Trở lại “vương quốc” sâm Ngọc Linh

09/07/2018 13:15

Vượt qua sự truy lùng, tận diệt, ngay trên đỉnh Ngọc Linh, một “vương quốc” sâm đang hiện hữu và “sống yên ổn” bởi sự chăm sóc, nâng niu của hàng trăm công nhân của Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum. Mới đó mà đã gần 10 năm, kể từ ngày vườn sâm quý trên núi Ngọc Linh được công bố với bàn dân thiên hạ. Vườn sâm này đang phát triển tốt và ngày càng được mở rộng lên đến hàng trăm héc-ta, ẩn dưới tán rừng già…

Dạo quanh vườn sâm quý

Bỏ lại những ồn ào phố thị, từ thành phố Kon Tum tôi vượt qua gần 100km để trở lại thăm vườn sâm quý của Công ty CP Sâm Ngọc Linh nằm chót vót trên độ cao hơn 2.000m ở vùng núi Ngọc Linh hùng vĩ thuộc các xã Tê Xăng, xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông).

Đây là lần thứ hai tôi đến thăm vườn sâm quý hiếm này. Lần trở lại này đem đến cho tôi nhiều ngạc nhiên thú vị.

Điều thú vị đầu tiên là con đường đến với “vương quốc” sâm Ngọc Linh được đầu tư xây dựng nên đi lại thuận tiện, hành trình của chúng tôi như được rút ngắn lại.

Trước đây, khi lên vườn sâm, chúng tôi phải trải qua gần 4 giờ đi bộ mệt nhoài, hết leo núi, lại băng qua nhiều cánh rừng già mới đến nơi.

Vườn sâm bạt ngàn dưới tán rừng. Ảnh: V.P

 

Giờ đây, đường lên vườn sâm thuận lợi hơn rất nhiều. Con đường bê tông được xây dựng, xe mô tô và cả xe ô tô đều đến tận nơi, chúng tôi chỉ mất vài chục phút là vào được vườn sâm.

Dọc đường lên vườn sâm được lập những chốt, chòi canh có người canh gác cẩn thận nhằm bảo vệ vườn sâm.

Suốt một buổi sáng, A Sỹ (người được công ty giao quản lý vườn sâm) vui vẻ dẫn chúng tôi “mục sở thị” từng ngõ ngách của vườn sâm. Đi qua nhiều cánh rừng, ngọn núi, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên đến ngỡ ngàng, bởi dưới tán rừng già kia là bạt ngàn sâm Ngọc Linh ở nhiều độ tuổi khác nhau đang vươn lá xanh tươi...

Tôi phóng tầm mắt ra xa, “vương quốc” sâm Ngọc Linh hiện ra - đúng như cách người ta thường ví von khi nói về nơi đây, với hàng trăm héc-ta đang sinh trưởng và phát triển dưới những cây rừng già ở độ cao 2.000m, không ai bảo ai, tất cả những người cùng đi đều trầm trồ, thán phục. Nhiều người lần đầu tiên lên thăm vườn sâm không khỏi ngạc nhiên, có người còn không tin vào mắt mình.

Mà đúng vậy. Nếu không tận mắt thấy, không được dạo bước giữa luống sâm, sờ lên lá sâm, nhìn tận mắt củ sâm Ngọc Linh thì ta khó có thể tin được sâm Ngọc Linh - loại sâm được đánh giá quý nhất thế giới (hơn cả sâm Triều Tiên) với hàm lượng Saponin rất cao - thành phần chính quyết định chất lượng sâm, lại được trồng bạt ngàn ở nơi đây.

Đi giữa các khu trồng sâm, tôi thấy công tác bảo vệ nghiêm ngặt hơn nhiều so với trước đây. Hiện công ty đã thuê nhiều công nhân đồng bào dân tộc thiểu số chăm sóc, bảo vệ vườn sâm rất kỹ. Các luống sâm được che chắn cả phía trên và dưới cẩn thận bằng lớp lưới nhằm bảo vệ sự tấn công của chuột và đề phòng mưa lớn làm cho lá hoa bị rụng, hư hỏng. Tất cả các luống sâm được đánh số cụ thể để tiện cho công tác quản lý, theo dõi sự sinh trưởng và phát triển của sâm.

Gọi là trồng nhưng thực chất cây sâm Ngọc Linh ở vườn sâm quý này sinh trưởng và phát triển trong môi trường hoàn toàn tự nhiên dưới tán rừng. Bởi, toàn bộ lớp mùn để sâm phát triển đều được công nhân gom từ dưới cây rừng tự nhiên. Tuyệt đối không có sự can thiệp của “công nghệ” vào quá trình sinh trưởng của sâm. Như vậy, sâm Ngọc Linh vẫn giữ nguyên giá trị y dược học của mình...

Có được vườn sâm quý hàng trăm héc-ta như hôm nay là sự táo bạo với hành trình gian nan và đầy tâm huyết “nếm mặt nằm gai” hàng chục năm nay của ông Trần Hoàn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum và các cộng sự của mình. Bởi, sâm Ngọc Linh là loại cây đặc hữu, đời sống của nó không thể tách rời khỏi rừng, để trồng sâm và giữ sâm, nhất thiết phải giữ được rừng.

