạt lở; 29 ngôi nhà bị hư hại và hơn 30ha cây trồng bị cát đá vùi lấp, hoặc ngập úng; hàng chục gia súc bị nước cuốn trôi… Hơn lúc nào hết, nhân dân địa phương đang cần lắm sự sẻ chia để vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Sáng 21/8, sau gần 1 tuần các đợt mưa lớn kèm theo nước lũ đổ về gây thiệt hại nặng nề cho xã Đăk Long, phóng viên Báo Kon Tum đã trở lại địa phương này. Thế nhưng, tuyến đường huyết mạnh nối từ xã Đăk Môn và Đăk Long vẫn chưa thể lưu thông được, hơn 6.000m3 đất đá từ latuy dương bị sạt lở, sụt lún tạo thành lớp bùn đặc quánh tràn ra hết lòng đường với độ dày từ 1-1,5m.

Xử lý sạt lở đường vào xã Đăk Long

 

Xã Đăk Môn và xã Đăk Long đã hợp đồng với doanh nghiệp đưa xe máy xúc, máy đào vào xúc bùn đất, dọn mặt đường, khẩn trương mở nút thắt giao thông đi xã Đăk Long nhưng khối lượng đất đá sạt lở còn khá lớn. Nóng lòng vào xã Đăk Long, chúng tôi đành liều đi chân trần, dẫm lên lớp đất sình lầy với lởm chởm đá sỏi để vào xã.

Sau 30 phút đi bộ, địa phận xã Đăk Long bị cô lập bao ngày hiện ra trước mắt chúng tôi. Những con đường giao thông, cầu treo dân sinh, cầu tràn đi vào khu sản xuất… bị sụt lún, đứt toác mặt đường, hoặc bị lũ cuốn trôi. Nhiều khu dân cư còn mênh mông nước vây quanh, người dân không dám ra khỏi nhà.

 Lúc này, chúng tôi gặp đoàn cán bộ xã, mỗi người mặc một chiếc áo mưa, đi chân trần hoặc mang ủng để đến các thôn nắm bắt tình hình, thống kê thiệt hại và ghi nhận nhu cầu thiết yếu của người dân.

Trên đường đi, Chủ tịch UBND xã Đăk Long - A Thai chỉ cho chúng tôi những quả đồi chạy dọc những con đường giao thông liên xã, liên thôn và bao bọc phía sau khu vực nhà dân ở 9 thôn đang trong tình trạng “no” nước, nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào.

Anh Thai nói: Tôi lo lắm, mưa lớn kéo dài từ cuối tháng 7 đến nay, mấy quả đồi bao quanh xã, thôn trước giờ xanh um cây cối, nhưng giờ từng mảng lớn cây cối cứ tróc gốc đổ ngã xuống, theo nước lũ cuốn ra sông, suối. Nhiều nơi, dòng nước lũ đã làm thay đổi dòng chảy các con suối; các công trình cầu tràn, đường giao thông bị nứt toác, sụt lún, chia cắt đường vào khu sản xuất ở các thôn Đăk Tu, Vai Trang, Pêng Blong, Đăk Ôn, Long Yên…

Anh Thai còn thông tin, ngày 8/8 đến 20/8, nước lũ đổ về ngập cầu tràn từ thôn Đăk Ak đi vào 2 thôn Đăk Ôn và Long Yên có lúc cao hơn mặt cầu đến 70cm, gây cô lập hoàn toàn 50 hộ dân phía trong. Nếu trời vẫn cứ mưa, nước lũ tiếp tục đổ về thì xã vẫn mênh mông nước. Chắc chắn, nhân dân sẽ bị rét, bị đói và nguy cơ dịch bệnh có thể xảy ra.

Đến khoảng 10h trưa, cán bộ xã bớt lo, khi mưa bắt đầu ngưng hẳn, nắng đã về trên xã Đăk Long. “Nước ngập cầu tràn dẫn vào thôn Đăk Ôn, Long Yên đã xuống còn chừng 10cm và không còn chảy siết” - Chủ tịch UBND xã A Thai  sau khi điện thoại liên lạc với ông A Sên - Bí thư Chi bộ thôn Đăk Ôn nắm tình hình cho biết.

