Vẽ cuộc đời bằng đôi chân

28/10/2020 06:06

Những tưởng Y Julie (làng Kon Drei, xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum) không thể có cơ hội học tập bởi ngay từ khi sinh ra em đã không được may mắn như các bạn cùng trang lứa, bị khuyết tật cả 2 tay. Tuy nhiên, không đầu hàng số phận, Y Julie đã mạnh mẽ, nghị lực vươn lên trở thành người đầu tiên trong ngôi làng vùng ven thành phố đỗ 3 trường đại học.

Không đầu hàng số phận

Ngay từ khi sinh ra, số phận đã cướp đi đôi bàn tay của Y Julie. Không những vậy, chân phải bị cong lệch, cột sống vẹo và trên lưng có khối u rất to. Thấy sức khỏe Y Julie yếu nên vợ chồng chị Y Dzoar thường xuyên bế con lên viện thăm khám. Thương con và để con có thể đi lại được, vợ chồng chị Dzoar chạy vạy vay mượn khắp nơi để đưa Y Julie đi phẫu thuật nắn bàn chân thẳng lại. Sau thời gian chăm sóc, sức khỏe của Julie dần khá hơn.

Thấy con bị như vậy, vợ chồng chị Y Dzoar không hề nghĩ đến chuyện con sẽ đi học bởi vì 2 tay Y  Julie đã bị tật. Vì thế, vợ chồng chị Y Dzoar đành để con ở nhà.

Không được đi học như các bạn cùng trang lứa nên hàng ngày Y Julie đi theo các bạn đến lớp mẫu giáo đầu làng để nhìn các bạn học tập. Không được vào lớp, Julie chỉ biết nhìn lớp học qua cửa sổ. Thấy các bạn học viết chữ, Julie muốn lắm nhưng không biết làm thế nào. Thế rồi, về nhà, ngồi một mình trước sân nhà, Julie mày mò lấy cây khô kẹp vào chân tập viết lên nền đất. Những nét chữ đầu tiên cũng bắt đầu từ đây.

Cứ thế, hàng ngày, Julie âm thầm luyện chữ. Theo em chữ đầu tiên em luyện chỉ là những chữ cái mà em thấy bạn viết. Mới đầu chữ xấu, dần dà, luyện mãi chữ cũng đẹp lên. Để ghép được chữ, hàng ngày Julie đến lớp học tại làng nhìn và về luyện dần. Sau một thời gian tự luyện, Y Julie xin mẹ cho đi học nhưng vợ chồng chị Y Doar cũng chưa chịu. 

Thấy con cứ đòi đi học, vợ chồng chị Y Dzoar đành mua sách vở, bút về cho con tập viết. Và thật bất ngờ, khi vừa nhận được cuốn vở Julie liền lấy chân phải đè lên giữ cuốn vở, 2 ngón cái và trỏ của bàn chân trái kẹp cây bút nắn nót viết chữ.

“Mình không biết con học chữ từ đâu. Chỉ mới lần đầu cầm bút, vở nhưng bé đã viết được các chữ cái rồi. Sau này hỏi ra mới biết, con bé học chữ trong lúc đứng ngoài cửa sổ nhìn các bạn học” - chị Dzoar chia sẻ.

Y Julie viết bằng chân. Ảnh: P.N

 

Cũng từ sự ham học ấy, vợ chồng chị Dzoar quyết định xin cho con đi học. Được đi học Y Julie mừng lắm nên càng quyết tâm học tập hơn. Theo chị Y Dzoar, những ngày đầu cầm bút đôi chân của Y Julie luôn trong tình trạng tê cứng nhưng Y Julie không bao giờ nản lòng và có ý định nghỉ học. Vợ chồng chị chỉ biết động viên, khích lệ con cố gắng.

“Hồi đầu đi học em thường bị bạn bè trêu đùa là chim cánh cụt vì không có tay. Khi nghe những lời nói đó em tủi thân lắm. Biết vậy, em càng quyết tâm và cố gắng học tập thật giỏi để không thấy mình vô dụng” - Y Julie kể.

Tuy khiếm khuyết, nhưng Y Julie luôn cố gắng chăm chỉ học tập để theo kịp các bạn. Theo tâm sự của Julie, vì viết bằng đôi chân nên nhiều khi không thể viết kịp trong giờ học nên tranh thủ những lúc ra chơi, Y Julie mượn vở các bạn để chép. Cứ vậy, thời gian trôi qua, nét chữ nguệch ngoạc đầu được thay bằng nét chữ nắn nót, thẳng hàng, sạch đẹp. Những nét chữ đều tăm tắp ấy là sự cố gắng và khát khao cháy bỏng của em trong học tập và để trở thành người có ích.

Do nhà cách trường khá xa, đường đi lại khó khăn nên Julie nhờ các bạn chở đến trường trong suốt 12 năm học. Dù vậy, không đầu hàng số phận, với ý chí và nghị lực, cùng sự khát khao học tập, tự quyết định tương lai của mình, trong 12 năm học phổ thông, Y Julie luôn cố gắng học tập và đều đạt học sinh khá giỏi.

Không chỉ việc học, trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, dù không có tay nhưng mọi sinh hoạt cá nhân em đều tự làm, từ việc ăn uống, chải tóc…Chỉ có những việc quá khó, không thể sử dụng đôi chân để làm được thì Y Julie mới nhờ sự giúp đỡ của cha mẹ, người thân.

