Ước vọng mai vàng

06/02/2019 17:04

Ngày tết, ngồi nói chuyện mai, có người rủ rỉ: Trước đây, đất Kon Tum bạt ngàn mai, khi Tết đến Xuân về, mai vàng nở khắp nơi. Tiếc là ngày càng vắng...

1. Ngày xuân muôn hoa đua nở. Bên cạnh những hồng, cúc, lan, thược dược, nguyệt quế, loa kèn… là kiêu hãnh một sắc mai vàng quý phái. Từ mai trong chậu, với nhiều thế cây uốn ghép kỳ công, đến mai núi, được cắt về để cắm trong bình như những cành đào miền Bắc...

Mai Nam - đào Bắc. Đây là hai loài hoa tượng trưng cho dịp Tết đến Xuân về của hai miền đất nước, thế mà đất trời lại ưu ái cho Kon Tum khí hậu có thể chơi được cả 2 loài hoa đặc trưng trên. Bởi vậy, ở đây, mỗi dịp xuân về, người ta vẫn thấy những cành đào đang vươn những lá non tơ ôm ấp nụ hoa đỏ tươi khoe sắc bên đường.

Nhưng nói gì thì nói, Kon Tum vẫn là đất của mai vàng. Nắng gió Tây Nguyên hun đúc cho màu hoa mai thêm rực rỡ mà đằm thắm. Tết còn gì hấp dẫn hơn khi trong nhà có cây hoa mai vàng đua nhau khoe sắc vừa để trang trí, vừa có ý nghĩa mang đến tài lộc đầu xuân.

Không có tài liệu nào đáng tin cậy về sự xuất hiện của mai vàng ở Kon Tum, chỉ biết một điều là cây mai vàng được trồng từ lâu đời rồi, và bao nhiêu năm nay, màu vàng tươi tắn của hoa mai tượng trưng cho sự thịnh vượng, hạnh phúc và may mắn.

Ít ai biết rằng, mai vàng ở Kon Tum cũng là một “thương hiệu” được các bậc cao niên nhắc đến khi nói về những loài hoa nở vào mùa xuân. Thậm chí, từng có hẳn một Làng Mai- làng Phương Quý (xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum). Thuở khai hoang lập làng, các bậc tiên hiền từ mạn Quảng Nam, Bình Định lên đã gửi gắm nỗi nhớ cố hương vào những gốc mai trồng quanh vườn nhà.

Theo như nhà thơ Tạ Văn Sỹ thì chỉ cách đây khoảng 20 năm, làng Phương Quý trồng rất nhiều mai, nhà ít cũng 3-5 cây, nhà nhiều thì cả vườn. Mùa xuân đến, mai nở vàng rực cả làng, mang lại vẻ đẹp hiếm có.

Các vùng Hòa Bình, Kroong (thành phố Kon Tum), Đăk La (huyện Đăk Hà, đoạn chạy dọc Quốc lộ 14, nay là đường Hồ Chí Minh) cũng có nhiều gia đình trồng mai. Không phải kinh doanh, buôn bán gì, chỉ để ngày tết được mãn nguyện vì có hoa chưng.

2.  Trước đây, mai ở Phương Quý, hay Võ Định (xã Đăk La, huyện Đăk Hà) phổ biến là loại mai rừng, mai tự nhiên hay mai thiên nhiên, có năm cánh, hoa nhỏ và thân cao to, có khi cao hơn chục mét, hương thơm thoang thoảng, lây lất mùi gỗ rất dễ chịu và mát, không nồng và đậm như một số loài hoa khác.

Khi nở, ngày thứ nhất, 5 cánh và chùm nhụy xoè thẳng ra rất đẹp. Ngày thứ hai, 5 cánh vảnh lên và chùm nhụy dụm lại. Qua đến ngày thứ ba, 5 cánh bắt đầu rơi lả tả theo chiều gió, hoa tàn.

Sau này người ta sử dụng một số loại mai ghép lại với nhau và cho ra đời một loại mai nhân tạo đó chính là mai giảo nhiều cánh, số lượng có thể lên đến hàng chục cánh xếp chồng lên nhau thành một đóa hoa dày và lớn.

Mai vườn ra phố ngày xuân. Ảnh: H.L

 

Cái cách trồng mai của ông bà ta cũng lạ lắm. Dù đẹp, nhưng không là cây lương thực như lúa, bắp, khoai, đậu nên ông bà chỉ trồng ở những khoảnh đất đầu thừa cuối thẹo trong vườn, để đến tết có hoa chưng cúng khỏi phải đi xin ai.

Ấy cũng là bởi dân ta xưa nay quan niệm đơn giản nhưng mang tính thực tế, lúc nào cũng phải ưu tiên lo đến cái ăn, cái mặc, rồi mới dám tơ tưởng đến thú ăn chơi.

Cây mai vàng được trồng với cách đó thì sự chết sống ra sao đều phó mặc cho trời, ít ai bỏ công sức ra chăm sóc, tưới bón. Chỉ đến ngày rằm tháng Chạp - còn nửa tháng đến tết, người ta mới vội vã ra chỗ trồng mai để trẩy lá cho cây mai trổ hoa đúng vào dịp tết.

Đến ngày cận tết, người ta lại ra vườn chọn những cành mai nhiều hoa lớn nụ, cắt về cắm vào lộc bình rồi đặt lên bàn thờ chưng cúng. Còn cây mai nào đẹp đẽ được bứng gốc cho vào chậu đặt trong phòng khách chơi ít ngày xuân. Sau tết, họ lại đem về nơi cũ trồng lại...