Khoảng mươi phút, ông A Sên đã lội nước qua cầu tràn gặp chúng tôi. Ông Sên cho biết, 12 ngày qua (8-21/8), khoảng 50 hộ dân với 150 khẩu của 2 thôn Đăk Ôn và Long Yên bị cô lập hoàn toàn chưa ra xã được. Chi bộ 2 thôn chỉ biết vận động 50 hộ dân san sẻ từng chén gạo, từng túm thóc giống để cầm cự qua ngày. Tuy nhiên đến nay, nhà nào cũng kiệt quệ lương thực, nhu yếu phẩm. Hộ có con heo, con gà thì giết thịt chia nhau. Mưa nhiều cũng làm 4 căn nhà của dân bị xói lở phần nền, móng; chừng 8ha cây trồng bị ngập nước, 4 con trâu, bò bị lũ cuốn trôi...

“Bà con trong làng mong muốn cán bộ các cấp sớm huy động nguồn lực, cấp gạo cho dân ăn lấy lại sức để sửa sang lại mái nhà bị dột nát, trồng lại hoa màu, khắc phục đường giao thông, cầu cống, ổn định cuộc sống” – ông A Sên kiến nghị.

Đến 11h trưa, trời nắng gắt, bà con tranh thủ đưa quần áo ra phơi phóng, quét dọn nhà cửa, đưa đàn gia súc đi ăn cỏ ở các bãi đất trống trước nhà rông của thôn.

Tại thôn Đăk Ak, chị Y Thăck vừa dọn dẹp nhà cửa, vừa tranh thủ khiêng bao lúa 50kg đổ ra phơi trên tấm nhựa trước sân. Chị giãi bày, bao lúa này được gia đình dành dụm làm hạt giống để gieo trồng các vụ năm sau. Nhưng không ngờ mưa lũ ập đến, nhà hết tiền mua gạo, chị đành phải lấy lúa dự trữ này ra để xay xát lấy gạo làm lương thực cho cả nhà.

“Gia đình mình có 2 sào lúa gần chân suối đã bị ngập úng nước. Một con trâu duy nhất của nhà đi qua cầu treo cũng bị nước lũ cuốn trôi. Mưa nhiều ngày, đường ra xã Đăk Môn bị tắc, chồng mình không đi làm thuê được, nên không có tiền mua gạo. Sáng sớm nay, trong nhà không có gì ăn, nên chồng đã đi ra suối giăng lưới bắt cá. Sắp tới, mấy đứa nhỏ đi học không có tiền mua sách vở, quần áo, dép mới…” - chị Y Thăck than thở.

Cơn lũ lớn đi qua, xã có rất nhiều gia đình bị thiệt hại nặng và xã đang thực hiện thống kê. Trong đó, có gia đình anh A Tăng ở thôn Đăk Tu bị lũ cuốn mất 1,2ha cây cà phê 1 năm tuổi. Anh nói, gia đình đã vay vốn 50 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư vào rẫy cà phê này vào đầu năm 2017. Cạnh rẫy của anh còn có 3 gia đình khác trồng 3ha cà phê, dọc con suối thôn Đăk Tu.

“Sớm ngày 15/8, mấy hộ đi rẫy trước đã thấy nước lũ dâng lên vượt hẳn ngọn cây cà phê non, nên chạy đến nhà tôi thông báo. Nhưng khi chạy ra bờ suối, tôi thấy nước chảy cuồn cuộn kéo theo đá sỏi, cát cứ tấp vào gốc cây cà phê, dần dà cả vườn cà phê của 4 nhà chìm trong nước. Cả mấy ông chồng chỉ biết đứng nhìn, còn mấy bà vợ xót của thì ôm nhau khóc, lo sợ nợ nần” - anh Tăng giãi bày.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, khi trên địa bàn xã liên tiếp có những đợt mưa lớn, xã đã vận động, hỗ trợ di dời 17 hộ dân ở vùng nguy hiểm có thể xảy ra sạt lở cao. Mặt khác, nhắc nhở bà con tích trữ lương thực, đưa đàn gia súc, gia cầm đến khu vực an toàn. Thế nhưng, lũ đổ về quá nhanh, cộng mưa lớn kéo dài, khiến cho địa phương gặp nhiều khó khăn trong phòng, chống lũ.