Theo thầy Hồ Sĩ Anh Tuấn- Hiệu trưởng Trường THPT Trường Chinh, Y Julie là học sinh đặc biệt nhất mà thầy từng gặp từ khi bước vào nghề giảng dạy đến nay. Julie dù không có đôi tay như bao đứa trẻ khác nhưng em lại có 1 nghị lực sống rất phi thường. Ở lớp em luôn là học sinh khá và rất hòa đồng với bạn bè. Em là một học sinh rất ngoan. Chăm chỉ học tập và có tinh thần tự giác rất cao. Đặc biệt là sự nỗ lực vượt khó. Vì vậy, hầu hết các thầy cô, các bạn trong trường đều quý mến và khâm phục ý chí và khát vọng vươn lên của Y Julie .

Viết tiếp ước mơ

Thực ra tôi đã từng viết về cô bé Y Julie đầy nghị lực từ hồi em đang học cuối cấp tiểu học. Dù viết bằng chân nhưng nét chữ của em rất đẹp, ngay ngắn mà không ít học sinh viết bằng tay cũng không bằng. Ngay từ hồi ấy, trong tôi vững tin về Y Julie và niềm tin ấy giờ đây đã trở thành hiện thực.

Với nghị lực và sự khát khao vươn lên, Y Julie trở thành là người đầu tiên trong làng đậu và đi học đại học. Tất cả bạn bè cùng trang lứa với Julie, đứa thì học hết lớp 9 nghỉ học, một vài người bạn của em học hết 12 cũng không tiếp tục con đường học tập mà ở nhà lao động hoặc đi học nghề.

Thông tin Y Julie đậu đại học khiến cả làng Kon Drei bất ngờ. Bởi ít ai nghĩ cô bé Y Julie không tay lại có thể đậu đại học. Bởi từ khi mới chào đời, người làng cứ nghĩ Y Julie sẽ chỉ ở yên một chỗ chứ nói gì đến chuyện đi học hay viết lách. Ấy vậy mà cô bé lại là người đầu tiên trong làng bước chân vào cánh cổng trường đại học.

Ông A Nhứp - già làng Kon Drei bày tỏ: Y Julie giỏi lắm. Từ xưa nay trong làng, thanh niên cứ học hết lớp 12 là nghỉ. Vậy mà Y Julie không tay lại học giỏi hơn người có tay.

Y Julie dùng chân đánh máy tính. Ảnh: PN

 

Chúng tôi tìm về căn nhà của gia đình Y Julie khi em với bước vào giảng đường đại học được ít ngày. Lâu không trở lại ngôi làng, hỏi thăm mãi chúng tôi mới tìm được đến ngôi nhà cấp 4 lụp xụp nằm ở giữa làng. Thấy người lạ, chị Y Dzoar (39 tuổi, mẹ YJulie) ngại ngùng dẫn khách vào nhà rồi trải chiếc chiếu cũ sờn ra làm chỗ ngồi.

Trải qua 12 năm học, ước mơ học đại học của Y Julie đã trở thành hiện thực. Không chỉ một trường mà cùng một lúc, có 3 trường đại học thông báo em đậu đại học. Đứng trước ngưỡng cửa đại học, Y Julie trăn trở không biết nên chọn học ngành học nào. Ngành học “Hướng dẫn viên du lịch” mà em ước mơ bấy lâu nay lại ở trong Thành phố Hồ Chí Minh. Nếu theo học ngành này thì sẽ rất khó khăn cho em bởi vừa xa nhà, sức khỏe không cho phép và vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Y Julie phải từ bỏ ước mơ của mình quyết định theo học ngành Công nghệ - Thông tin của Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum.

Bước vào giảng đường đại học, các bạn cùng trường vẫn luôn thấy hình ảnh một cô bé Y Julie thấp bé, không có tay siêng năng học tập không một ngày vắng học đã tạo được niềm tin yêu, mến phục của bạn bè, thầy cô. Biết hoàn cảnh gia đình Y Julie khó khăn nên một mạnh thường quân đã mua tặng cho em bộ máy vi tính để em học tập, thực hiện ước mơ của mình.

Y Julie tâm sự: Mới đầu chưa quen với máy tính nên việc đánh chữ rất khó khăn. Ban đầu em chỉ gõ bàn phím bằng một ngón cái và dò tìm từng con chữ. Do không quen ngồi máy tính nên nhiều khi rã rời đôi chân. Nhiều khi em thấy tủi thân vì không có đôi tay như các bạn.

Tuy nhiên, nghĩ đến sự vất vả của cha mẹ, biết là chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn vất vả, Y Julie vẫn đang hàng ngày quyết tâm học tập bằng khả năng đôi chân của mình để thực hiện ước mơ và không phụ lòng cha mẹ. 

Thấy sự quyết tâm của cô bé không tay Y Julie càng làm chúng ta khâm phục, cảm ý chí và nghị lực của em. Và để thực hiện được ước mơ của mình, chắc chắn Y Julie sẽ phải cố gắng nhiều. Nhưng tôi tin rằng, với niềm tin và ý chí đó, Y Julie sẽ viết tiếp những ước mơ trên con đường tương lai.

Box: “Xương cột sống của Y Julie thường xuyên bị đau, đã mổ một lần hết hơn 300 triệu đồng. Đến nay gia đình vẫn chưa trả nợ xong nhưng bác sĩ nói phải đi mổ lần 2 mới có hy vọng khỏi hoàn toàn. Dù khó khăn đến mấy, vợ chồng tôi cũng phải chạy vạy vay mượn chữa trị để con có sức khỏe, tiếp tục thực hiện ước mơ của mình”-chị Y Dzoar tâm sự.

PHÚC NGUYÊN

Chuyên mục khác