Trở lại Lung Leng

04/03/2020 13:04

Lung Leng là làng đồng bào dân tộc Gia Rai của xã Sa Bình, huyện Sa Thầy. Nơi đây, từ thời tiền sử, con người đã đến lập làng sinh sống và di chỉ Lung Leng đã được các nhà khảo cổ học phát hiện cách đây gần 20 năm là một minh chứng cho sự trường tồn của nền văn hóa mang nhiều bí ẩn thời tiền sử có một không hai trên vùng đất Tây Nguyên. Ngày nay, Lung Leng vẫn thế, vẫn trầm tích với thời gian và lặng lẽ sống dâng đời bao hoa thơm, trái ngọt.

Trong cái nắng hanh hao của mùa khô Tây Nguyên với tiết trời tháng Hai rát bỏng, chúng tôi trở lại làng Lung Leng - cái tên được gắn liền với di chỉ Lung Leng một thời chấn động giới khảo cổ học thế giới về sự bí ẩn thời tiền sử của vùng đất Tây Nguyên. Làng nằm tựa vào dãy núi hình con voi đang phủ phục vững chãi. Hầu hết nhà dân đều hướng về phía dòng sông Pô Kô - nơi ngày đêm đem đến hơi mát dịu dàng cho dân làng.

Như đã hẹn, phó già làng A Rỉ và những người uy tín của làng có mặt tại nhà thôn trưởng A Vít. Khi chúng tôi đặt vấn đề viết về sự tích làng Lung Leng, nhiều ánh mắt bừng lên hồi tưởng. Chuyện của mấy ngàn năm, của cả một tộc người Gia Rai sinh sống trên triền sông Pô Kô muôn đời vẫn chảy ai mà nhớ hết. Thế rồi, mọi người bình tâm và liên tưởng đến ông cha. 

Lung Leng ngày ấy

Trầm ngâm bên chén nước chè đậm đặc, ông A Rỉ 65 tuổi, phó già làng Lung Leng kể rằng, trước đây, không biết từ lúc nào và từ đâu đến, tộc người Gia Rai của làng sống du canh du cư trên mảnh đất Tây Nguyên này. Từng mùa rẫy qua đi, họ ở từ con núi này đến con sông nọ, chẳng ai lưu tâm đến quê hương bản quán của mình. Cho đến một ngày nọ, họ du cư đến thác Một, còn gọi là thác Ia Hlâu Vah, có nghĩa là ở đầu thác nước, cách ngôi làng bây giờ khoảng 3km, bởi họ cho rằng ở đây kín gió và có thác nước thơ mộng chảy suốt ngày đêm, có tiếng vang đuổi thú dữ, mang lại sự yên bình cho dân làng. Nhưng một thời gian sau, những người uy tín trong làng thấy của cải trong rừng ngày càng cạn kiệt nên bàn với nhau đi “khai thiên lập địa” một vùng đất khác để lập làng cho con cháu đời sau giàu có hơn.

Thế rồi, những người uy tín trong làng đã đến vùng đất Lung Leng bây giờ và nhận thấy nơi đây bằng phẳng hơn, đất đai phì nhiêu hơn, cây cối tốt tươi hơn, nên về vận động dân làng dời đến để ở. Đặc biệt, làng chỉ cách nơi hợp lưu giữa sông Pô Kô và Đăk Bla khoảng chừng 500m, có dòng nước chảy lững lờ êm ả ngày đêm, có hơi nước làm dịu đi oi ả những ngày nắng nóng và thuận tiện cho việc đánh bắt thủy sản cùng với săn bắn, hái lượm, làm rẫy nên đời sống của người dân rất đủ đầy.

Làng Lung Leng, xã Sa bình, huyện Sa Thầy. Ảnh: TVP

 

Ông A Dủi năm nay 70 tuổi tự hào: Trải qua bao biến thiên của lịch sử, bao đổi thay của thời cuộc, người dân làng Lung Leng vẫn cùng nhau cày cấy, trồng trọt, săn bắn, đánh bắt thủy sản tự nhiên rất giàu có của vùng đất ven sông Pô Kô hiền hòa, ngọt ngào, thủy chung son sắt. Cái tên Lung Leng không biết có tự bao giờ, nó có ý nghĩa sâu kín ra sao, nhưng với dân làng thì nó mang một ý nghĩa khát vọng vươn lên của người dân Gia Rai có từ thời tiền sử.

