30/12/2019 06:06
Nhọc nhằn đường đến điểm trường
Tình cờ, một lần tôi nghe được câu chuyện cảm động của những giáo viên ở xã vùng khó huyện Tu Mơ Rông. Câu chuyện ấy xuất phát từ tấm lòng yêu thương học trò, hàng chục thầy cô giáo Trường PTDTBT Tiểu học xã Tu Mơ Rông tự nguyện bỏ tiền túi ra lập quỹ, tổ chức nấu cơm cho 26 học sinh ở 3 thôn Văn Xăng, Đăk Ka, Đăk Neang (xã Tu Mơ Rông).
Một ngày cuối năm, chúng tôi tìm về thôn Văn Xăng-nơi có điểm trường số 2 cụm Đăk Ka với 26 học sinh lớp 1, 2 của Trường PTDTBT Tiểu học Tu Mơ Rông để tìm hiểu rõ hơn những hành động đầy nhân văn của các thầy cô giáo nơi đây đã in sâu vào tâm trí tôi dạo nào.
Từ điểm trường trung tâm vào thôn Văn Xăng tuy không xa, chỉ chừng hơn 5 km nhưng để vào được nơi đây chúng tôi phải vượt qua hàng chục con dốc cao uốn lượn quanh co theo sườn núi, nếu người “yếu bóng vía” lần đầu đến đây sẽ không khỏi chần chừ, do dự. Nhiều con dốc dài, thẳng đứng làm tôi run run tay lái. Tôi đã cài số một mà “con ngựa sắt” cứ chực lao xuống rãnh. Nhiều đoạn, tôi đành xuống dắt bộ, còn anh bạn đồng nghiệp phải vừa đi bộ vừa kéo giữ xe. Khi lên dốc, chúng tôi vừa cho xe chạy số một vừa phải dùng chân đẩy.
Sau gần nửa tiếng đồng hồ “vật lộn” với đoạn đường, chúng tôi mới đến được điểm trường số 2 cụm Đăk Ka tại thôn Văn Xăng.
Thú thật, sau khi vượt qua đoạn đường đến điểm trường ở thôn Văn Xăng, chỉ nghĩ lại thôi chúng tôi đã thấy ớn lạnh. Ấy vậy mà, hàng ngày hai thầy Nay Y Hoàng, A Phiên và cô giáo trẻ Lương Thị Út vẫn vượt qua quãng đường gian nan đó để dạy chữ, nấu cơm cho học trò, khiến chúng tôi thêm khâm phục bội phần.
Theo các thầy cô giáo, nhiều năm qua, do nhà cách điểm trường từ 3-4km, đường lại khó đi nên học sinh ở đây rất hay nghỉ học. Có những em buổi sáng đi học, nhưng đến trưa đi bộ về nhà ăn cơm, trong khi đó, đa số phụ huynh ở trên nương rẫy cả ngày đến chiều tối mới về nên không thể đưa đón con em đến lớp. Nhà xa quá nên các em cũng lười đi học.
|
“Những em ở điểm trường số 2 cụm thôn Đăk Ka bình thường đến lớp chỉ khoảng 70%. Có em đi học buổi sáng rồi nghỉ buổi chiều. Dù giáo viên liên tục vận động bà con đưa đón con em đến lớp đều đặn, nhưng học sinh vẫn đi học không đầy đủ. Đời sống người dân ở đây còn nhiều khó khăn nên phụ huynh cũng ít quan tâm đến việc học của con cái” - cô Hồ Thị Thùy Vân, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Tu Mơ Rông Vân thở dài.
