Trồng cam nơi “cổng trời”

07/02/2023 06:02

Đi ngược với nếp nghĩ, cách làm của nhiều hộ đồng bào Xơ Đăng ở xã Ngọc Lây (huyện Tu Mơ Rông), thay vì trồng mì, trồng lúa, anh Công Văn Tuyên (dân tộc Tày) đã mạnh dạn thử sức trồng cam sành nơi đất dốc, núi cao, khí hậu khắc nghiệt. Giờ đây, vườn cam của anh Tuyên đã cho kết quả ngoài mong đợi, trở thành mô hình điểm để bà con nơi đây học, làm theo.

Từng cơn gió lạnh ù ù thổi khiến đôi tay tôi tê buốt, thi thoảng xuất hiện sương mù làm vạn vật xung quanh thêm phần ẩm ướt. Bon bon trên con đường bê tông phẳng phiu, tôi cùng Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Anh Vũ đến tham quan vườn cam sành của anh Tuyên ở thôn Kô Xia 2, cách trụ sở UBND xã hơn 1km.

Đến nơi, tôi thật sự bất ngờ khi lần đầu tận mắt nhìn thấy vườn cam trĩu quả đang vươn mình nơi “cổng trời”, ẩn hiện sau lớp mây mù bảng lảng bay che phủ nửa quả đồi.

Nhìn từ xa, hàng trăm cây cam trĩu quả chín vàng như những chấm nắng rọi trên đồi cỏ xanh mơn mởn. Chúng tôi bỏ xe ven đường bê tông nội thôn rồi băng qua thung lũng để sang ngọn đồi bên kia - vườn cam của anh Tuyên.

Biết có khách đến chơi, anh chủ vườn có dáng người nhỏ nhắn, da đen sạm đã có mặt ở vườn từ sớm để đón khách. Trao nhau cái bắt tay thật chặt, anh Tuyên mời chúng tôi vào căn chòi nhỏ dựng giữa đồi cam để uống trà rồi kể lại hành trình mang cam sành đến vùng đất khó.

Dám nghĩ, dám làm, anh Công Văn Tuyên thành công với mô hình trồng cam ở xã Ngọc Lây. Ảnh: V.T

 

Anh Tuyên đến với Tu Mơ Rông như duyên nợ. Thuở còn thanh niên, anh phải lòng một cô gái Xơ Đăng, rồi đi theo tiếng gọi con tim. Chấp nhận rời tỉnh Tuyên Quang, anh đến tận huyện Tu Mơ Rông để kết duyên với người yêu, làm rể xứ lạ. 

Với bản tính cần cù, chất phát, dù sinh sống ở đâu anh Tuyên cũng nỗ lực làm việc để cái nghèo không bủa vây. Những năm đầu sinh sống ở Tu Mơ Rông, anh Tuyên cũng trồng những loại cây mà bà con Xơ Đăng nơi đây xưa nay vẫn trồng như mì và lúa.

Với 2ha đất mà vợ chồng anh được bố mẹ vợ cho làm quà cưới, mỗi năm gia đình anh thu nhập khoảng 50 triệu đồng, đủ để chi tiêu trong năm, không có dư giả. Sau một thời gian trồng mì, đất trở nên bạc màu, năng suất thấp, thu nhập không còn cao như trước, anh Tuyên bắt đầu trăn trở, tìm một loại cây khác để thay thế.

“Ở đây đồi núi đất dốc, khí hậu khắc nghiệt, tôi là dân xứ lạ nên chẳng biết ở đây hợp với cây gì. Qua theo dõi, tôi thấy những cây có múi như bưởi, chanh phát triển rất tốt, người dân cứ phó thác cho trời đất quanh năm cây vẫn ra nhiều quả. Chính vì thế, tôi quyết định thử nghiệm trồng cam sành”- anh Tuyên tâm sự.

  Cam sành không còn xa lạ với anh Tuyên, bởi ở tỉnh Tuyên Quang, nhiều nông dân đã trồng và làm giàu từ loại cây này. Nhưng ở Tu Mơ Rông, cam sành chỉ được người dân biết đến qua… tivi, hay tại các cửa hàng bán trái cây ngoài chợ huyện. Vậy nên, trồng cam sành ở Tu Mơ Rông là một chuyện lạ. 

Năm 2015, khi mùa vụ mới, anh Tuyên bàn bạc với vợ, chừa lại một khoảnh đất trống để anh trồng thử nghiệm 100 cây cam sành. Về giống cây, anh Tuyên tìm đến một người thân ở quê đang phát triển vườn cam sành nhờ chiết cành, rồi gửi xe vận chuyển vào.

Những cây giống cam sành lần đầu đến vùng đất mới trong niềm hy vọng của anh Tuyên. Sự mạnh dạn, dám nghĩ dám làm đã thôi thúc anh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đi ngược lại lại nếp nghĩ, cách làm của bà con. “Nếu thành công, mình góp phần thay đổi được thói quen trồng trọt của bà còn bấy lâu, giúp người dân nơi đây có thêm hướng làm giàu từ cây trồng mới”- anh Tuyên giãi bày.