“Ngày ấy, ông cha mình sống giữa rừng sâu núi thẳm, đâu có ai phân chia địa giới đất đai sông nước như bây giờ đâu. Chỉ biết Lung Leng là một vùng đất rộng lớn kéo dài theo dọc dòng sông Pô Kô này thôi. Làng mình là thế, có ai đo đếm bao giờ. Trong thời kỳ này, có rất nhiều cư dân khác trong vùng và cả những tộc người ở đâu xa lắm cũng đến giao thương, nên thời đó Lung Leng phồn thịnh lắm. Bây giờ, trong làng vẫn còn hai bộ cồng chiêng mua từ Lào được người dân lưu giữ. Một bộ cồng chiêng Lào như thế ông cha phải đổi trên 30 con bò to…” -ông A Dủi nhớ lại những gì cha ông đã kể.

Ngày đó, dân làng Lung Leng đã đi hàng tháng trời ròng rã vượt núi, xuyên rừng để đến với các bộ tộc Lào đổi ché rượu cần, cồng chiêng bằng đồng mang về sử dụng. Nhiều lúc, họ còn xuống đồng bằng giao lưu với các dân tộc khác để đổi công cụ sản xuất, đồ gốm đem về sử dụng. Ngoài trao đổi hàng hóa, họ còn học hỏi kỹ nghệ đúc đồng, nung đồ gốm, mài đồ kim loại, đan lát mây tre, khắc tượng đồ gỗ… Ngược lại, các bộ tộc khác cũng đến với Lung Leng để giao thương, học hỏi lẫn nhau để cùng phát triển. Hiện nay, cả làng còn 6 bộ cồng chiêng, trong đó có 2 bộ cồng chiêng được ông cha trao đổi từ Lào rất quý, đánh vẫn còn nghe rất hay.

Bà Y Ô đã ngoài 80 tuổi, nhưng mỗi khi nói về bộ cồng chiêng có nguồn gốc từ Lào là mắt bà sáng lên sung sướng, tự hào: “Không biết nó có tự thuở nào, nhưng từ cái thời về làm dâu nhà chồng, nó là của hồi môn của mình, nên mình yêu quý nó. Bao nhiêu người hỏi mua, nhưng mình đâu có bán”.

Bộ cồng chiêng Lào thứ hai là của ông A Vít - trưởng thôn Lung Leng. Theo truyền thống của người Gia Rai làng Lung Leng, bộ cồng chiêng Lào quý giá này chỉ để lại cho con cháu là người trong dòng tộc, nên cha vợ của ông vừa bán vừa cho để ông có trách nhiệm lưu giữ kỷ vật của ông cha để lại cho gia đình.  

Những dấu tích của cư dân Lung Leng với những chế tác công cụ bằng đá cuội của thời hậu kỳ đá cũ rồi đến bằng kim loại của thời hậu kỳ đá mới là bằng chứng khoa học của một xã hội tiền sử của Lung Leng trong tiến trình khai phá, dựng xây và phát triển. Đây là nơi giao lưu sầm uất của các nền văn hóa thời đại đồ đồng-sắt như: Đông Sơn (Thanh Hóa), Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Ốc Eo (An Giang)… Đó là chưa kể các nền văn hóa của Bắc Lào, Đông Bắc Thái Lan… đến với Lung Leng qua con đường giao thương đường rừng phía tây của dãy Trường Sơn.

Lung Leng ngày nay

Giờ đây, những kỷ vật di chỉ Lung Leng hầu hết được lưu giữ trong các bảo tàng, còn linh hồn của nó, cái tựa hồ như ai chẳng nhìn thấy được, thì mãi khắc ghi trong trí óc của tộc người Gia Rai sinh ra từ làng Lung Leng bao đời mưa nắng.

Phó già làng Lung Leng A Rỉ tâm sự: Hiện nay, những người già mỗi khi ru con cháu ngủ vẫn còn hát một số bài hát dân ca. Hay những câu chuyện cổ tích, những truyền thuyết dân gian của người Gia Rai cũng được người già kể lại mỗi khi sinh hoạt ở nhà rông, hoặc ngồi uống rượu ghè bên bếp lửa hồng thâu đêm suốt sáng.

Còn các lễ hội, theo sự phát triển của xã hội, một số chỉ còn trong trí nhớ của người già; tuy nhiên, nhiều lễ hội vẫn được người dân duy trì tổ chức hàng năm, trong đó có tính chất tôn nghiêm và trang trọng nhất là lễ bỏ mả.

