31/10/2022 13:14
Sau ngày bão Noru tan, chúng tôi cùng lãnh đạo địa phương đến thăm hỏi tình hình của bà con Tu Thó. Đây là lần thứ 2 tôi đặt chân đến đây, mỗi lần một cảm xúc. Chuyến đi trước, tôi được chứng kiến những nụ cười, niềm hân hoan của bà con khi đón Tết Nguyên đán tại nơi ở mới. Còn lần này, tôi cảm nhận được sự hài lòng, yên tâm của bà con về điểm tái định cư Tu Thó.
Gặp chúng tôi, già làng A Đúp (76 tuổi) cười hiền: Tuổi tôi đã cao, bão vào mà gây sạt lở đất sao tôi chạy kịp. Nhờ Đảng và Nhà nước chọn địa điểm, đầu tư xây dựng khu tái định cư này, nên bão Noru mạnh đến mấy thì dân làng Tu Thó vẫn an toàn, không nhà nào bị sập đổ. Rút kinh nghiệm từ nhiều cơn bão trước, trước khi bão vào, chính quyền địa phương cùng người dân đã chuẩn bị nhiều phần việc để bảo đảm an toàn trước bão.
|
Nghe thông tin đại chúng thông báo cơn bão Noru đi vào tỉnh ta, già làng A Đúp đứng ngồi không yên. Bởi già nghe Noru là siêu bão, mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây ảnh hưởng đến Trung Trung bộ, tương đương cơn bão Xangsane năm 2006, bão Ketsana năm 2009 và bão Molave năm 2020.
Nhắc lại cơn bão nhiều năm trước, già A Đúp vẫn còn bàng hoàng. Hễ cứ bão, mưa liên tục và kéo dài nhiều ngày, cuộc sống của bà con vùng cao thêm bội phần khốn khó. Mưa lũ khiến khắp nơi nhão nhoẹt bùn đất. Nhiều nhà cửa chưa kịp phục hồi thì lại đón thêm cơn bão mới, sau các trận lũ quét, hàng trăm gia đình rơi xuống đáy của cái nghèo.
Già A Đúp kể: Nhiều gia đình chưa kịp khắc phục ảnh hưởng từ những cơn bão trước thì tiếp tục lại bị “siêu bão” dìm xuống tiếp. Qua khu tái định cư này sinh sống, mỗi hộ đều được Nhà nước hỗ trợ 25 triệu đồng để có điều kiện vực dậy. Lúc mới đến, tôi cũng như nhiều người dân không dám chắc nơi này sẽ an toàn, nhưng chúng tôi đặt niềm tin vào Đảng và Nhà nước nên đã di dời nhà cũ đến đây định cư.
|
Với 25 triệu đồng, thực tế không thể xây được ngôi nhà kiên cố. Những hộ khó khăn chỉ có mang ngôi nhà từ làng cũ đến nơi ở mới để sửa chữa, những gia đình có chút điều kiện mới dám vay mượn, dùng tiền tiết kiệm bù vào để xây dựng ngôi nhà 3 cứng. Dù là nhà gạch kiên cố, hay nhà ván xập xệ, khi được xây dựng trên sườn đồi tứ phía trống rỗng, thì khi nghe bão tới ai cũng nơm nớp lo sợ.
Không riêng già A Đúp, tất cả các hộ dân ở đây đã quen thuộc với bão lũ. Từ trẻ em đến người già, hình ảnh những quả đồi bị hở hàm, lõm đi phần đất không còn xa lạ. Những câu chuyện nhà cửa bị chôn vùi trong đất đá, hoa màu bị san phẳng sau một đêm là những ký ức khó quên. Chính vì thế, khi nghe bão Noru đến, tinh thần chủ động được dân làng đặt lên hàng đầu.