Nhưng cũng có nhiều người, nhất là những bậc cao niên, lại có thú chơi mai cảnh. Do mai là loài thân gỗ, cành nhánh mềm mại dễ uốn, lại sống lâu năm không thua gì tùng, bách... nên dưới tài nghệ uốn sửa điêu luyện, khéo léo và kiên trì dễ trở thành cây cảnh có giá trị, với mục đích ngầm ký thác tâm tư nguyện vọng sâu xa của mình vào đó.

Việc sửa cành uốn thế cho cây mai tốn rất nhiều công phu khó nhọc, không thể làm nóng vội trong một sáng một chiều mà thành, mà đòi hỏi người trồng phải có đức kiên nhẫn, nay uốn cành này, mai lại sửa cành khác... có khi cây mai đã già mà tác phẩm vẫn chưa hoàn thành!

Thế cây ra sao thì khuôn mẫu đã có sẵn, nhưng giá trị của việc uốn sửa cao thấp, đẹp xấu ra sao là tùy thuộc vào khả năng sáng tạo của mỗi người. Đến bây giờ, ở làng Phương Quý, những bậc cao niên vẫn thường khề khà bên bàn trà mà bàn về các thế căn bản của cây mai cảnh. Nào là Trực (cây mọc thẳng đứng), rồi Hoành (cây có thân thẳng, dáng bị nghiêng, phần ngọn thì uốn ngả về phía gốc) và Ngọa (cây uốn nằm ngang trên mặt chậu)...

3. Nhà Nguyễn Thành Phương nằm ở giữa làng Phương Quý I. Bố của Phương có một cách "nhớ tuổi con" rất độc đáo, mỗi một đứa con chào đời, ông lại trồng một cây mai nhỏ ở góc vườn nào đó. 4 anh em, 4 gốc mai. Gốc "già" nhất là 44 tuổi, bằng tuổi Phương.

Nhưng ông quý nhất là một gốc mai già xù xì nép mình bên bụi tre sát con đường đất chạy ra cánh đồng mía, mà theo Phương kể, là gốc mai được ông nội của anh trồng khi bố anh được sinh ra. Có lẽ truyền thống trồng mai để "nhớ tuổi con" trong nhà mình bắt đầu từ đó chăng- anh đùa.

Những gốc mai ấy đã theo anh em Phương qua những năm tháng tuổi thơ với biết bao vui buồn.

Rồi theo xu thế tất yếu, những vườn mai dần biến mất, nhường đất cho nhà cửa, quán xá. Những gốc mai cổ thụ cũng bị săn lùng, người ta sẵn sàng trả giá cao để mua và chuyển đi nơi khác. Xuân về, Phương Quý không còn sắc mai vàng rực rỡ cả góc trời, chỉ còn chăng một số cây lặng lẽ bung hoa nơi góc vườn nào đó.

Phương có một cô em du học bên Úc, rồi lấy chồng ở hẳn bên ấy. Nơi trời Tây xa xôi, Tết năm nào cô cũng gọi điện về, chan chứa hoài niệm về nồi bánh chưng, chảo mứt rim, nhất là cảnh trẻ con các nhà lặt lá mai và đi chọn mua mai vàng ngày giáp Tết.

Cô nhớ như in cảm giác hồi hộp, khó tả đêm 30 Tết, khi cả nhà cùng quây quần bên chậu mai để đếm xem bao nhiêu nụ hoa sẽ nở vào mùng 1, mùng 2. Cô cũng chưa quên “mẹo vặt” của hai anh em cô: thấy hoa nào sắp rụng cánh là lặt đi để mùng 1 không có hoa rơi lả tả và mẹ cô sẽ không lo lắng.

Lần dẫn anh chồng sắp cưới người Tây về ra mắt, vợ chồng cô đã chụp ảnh cưới với gốc mai già, và khóc vì mừng khi nó vẫn còn, trong khi hoa mai trong làng còn ít quá, thật không giống với hình dung trong tâm thức của cô.

Khổ nỗi, bây giờ gốc mai già ấy, gia đình anh đã bán rồi. Có một khách chơi mai, không biết qua ai giới thiệu đã tìm đến năn nỉ mua cho kì được. Lại đúng khi bố anh bệnh nặng...

Hôm bán gốc mai, anh đã phải trốn đi nơi khác, không nỡ nhìn người ta đào gốc, đem xe cẩu đến chuyển gốc mai đi. Cô em gọi điện về, hỏi đến gốc mai, anh chỉ ậm ừ cho qua, không dám nói vì sợ cô khóc.

Hai năm nay, Phương đang ấp ủ ý tưởng trồng lại vườn mai của gia đình. Không dùng mai ghép đâu nhé- anh hồ hởi. Mình đã ươm và trồng được một ít, cùng với đi mua, đi xin (cười) của bà con, toàn là giống mai rừng xưa cũ của Kon Tum, 5 cánh nhỏ, vàng tươi, có hương thơm thoang thoảng ấy, với mong muốn gây dựng lại danh tiếng Làng Mai xưa.

Ngày Tết, nói chuyện hoa mai, tôi lại nhớ đến những câu thơ được nghe Phương đọc hôm nào:

Nhớ tuốt lá cho mai về kịp tết

Kẻo giao thừa thiếu hẳn một mùi hương

Mai vàng nở như em về đúng hẹn

Áo vàng phơi sáng rỡ cả con đường

Anh tuốt lá đợi mai về ngày tết

Chở mùa xuân trên mỗi đóa vàng tươi...

Và lòng lại ao ước, mai Kon Tum sẽ được chú ý giữ gìn về giống loài, và các vùng trồng mai tự nhiên sẽ được phục hồi, như tiếng tăm vốn có ngày xưa của Làng Mai…

 HỒNG LAM

Chuyên mục khác