Học trò lười đến lớp là nguyên nhân chính làm cho chất lượng học tập ở nơi đây không đảm bảo. Vấn đề này khiến các giáo viên phụ trách điểm trường và Ban giám hiệu Trường PTDTBT Tiểu học Tu Mơ Rông “đau đầu” trong việc tìm biện pháp khắc phục hữu hiệu. Nhiều cuộc vận động được tổ chức, thầy cô giáo vượt rừng nói chuyện với phụ huynh bên rẫy mì, rẫy cà phê nhằm vận động các gia đình khuyên con em đến lớp chuyên cần. Thế nhưng, tình trạng trên chỉ cải thiện được vài ngày sau mỗi đợt vận động như vậy, về sau đâu lại vào đấy. Hành trình gọi học trò đến lớp của các thầy cô nơi điểm trường Tê Xăng cứ lặp đi lặp lại và kéo dài suốt từ năm học này đến năm học khác.
Giáo viên góp cơm, phụ huynh góp củi
Thực trạng trên là căn nguyên làm cho cô Hồ Thị Thùy Vân - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Tu Mơ Rông nhiều đêm thao thức, trăn trở nghĩ suy. Và rồi, cô Vân suy nghĩ, để nâng cao chất lượng, phải tìm cách giữ chân học trò. Một ý tưởng mới nảy ra làm cô giáo Vân phấn chấn.
Hôm sau, trong cuộc họp hội đồng nhà trường, cô Vân mạnh dạn đề ra ý kiến gây quỹ tự nguyện để nấu cơm trưa giữ học sinh ở lại lớp. Sau khi nghe Hiệu trưởng trình bày những cái khó, cái khổ ở điểm trường số 2, 19 cán bộ, giáo viên của trường nhất trí với phương án thổi cơm nuôi học trò.
Để học sinh có bữa cơm đầy đủ, chẳng ai bảo ai, mỗi thầy cô trong trường hàng tháng tự nguyện đóng góp một ít tiền mua thức ăn và mua gạo. Bữa cơm sẽ có đầy đủ thịt, cá, rau đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cho học trò. Thấy học trò vóc dáng quá nhỏ bé so với những bạn cùng lứa tuổi ở vùng có điều kiện, các thầy cô còn đính kèm thêm trong khẩu phần ăn 1 hộp sữa tươi. Số sữa đó cũng từ sự đóng góp của giáo viên và sự hỗ trợ thêm từ các nhà hảo tâm mà nhà trường vận động được.
Việc nấu nướng sẽ được một thầy giáo nhà ở gần điểm trường phụ trách. Vì phụ huynh học sinh có hoàn cảnh khó khăn nên nhà trường chỉ đề nghị phụ huynh góp thêm củi nấu cơm. Mọi chi phí của bếp ăn, phụ huynh không phải đóng góp, vì vậy việc làm trên nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân nơi đây.
Bếp ăn được thiết kế ngay trong phòng học của điểm trường. Những bộ bàn ghế cũ được trưng dụng để làm bàn ăn cho học sinh. Để có đủ bát, đũa, nồi niêu, xoong chảo, tập thể giáo viên vận động các mạnh thường quân chung tay hỗ trợ. Sau 1 thời gian chuẩn bị, tháng 11 vừa qua bếp ăn chính thức nổi lửa đi vào hoạt động.
Thầy Nay Y Hoàng (dạy lớp 2 tại điểm trường) cho biết: Từ ngày được ăn cơm tại trường, các em đi học chăm chỉ hẳn, sĩ số luôn đảm bảo 100%. Công tác vận động học sinh tới lớp của thầy cô cũng bớt đi phần khó khăn.
Đầu bếp của điểm trường
Đến điểm trường số 2 cụm Đăk Ka ở thôn Văn Xăng chúng tôi thấy một thầy giáo tất bật luôn tay từ sáng đến trưa (thầy được bố trí dạy buổi chiều). Đó là thầy A Phiên (52 tuổi, nhà ở thôn Văn Xăng) đã có hơn 26 năm dạy học. Thầy giáo A Phiên với mái tóc điểm bạc chăm chú vào bữa trưa cho các em học sinh mà chẳng hề biết có khách vừa ghé thăm.
Ngẩng đầu chào mọi người rồi thầy Phiên nói như giải thích:“Một mình tôi chuẩn bị cơm cho mấy chục học sinh nên việc cứ luôn tay từ sáng đến trưa. Lại sắp đến giờ ăn cho tụi nhỏ rồi đấy.”