Theo báo cáo nhanh của xã Đăk Long, lũ đi qua, 9 thôn của xã có 29 căn nhà bị sạt lở, ngập nước; hơn 30ha cây trồng bị vùi lấp hoặc ngập úng; 8 ao cá bị vùi lấp, san bằng; hơn 20 loại máy công nông, phục vụ sản xuất của bà con để ở rẫy cũng bị cuốn theo dòng nước lũ; 15 con trâu, bò, dê bị chết; 1 chuồng chăn nuôi 17 con gia cầm cũng bị cuốn trôi theo lũ. Về cơ sở hạ tầng, có 5 tuyến đường bê tông liên thôn, đường nhựa liên xã Đăk Long - Đăk Nhoong và cầu tràn bị sạt lở, khoét sâu taluy âm, gây nguy hiểm đối với phương tiện lớn lưu thông.

Người dân xã Đăk Long đặt cây chắn lối cảnh báo những tuyến đường liên thôn bị sạt lở, nguy hiểm khi lưu thông

 

Bí thư Đảng ủy xã Đăk Long - Nguyễn Văn Vĩnh còn thống kê, khoảng 8 cầu treo, cầu tràn dân sinh nối liền với 5 tuyến đường giao thông liên xã Đăk Long - Đăk Nhoong, Đăk Long - Đăk Môn và tuyến giao thông liên thôn ra khu sản xuất… bị sạt lở, nước lũ cuốn trơ mố cầu, có nơi chân cầu sụt lún, thậm chí đứt gãy hoàn toàn. Ở các khu vực này, xã đều cử cán bộ cắm cọc, biển báo và trực nhắc nhở người dân tuyệt đối không vận chuyển hàng hóa cồng kềnh hay trọng tải lớn qua lại.

Cũng qua tìm hiểu của chúng tôi, không riêng 50 hộ dân ở thôn Đăk Ôn, Long Yên thiếu lương thực, mà ở các thôn còn lại như Đăk Tu, Vai Trang, Pêng Blong - bà con phản ánh do bão lũ về quá nhanh, nhiều nhà chưa kịp dự trữ nên thiếu lương thực và nhu yếu phẩm khác.

Trong lúc này, tư thương đã tăng giá bán buôn các loại nhu yếu phẩm, như giá bán 1 thùng mì tôm 180 ngàn đồng, tăng gấp đôi giá ngày thường; 1 lít xăng giá 30 ngàn đồng; gạo loại thường từ khoảng 12 ngàn đồng/kg nay đã tăng 18 ngàn đồng/kg; dầu ăn, muối, cá khô... tăng 2 ngàn - 5 ngàn đồng/loại mặt hàng (hoặc ký). Các loại rau xanh ở đây hoàn toàn không có, từ nhà dân đến các điểm kinh doanh hàng hóa nhỏ lẻ trong xã.

Trao đổi với chúng tôi, anh A Thai đề nghị cấp trên quan tâm, trước mắt cấp gạo cho 1.290 hộ dân bị thiệt hại do lũ gây ra; khám chữa bệnh và cấp thuốc cho bà con; huy động các lực lượng trong, ngoài địa phương tham gia tổng dọn vệ sinh môi trường... Về lâu dài, xã đề nghị các cấp quan tâm bố trí kinh phí khắc phục các công trình hạ tầng giao thông, phục vụ sản xuất, phục vụ dân sinh ở các thôn. Mặt khác, đề nghị hỗ trợ các hộ bị sạt lở đất ở, nhà có nơi ở mới ổn định; cấp cây giống, con giống cho bà con để khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.

Mai Trâm

Chuyên mục khác