Nhà nhà chống bão, người người chống bão. Những bao đá, bao cát được người dân buộc chặt và chuyển lên mái nhà để dằn tôn. Những ngôi nhà vách ván được đóng chặt hơn vào cột nhà, còn cột nhà thì đứng vững hơn bởi các trụ chống đỡ xung quanh. Ngoài rẫy, trâu bò được đưa về chuồng, chỉ những vườn lúa, vườn mì đành phó thác cho trời đất.
|
Bão vào, trời đất như rung chuyển. Hàng trăm hộ dân sinh sống trên quả đồi chỉ biết cầu nguyện “mẹ” thiên nhiên nhẹ tay với làng Tu Thó. Gió quần quật thổi, rìa mái tôn vỗ đành đạch ngày càng mạnh. Già A Đúp nhìn qua khe cửa, gió lùa vào phần phật, cây cối ngả nghiêng trong mịt mù mưa gió. Già cầu mong trong đêm không nghe tiếng nổ lớn nào phát ra từ chân núi, không có tiếng hô hoán kêu cứu của dân làng.
Đầu làng, Trưởng thôn A Dai cùng lực lượng dân quân của xã trong tư thế sẵn sàng để ứng phó khi có tình huống khẩn cấp xảy ra, ai nấy đều căng mắt, thấp thỏm, mong đêm bão trôi qua thật nhanh. Còn trong nhà các hộ dân, bếp lửa giữa nhà vẫn rừng rực đỏ, bà con đã say giấc trong chăn ấm.
Trời tờ mờ sáng, cơn bão ngớt dần. Già A Đúp thức dậy thở phào nhẹ nhõm và lại nhìn qua khe cửa, đưa mắt đến các hộ dân ở xa. Những ngôi nhà vẫn đứng vững qua cơn bão, khói bếp bảng lảng bay trên từng nóc nhà dân.
Trưởng thôn A Dai cùng lực lượng dân quân vẫn thay phiên túc trực, cập nhật tình hình báo cáo về chính quyền xã. Sau một đêm đối mặt với bão, Tu Thó vẫn yên bình. Trừ hai căn “nhà tình nghĩa” đang xây dựng dở dang bị tốc mái, không một căn nhà nào bị nhấn chìm hay nứt nẻ bởi sạt lở.
Về cơ sở hạ tầng, đoạn đường băng qua cống thoát nước đầu thôn bị sạt lở ta luy âm; đường dẫn lên thôn có nhiều chỗ ta luy dương sạt lở khiến đất tràn che lấp cả đường. Nhận được tin báo, UBND huyện nhanh chóng đưa máy đào vào hỗ trợ múc đất tại các điểm sạt lở, tạo lối đi để bà con lưu thông. Tại các điểm đất tràn ít, thanh niên thôn Tu Thó cùng lực lượng dân quân xã chung tay góp sức dọn dẹp. Chưa đầy một buổi, bà con đã có thể đi lại bình thường.
|
Xem những chỗ sạt lở do bão Noru đi qua, nhìn những đống đá ngổn ngang chất đống ven đường, ta luy dương sạt lở kéo theo cây rừng đổ ngã, chúng tôi cảm nhận được sự khắc nghiệt mà cơn bão Noru hoành hành nơi đây. Chỉ tay về điểm sạt lở đầu làng, Trưởng thôn A Dai nói: Bão vào, không thể tránh khỏi sạt lở. Tuy nhiên, những điểm sạt lở đều cách xa điểm tái định cư Tu Thó, nên bà con rất yên tâm. Qua cơn bão Noru, niềm tin của dân làng đặt vào Đảng và Nhà nước ngày càng lớn, tin vào tương lai vững chắc của khu tái định cư thôn Tu Thó.
Ông Phạm Xuân Quang – Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Nghe thông tin có bão, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan, UBND các xã triển khai các biện pháp để chủ động phòng chống, ứng phó với các tình huống khẩn cấp xảy ra. Tại điểm tái định cư thôn Tu Thó khi đối mặt với bão Noru, hơn trăm căn nhà vẫn an toàn, không có thiệt hại về người, chỉ vài hộ dân có hoa màu bị ảnh hưởng. Đối với một số tuyến đường bị sạt lở, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương sửa chữa ngay khi trời ngừng mưa để đảm bảo an toàn cho người dân đi lại. Hàng cây ngả nghiêng bên đường đã được chống thẳng, lớp bùn non trên mặt sân trường được cào dọn sạch sẽ để đón học sinh kịp thời trở lại học.
Nắng ấm yên bình rọi trên những mái nhà khu tái định cư Tu Thó. Vững vàng vượt bão Noru, dân làng Tu Thó tự tin xây dựng cuộc sống mới ngày một ấm no, tốt đẹp hơn.
Văn Tùng