Trong suốt quá trình hình thành vườn sâm quý được như ngày hôm nay, ông Trần Hoàn luôn biết kết hợp giữa việc giữ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên của rừng Ngọc Linh. Để làm tốt việc giữ rừng và trồng sâm, ông Hoàn đã vận động hàng trăm người dân địa phương từ bỏ việc phá rừng làm rẫy vào làm công nhân cho công ty trồng và chăm sóc, canh giữ sâm Ngọc Linh…

Giữa mùa hè oi bức mà đi dưới khu vườn sâm Ngọc Linh chúng ta mới cảm nhận được sự tuyệt vời của “máy điều hòa bạt ngàn cây rừng già” tỏa ra mát lạnh, không khí thật là trong lành. Những đám sâm Ngọc Linh mọc xanh tươi một cách tự nhiên đã "hớp hồn" nhiều anh em trong đoàn, ai cũng muốn "dính lại” vườn sâm.

Gian nan công tác bảo vệ, canh giữ vườn sâm quý

Hiện tại, Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum hình thành được gần chục khu vườn với gần 300 công nhân lao động đang chăm sóc, bảo vệ hơn 300ha sâm Ngọc Linh. Tất cả họ đều là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở Măng Ri, Tê Xăng, trong đó, A Sỹ là “tổng chỉ huy” đội ngũ công nhân trồng, canh giữ vườn sâm quý này.

A Sỹ cho biết, công việc trồng sâm nhẹ nhàng, vì cây sâm sinh trưởng phát triển hoàn toàn theo tự nhiên, ít chăm bón, chỉ tốn công nhổ cỏ, tủ mùn, phòng kẻ gian, chuột, chim phá hoại sâm, rất phù hợp với tập quán canh tác của đồng bào nơi đây. Người trồng phát dọn cây con, đào chặt gốc rễ cây, dọn sạch mặt đất, xẻ luống dọc theo sườn núi rồi bóc lớp mùn phủ lên từng luống một để tăng độ phì nhiêu cho đất. Những chỗ độ mùn thấp, công nhân phải leo lên đỉnh núi hốt mùn từ lớp lá cây, gỗ mục mang về trồng sâm.

“Nếu sâm không được vun trồng dưới bàn tay của những người thực sự tâm huyết, đam mê, coi vườn sâm như tài sản của gia đình mình thì khó có thể được nhân rộng lên về số lượng và diện tích như hiện nay”- A Sỹ chia sẻ.

Trong những lần đến thăm vườn sâm, tôi được chứng kiến của những người canh giữ sâm, họ tỉ mỉ nhặt nhạnh từng cọng cỏ trong từng luống sâm, làm hàng rào, che chắn kín để bảo vệ vườn sâm và ngăn sự xâm nhập của những vị khách không mời - chuột rừng. Loài chuột ở đây rất thích ăn hạt sâm, người Xơ Đăng ở đây gọi chúng là “chuột sâm” hay “chuột quý tộc”.

Theo những người trồng, canh giữ vườn sâm, mùa sâm ra hoa và hạt chính là thời điểm lũ chuột rừng kéo ra rất nhiều, đi hàng đàn để đột nhập các vườn sâm. Lũ chuột không cắn phá cây sâm mà chỉ mê hạt sâm; gian nan nhất là việc ngăn chặn những con “chuột quý tộc” này.

Anh Sỹ tâm sự, công nhân thường trắng đêm canh chuột, không cho chúng phá vườn sâm; ban ngày thì họ ngủ buổi sáng, buổi chiều đi làm bẫy, hái lá thông và cắt các bao ni lông để bọc trái sâm chống chuột trộm. Thế nhưng, sáng chế này chỉ "hạn chế phần nào", bởi lũ chuột tinh ranh này lần sau sẽ tránh ngay.

Ngoài vị khách không mời mà đến là “chuột sâm”, tại các khu vườn sâm đều được dựng các chòi canh và được phân người theo tổ, nhóm chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ thay nhau trực 24/24h để bảo vệ, ngăn ngừa trộm cắp.

Ngoài việc trực để canh giữ sâm, tại khu vực các luống sâm đều được làm nhiều bẫy chông dày đặc được ngụy trang rất khó phát hiện; chỉ những người trực tiếp làm mới biết, những người lạ vào lơ ngơ “dính bẫy” ngay. Vì vậy, khi dẫn tôi đi thăm vườn sâm, anh Sỹ luôn nhắc nhở là phải đi đúng chỗ theo anh, nếu không rất dễ đạp phải bẫy chông.

Để công nhân toàn tâm toàn ý với công việc, ngoài việc trả lương hàng tháng, cung cấp thực phẩm cho gia đình công nhân, hàng năm, những người tham gia tích cực được Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum “thưởng” 100 cây giống làm của riêng nhằm phát triển diện tích sâm gia đình. Công ty cũng chọn việc hình thành các tổ, nhóm hộ để giám sát nhau, nếu ai trộm cắp sẽ bị chính người trong nhóm loại bỏ, đuổi không cho làm. Chính vì thế, ở khu vực vườn sâm của công ty người công nhân luôn hết lòng vì cây sâm quý này.

“Vương quốc” sâm hiện nay đã phát triển với tổng diện tích hơn 300ha đang hiện diện trên hàng nghìn héc-ta rừng ở vùng rừng núi Ngọc Linh xã Măng Ri, Tê Xăng. Đi giữa vườn sâm quý của Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum, anh bạn đồng nghiệp tôi cứ mãi trầm trồ: Thật không ngờ, không ngờ! Có một không hai. Đúng là vô giá...

Văn Phương

Chuyên mục khác