Vành đai xanh

21/05/2020 13:02

Còn nhớ cách đây chỉ mấy năm thôi, nếu đứng từ bờ kè sông Đăk Bla thơ mộng - khu vực trước Khách sạn Indochine - nhìn về hướng Nam, chúng ta sẽ thấy một “vành đai” đồi núi nham nhở, đất đai bạc thếch, cây cối còi cọc, không có sức sống bao bọc xã Hòa Bình (thành phố Kon Tum). “Vành đai” ấy nay khác rồi, cây cối ở đây đang ngày càng xanh tươi; các khe núi dưới chân “vành đai” bắt đầu sinh thủy.

Trả lại màu xanh cho “vành đai”

Điều kỳ diệu trên bắt đầu từ việc thực hiện Phương án thí điểm giao rừng gắn với hỗ trợ cộng đồng, hộ gia đình phát triển kinh tế rừng. Để “mục sở thị”, tôi cùng Ban quản lý rừng cộng đồng thôn 2, xã Hòa Bình và kiểm lâm địa bàn vào “vành đai xanh”.

Từ đường Hồ Chí Minh (đoạn gần đến khu vực Sao Mai, xã Hòa Bình,  thành phố Kon Tum) rẽ trái theo một con đường mới mở chạy lên sườn núi, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng khi thấy cây rừng xanh tươi đang bao bọc núi. Còn nhớ mới ngày nào, đất đồi ở đây còn hoang hóa, cây cối còi cọc, chỉ mới mấy năm trở lại mà đồi núi đổi thay nhiều quá, như có một phép màu về sự hồi sinh. Cây rừng phủ kín đồi núi, không khí ở đây mát dịu.    

Dõi theo rừng keo xanh tốt trải dài theo thế núi, anh Đoàn Văn Thanh (Tổ bảo vệ rừng, thôn 2, xã Hòa Bình) vui mừng kể: Khu vực đồi núi này, trước đây gia đình trồng mì bạc màu, không hiệu quả kinh tế, bỏ hoang. Mùa khô đất đai bạc thếch, cây cối khô cằn, cỏ tranh vàng úa. Những tưởng đất đồi này không làm gì được, nhưng kể từ khi gia đình tham gia thực hiện chủ trương của tỉnh và thành phố Kon Tum trồng rừng theo Phương án thí điểm giao rừng gắn với hỗ trợ cộng đồng, hộ gia đình phát triển kinh tế rừng, đồi núi ở đây trở lại màu xanh.

Tham gia thực hiện Phương án này, gia đình anh Thanh trồng được 7 ha keo. Cây keo có sức sống kỳ diệu, đất đai cằn cỗi thế, nhưng vào mùa mưa, bỏ ít phân bón lót, trồng xuống lại vươn lên xanh tốt. Khi keo phát triển, rễ keo có nốt sần ký sinh chứa vi khuẩn có tác dụng tổng hợp đạm tự do, cải tạo môi trường đất, làm cho đất tơi xốp và giàu đạm. 

“Cây keo trồng chưa được 2 năm, nhưng cao trên 3m. Cây keo cải tạo đất lâm nghiệp, thân cây làm nguyên liệu bột giấy và lấy gỗ. Gia đình tôi cũng như bà con ở đây rất vui khi thấy cây keo sinh trưởng nhanh và thành rừng!”- anh Thanh chia sẻ.

Ông Đoàn Văn Thanh kiểm tra rừng trồng của gia đình. Ảnh: VN

 

Thăm ngắm rừng cây, đón những làn gió mát rượi, ai cũng phấn khởi. Anh Trương Phi Tứ - Phó Ban quản lý bảo vệ rừng cộng đồng thôn 2 hào hứng kể: Đất đồi núi trồng keo này, Nhà nước cấp cho dân 50 năm. Gia đình tôi trồng được trên 4 ha keo trên đất đồi núi này rồi! Tỉnh hỗ trợ dân trồng rừng theo Phương án. Cây rừng, đất rừng đều là của dân. Khi cây keo đi vào khai thác, người dân được toàn quyền sử dụng. Đơn giá hỗ trợ (cây giống, phân bón, công chăm sóc) trồng keo theo Phương án là 7 triệu đồng/ha trong 3 năm. Trong năm 2018 - 2019, Phương án hỗ trợ 46 hộ dân thôn 2 trồng 117 ha keo rừng sản xuất và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng dặm bổ sung 45 ha rừng cộng đồng.

Thấy trồng keo theo Phương án trên đất đồi núi phát triển nhanh, bà con tự bỏ tiền ra mua cây giống trồng thêm 100 ha keo trên đất lâm nghiệp của mình. Vành đai xanh cứ thế tiếp tục được mở rộng.

“Ngoài trồng keo trên đất rừng sản xuất, Phương án còn hỗ trợ cho cộng đồng thôn 2 trồng 10 ha thảo quả dưới tán rừng cộng đồng. Đất đồi núi này, trước đây cũng là nơi phân bố tự nhiên của loài cây thảo quả. Do vậy, cây thảo quả phát triển nhanh và bước đầu cho hoa. Bên cạnh được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng từ việc tham gia giữ rừng, rồi đây cộng đồng sẽ có thêm nguồn thu từ cây thảo quả trồng dưới tán rừng cộng đồng”- anh Trương Phi Tứ bộc bạch. 