Ngày nhà trường đưa ra mô hình nấu cơm nuôi học trò, thầy Phiên là lựa chọn số 1 cho vị trí đầu bếp, vì nhà sát điểm trường. Hơn nữa, thầy Phiên cũng xung phong vì thương các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn và thích nấu ăn. Thế là ngay lập tức nhà trường nhất trí để thầy Phiên chịu trách nhiệm lo việc tổ chức bữa ăn cho các em học sinh tại điểm trường thôn Văn Xăng. Vậy là “ông giáo già” trở thành đầu bếp của điểm trường.
Hàng ngày, cứ 6h sáng, thầy Phiên lái xe máy qua hơn 5 km, vượt cả chục con dốc dựng đứng, đá lổn nhổn để ra điểm trường chính lấy thức ăn. Tại đây, một thầy giáo khác đã đi chợ mua đủ thức ăn cho bữa trưa của 26 học sinh của điểm trường. Khi đến điểm trường chính, thầy Phiên chỉ kịp lấy túi thức ăn, chào hỏi mọi người rồi quay về để chuẩn bị bữa trưa cho học trò.
|
Về đến điểm trường, thầy Phiên loay hoay rửa đống bát đũa của bữa cơm từ hôm trước. Xong đâu đấy, bếp cơm mới bắt đầu được nổi lửa. Bữa trưa hôm chúng tôi đến có 1kg thịt lợn, 10 miếng đậu khuôn và 2 chiếc bắp cải. Thầy Phiên chế biến món thịt lợn kho và rau bắp cải xào cùng một nồi canh chua với giá và cà chua. Chỉ có một mình nấu nướng, dọn dẹp nên thầy Phiên chẳng có lúc nghỉ tay.
Khi tiếng trống trường vang lên, cũng là lúc bữa cơm được dọn tươm tất. 26 chiếc ghế xinh xắn được đặt ngay ngắn xung quanh bàn ăn. Toàn bộ học sinh ở điểm trường xếp hàng ngay ngắn từ từ tiến vào phòng. Hai giáo viên tại điểm trường là thầy Nay Y Hoàng và cô giáo Lương Thi Út dạy xong cùng thầy Phiên dọn dẹp lo cho bữa ăn của các em học sinh. Bữa ăn bắt đầu bằng những cái khoanh tay mời cơm của các em.
Thầy Phiên cho biết, trước đây khi chưa có bếp ăn, do gia đình khó khăn nên khi đi học về có em phải ăn cơm trắng với lá mì, cá khô. Có em còn nhịn đói vì cha mẹ đi làm trên nương rẫy xa xôi, ở nhà không ai nấu cơm cả. “Nay các em đến lớp được ăn cơm ngon hơn ở nhà nên chịu khó đi học lắm. Các em giờ lại thích đi học. Cứ đà này, chắc chắn qua tết các em sẽ tăng lên vài kg”- thầy Phiên vui mừng.
Ông A Hơn - chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho hay: Việc nhà trường tự xây dựng bếp ăn cho các em có hoàn cảnh khó khăn là việc làm có ý nghĩa. Vừa qua tôi nghe cô giáo ở xã khác, khi dạy trên lớp để khuyến khích các em phát biểu, cô giáo cũng tự bỏ tiền mua bánh kẹo thưởng cho học sinh phát biểu đúng. Những tấm gương như thế cần được tuyên dương và nhân rộng. Thầy cô đi dạy, dẫu đời sống còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng để giữ chân học sinh đi học thầy cô sẵn sàng bỏ tiền túi ra để mua thức ăn, bánh kẹo cho học sinh, đó là những nghĩa cử cao đẹp tuyệt vời. Mô hình này cần nhân rộng để góp phần duy trì sĩ số học sinh ở các xã vùng sâu, vùng xa đến lớp, nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn.
Văn Phương