Anh Tuyên tính toán kỹ lưỡng, áp dụng những kinh nghiệm mà bản thân đã từng biết trước đây để xuống giống cam sành. Anh tận dụng phân chuồng, trấu, rơm ủ hoai để tạo dinh dưỡng cho đất. Rồi anh tìm nguồn nước dẫn về chiếc ao gần vườn để đảm bảo lượng nước tưới cho cam sành vào mùa khô.

Sau hơn 1 năm anh dày công chăm sóc, cần mẫn theo dõi cây bén rể và vươn mầm trước sự trầm trồ của người dân và chính quyền xã Ngọc Lây. Mãi đến năm 2018, vườn cây bắt đầu cho quả, người dân nơi đây thêm phần ngỡ ngàng và thán phục chàng thanh niên người Tày kia.

Từng quả cam to chín với màu vỏ vàng sẫm, bàn tay người lớn mới cầm xuể. Anh Tuyên thu hoạch cam và bán cho người dân địa phương thưởng thức. Ai nấy cũng hài lòng và hết lời khen ngợi, một số người trong thôn cũng bắt đầu ngỏ ý muốn học hỏi trồng theo.

Có niềm tin, sự ủng hộ của bà con, anh Tuyên như được tiếp thêm động lực, tăng thêm niềm hy vọng với cây cam sành. Anh bàn với vợ tiếp tục chuyển đổi dần diện tích trồng mì còn lại sang trồng cam sành. Biết tin, hàng xóm là chị Y Em (39 tuổi, dân tộc Xơ Đăng) đã sang nhà xin liên kết với anh để chuyển đổi đất trồng mì sang trồng cam sành.

Năm 2018, gần 800 cây giống (đủ trồng 1,6ha đất) tiếp tục được anh Tuyên đặt mua ngoài Tuyên Quang, trong đó 400 cây được anh liên kết trồng với chị Y Em, còn 400 cây anh trồng trên đất của gia đình.

Chị Y Em tâm sự: Thấy anh Tuyên trồng cam sành, cho quả nhiều, thu nhập cao hơn trồng mì nên tôi cũng muốn trồng. Nhưng từ trước giờ, người Xơ Đăng chúng tôi chưa từng trồng cây ăn trái số lượng lớn nên rất sợ, chính vì thế tôi đã liên kết với anh Tuyên. Anh Tuyên đầu tư giống và trồng trên đất của gia đình tôi, cả 2 cùng chăm sóc rồi chia đôi lợi nhuận.

Có anh Tuyên “soi đường”, chị Y Em tự tin đi theo học hỏi những kinh nghiệm trồng cây có múi. Đến năm 2021, vườn cây của chị Y Em và anh Tuyên cho thu hoạch. Gần 3 tấn cam sành được bán ra thị trường, trừ mọi chi phí mỗi người lãi ròng được 20 triệu đồng.

Chị Y Em thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả sang trồng cam sành. Ảnh: V.T

 

Chị Y Em phấn khởi: Ban đầu, tôi nghĩ khó trồng, nhưng đến khi bắt tay làm dưới sự hướng dẫn của anh Tuyên nên thấy cũng tương đối dễ dàng, đầu tư cũng không nhiều, quan trọng phải cần cù chăm bón phân, tưới nước điều độ, theo dõi thường xuyên để kịp thời ngăn chặn sâu bệnh. Trên cùng một diện tích, cam sành cho thu nhập cao hơn cây mì, cây lúa.

“Mùa vừa rồi, do ảnh hưởng bởi cơn bão Noru, nhiều cây cam bị gãy cành. Tuy nhiên, nhờ chăm sóc tốt, vườn cây rất sai quả, trừ chi phí vẫn lãi ròng được 60 triệu đồng, chia ra mỗi hộ được 30 triệu đồng. Vừa qua, tôi mới đầu tư chiết cành và trồng thêm 100 cây trên diện tích đất của gia đình và trong thời gian tới sẽ mở rộng thêm”- chị Y Em cho hay.

Còn anh Tuyên, ngoài diện tích cam sành trồng liên kết với chị Y Em, anh còn trồng 1.100 cây (2,2ha). Trong đó có 500 cây cam đã cho thu quả, trừ chi phí đầu tư, mỗi năm thu nhập khoảng 80 triệu đồng. Số cây còn lại đang sinh trưởng rất tốt, sẽ là nguồn thu nhập lớn cho gia đình anh trong thời gian tới.

“Năm 2018, lúc liên kết trồng với chị Y Em, tôi có trồng thêm 400 cây trên đất của gia đình, sau đó tôi tự chiết cành và trồng thêm. Giờ đây, tôi có hơn 2ha cam sành và dự định sắp tới sẽ mở rộng thêm diện tích canh tác”- anh Tuyên cho hay.

Anh Nguyễn Anh Vũ- Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lây cho biết: Thời gian qua, UBND xã đã vận động người dân, kết nối với các đơn vị trong và ngoài huyện ủng hộ cam cho anh Tuyên để đảm bảo về đầu ra. Vườn cam của anh Tuyên, chị Y Em là mô hình thí điểm cho người dân học theo khi triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, trong đó chú trọng phát triển loại cây có múi.

Văn Tùng

Chuyên mục khác