Không tính được bằng tiền

Là kiểm lâm phụ trách địa bàn, anh Nguyễn Văn Thám có trách nhiệm tham mưu UBND xã Hòa Bình trong lĩnh vực quản lý bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn nên anh rất phấn khởi khi rừng hồi sinh nhanh.

Anh Thám cho hay, kể từ khi thực hiện Phương án này, dãy núi ôm lưng xã – “vành đai” xã và thành phố từng bước trở lại màu xanh. Qua sự hỗ trợ thực hiện Phương án, người dân được cấp đất lâm nghiệp, hỗ trợ trồng rừng sản xuất; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng dặm bổ sung; trồng dược liệu dưới tán rừng; thành lập Quỹ quản lý bảo vệ rừng; Quỹ hỗ trợ quỹ phát triển sinh kế... Người dân được hưởng nhiều lợi ích từ dự án mang lại. 

“Để góp phần bảo vệ và phát triển rừng, kiểm lâm địa bàn phối hợp với Ban quản lý bảo vệ rừng thôn 2 xây dựng kế hoạch quản lý bảo vệ rừng; tuyên truyền, vận động người dân và cộng đồng nâng cao ý thức quản lý, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng; tuần tra, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa khô... không để xảy ra cháy rừng. Rừng trồng, rừng khoanh nuôi trong hai năm trở lại đây được chăm sóc, bảo vệ tốt và phát triển nhanh. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hòa từng đến thăm rừng xã Hòa Bình”- anh Thám cho biết.

Thông qua ý kiến của cộng đồng thôn 2, anh Thám mong tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng tuyến đường cấp phối dọc theo rừng trồng để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tuần tra, bảo vệ có hiệu quả rừng.

Đồng hành cùng kiểm lâm địa bàn, người dân thôn 2, xã Hòa Bình là những cán bộ, nhân viên Ban quản lý Dự án KFW10 được tỉnh giao nhiệm vụ thực hiện Phương án thí  điểm giao rừng gắn với hỗ trợ cộng đồng, hộ gia đình phát triển kinh tế rừng. Ông Đặng Hiếu Trung – Phó giám đốc Dự án KFW10 cho biết, bây giờ đồi núi xã Hòa Bình trở lại màu xanh, ai nhìn cũng thấy thích;  người dân trồng rừng phấn khởi với thành quả của mình. Tuy nhiên, khi mới triển khai thực hiện Phương án này vô cùng khăn, bởi ban đầu người dân chưa hiểu, sợ thực hiện Phương án tỉnh lấy lại đất, bà con sẽ mất đất. Ngay cả việc xúc tiến các hoạt động làm bìa đỏ, cấp đất lâu dài cho dân trồng rừng sản xuất, người dân vẫn cứ e ngại. Cán bộ, nhân viên thực hiện Phương án phải bám thôn, sát hộ để tuyên truyền, giải thích khó khăn lắm mới làm cho người dân hiểu và đồng lòng triển khai thực hiện Phương án thí điểm.

Theo Ban quản lý Dự án KFW10, việc triển khai thực hiện Phương án thí điểm không chỉ có ở xã Hòa Bình mà còn có ở 2 thôn Đăk Vang, Giang Lố 1 (xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi). Tính đến thời điểm này, Phương án giao 604,4 ha rừng cho cộng đồng, cấp 610,5 ha đất có cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 153 hộ gia đình, hỗ trợ khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng dặm bổ sung (trồng 30 ha dược liệu bằng loài cây thảo quả) trên địa bàn xã Hòa Bình và xã Sa Loong... Người dân rất tâm đắc vì hiệu quả kinh tế, môi trường và nhiều mặt khác từ việc thực hiện Phương án mang lại.

Để Phương án tiếp tục thực hiện hiệu quả và trước những yêu cầu đặt ra của việc thực hiện Phương án, ông Đặng Hiếu Trung đề nghị UBND tỉnh và các ngành hàng năm xem xét, bố trí đủ vốn để thực hiện giao rừng, trồng rừng, phục hồi rừng theo kế hoạch; tăng định mức hỗ trợ trồng rừng phù hợp với thực tế; cần có chế tài đủ mạnh của chính quyền địa phương để các hộ đã được cấp bìa đỏ sử dụng đất đúng mục đích, đúng quy hoạch... 

Khi kết thúc bài viết này, tôi vẫn không quên được tiếng nước róc rách dưới các khe núi từng có một thời gian dài khô khốc do mất rừng. Cũng không quên được tiếng chim rừng về làm tổ, ríu rít ở “vành đai xanh”. Giá trị từ việc thực hiện Phương án mang lại tại “vành đai xanh” cho thành phố là rất lớn, không thể tính được bằng tiền.

Văn Nhiên

Chuyên mục khác