Ông A Rỉ kể rằng, cứ vào tháng 11 hàng năm, làng tổ chức lễ bỏ mả. Với tấm lòng thành kính của mình, người dân tập trung tại nhà rông của làng và theo tinh thần tự nguyện, nhà nào có rượu ghè, thức ăn gì thì mang theo thứ đó góp chung để làm lễ. Lễ thường tổ chức trong  1 ngày và phần hội có thể kéo dài trong đêm để uống rượu ghè giao lưu. Trong buổi lễ, có đánh cồng chiêng, nhưng không được hát vì kiêng cữ. Ngày xưa, lễ bỏ mả tổ chức theo từng gia đình, người nào mất ngày nào thì tổ chức ngày đó. Nhưng nay, do quan niệm mới, lễ bỏ mả được dân làng thống nhất chọn một ngày tốt lành trong tháng 11 hàng năm để tổ chức. Lễ bỏ mả có ý nghĩa là để tưởng nhớ những người thân trong làng đã mất và mong cho linh hồn của họ vĩnh hằng nơi chín suối luôn phù hộ độ trì cho người sống được bình an, hạnh phúc.

Bộ cồng chiêng Lào của anh A Vít làng Lung Leng, xã Sa Bình (huyện Sa Thầy) được lưu giữ bao đời nay. Ảnh: TVP 

 

Ông A Vít - trưởng thôn Lung Leng tâm sự: Ngày nay, ý thức của người dân đã được nâng lên. Họ không còn bó hẹp trong khuôn khổ của các luật tục cổ hủ của ngày xưa, mà đã tiến kịp theo các trào lưu mới của xã hội. Chuyện của ngày xưa tuy không còn để lại nhiều, nhưng nó là văn hóa của một dân tộc gắn liền với một địa danh có trầm tích cổ xưa quý giá sẽ là gia tài cho con cháu tự hào để bảo tồn và lưu giữ.

Với tư cách là trưởng thôn, ông A Vít cho biết: Toàn thôn hiện có 258 hộ với trên 1.140 nhân khẩu, 100% là người dân tộc Gia Rai, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông và đánh bắt thủy sản. Ngoài việc trồng các loại cây lương thực chính như 16 ha lúa nước (trong đó cả vụ mùa, vụ đông xuân và vụ lúa bán ngập lòng hồ), 12 ha ngô, 3 ha cây thực phẩm, 3 ha cây rau các loại…, người dân đã biết chuyển đổi trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Trong đó, 27 ha cây cà phê, 71 ha cây cao su, 15 ha cây bời lời… Từ khi trên địa bàn huyện có các nhà máy chế biến tinh bột sắn đến nay, người dân đã chuyển đổi 277 ha đất đồi sang trồng cây mì cho thu nhập trên 20 tấn/ha nên thu nhập khá ổn định. Ngoài ra, toàn thôn còn nuôi được 1.520 con trâu, 455 con bò, 205 con heo thịt, 25 con heo nái, 38 con dê, 852 con gia cầm… Nhờ đó, đời sống của người dân đã nâng lên đáng kể, con cháu đến trường học tập đầy đủ, trong đó có 8 em theo học cấp ba và 6 em học cao đẳng, đại học.

Ông Nguyễn Minh Thuận - Bí thư Đảng ủy xã Sa Bình cho biết: Trong nhiều năm qua, nhờ sự đầu tư của Nhà nước theo các chương trình, dự án phát triển vùng dân tộc và miền núi, nên đến nay, 100% số hộ dân làng Lung Leng đã có điện sử dụng, đường giao thông nông thôn đã được bê tông hóa, các hộ gia đình khó khăn về nhà ở đã được chính quyền địa phương vận động cả hệ thống chính trị và các nhà hảo tâm trên địa bàn tỉnh tham gia đóng góp ủng hộ sửa chữa hoặc xây mới… Đặc biệt, trường học, trạm y tế của xã đã được nâng cấp theo tiêu chuẩn quốc gia nên đã thu hút các cháu đến trường và nhân dân có nơi khám chữa bệnh tốt hơn. Tuy còn nghèo, nhưng nhìn chung, nhận thức của người dân về nông thôn mới với các tiêu chí có lợi cho cuộc sống đã được nâng lên. Trong đó, các yếu tố văn hóa của dân tộc Gia Rai gắn với tiền sử Lung Leng vẫn được người dân nâng niu, bảo tồn và gìn giữ cho đời sau.

Đi trong cái nắng dịu nhẹ của buổi chiều tà dọc theo con sông Pô Kô mùa con nước lặng và hơi nước từ phía lòng hồ phả lên làm mát rượi, chúng tôi trở về Kon Tum trong niềm vui khi nhìn thấy được một Lung Leng đổi thay từng ngày. Đây đó, tiếng vọng của di chỉ Lung Leng từ phía lòng hồ văng vẳng như nhắc nhở chúng ta và những người con của dân làng Lung Leng hãy sống và nhớ ghi lời của  cha ông để lại, rằng Kon Tum đã có một Lung Leng từ thời tiền sử.

Trần Văn Phúc

Chuyên mục khác