Trở lại làng kháng chiến Xốp Dùi

30/11/2020 13:02

Vẫn con đường Tỉnh lộ 673 năm xưa nối đường Hồ Chí Minh đoạn từ thị trấn Đăk Glei vào các xã phía Bắc của huyện Đăk Glei, nhưng hôm nay lại gồ ghề đất đá, có đoạn sạt lở làm 1/3 mặt đường bị khoét sâu nên chiếc xe Fortuner chở chúng tôi trở lại xã Xốp phải “đánh vật”, không êm ái như mọi khi. Tuy nhiên, khi nhìn diện mạo các thôn làng ở vùng đất cách mạng năm xưa và làm việc với cán bộ xã, tôi lại thấy ngời lên sức sống mới.

Truyền thống ông cha đánh giặc

Tiếp chúng tôi tại trụ sở UBND xã Xốp, Phó Chủ tịch UBND xã A Đối cho biết: Mưa lũ cả tháng nay nên đường sá giao thông trên địa bàn xã bị hư hỏng nhiều; hệ thống mương máng thủy lợi tưới tiêu nội đồng cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và người dân tích cực khắc phục thiệt hại, đường sá giao thông nông thôn vẫn đi lại được và kênh mương vẫn dẫn nước vào ruộng. Cuộc sống và sản xuất người dân trở lại bình thường.

Buổi trưa, bầu trời xã Xốp bình yên. Theo dòng hồi ức, ông Nghen (58 tuổi, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã) nhớ lại lời người cha của mình kể lại: Thời kháng chiến chống Pháp, cán bộ cách mạng đã xây dựng nơi đây thành làng kháng chiến Xốp Dùi, có nhiệm vụ thành lập những đội quân tự vệ địa phương để chống giặc, đồng thời nuôi giấu cán bộ hoạt động cách mạng nằm vùng để gây dựng cơ sở ngay trong lòng địch.

Xã Xốp chủ yếu là người Giẻ-Triêng. Theo ngôn ngữ của người Giẻ-Triêng, thì từ Xốp có gốc gác từ Xoáp, có nghĩa là dòng suối nhỏ, nhưng do đọc khó nên khi giới thiệu cho chính quyền địa phương để thành lập xã mới, các già làng đều thống nhất gọi tên là Xốp cho gọn.

Đường làng Xốp Dùi được bê tông hóa từ nguồn vốn Chương trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: X.B

 

“Trước đây, tên làng là Xốp, nhưng sau đó do dân cư đông đúc, các già làng đã chia làm 2 làng và lấy tên là làng Xốp Dùi và làng Xốp Nghét. Dùi là một loại rau mọc rất nhiều hai bên dòng sông và dùng để ăn, đặc biệt nấu với cá suối ăn rất ngon, có vị ngọt lịm nên người dân còn gọi cây Dùi là “cây bột ngọt”. Còn từ Nghét trong tên làng Xốp Nghét, do quá lâu ngày người dân không tìm hiểu nên bây giờ không nhớ nữa, nhưng chắc chắn nó bắt nguồn từ một loại cây gì đó mọc hai bên con sông chảy qua làng mà thôi”-ông A Nghen giải thích. 

Ông A Nghen tự hào kể, truyền thống yêu nước giữ làng của đồng bào dân tộc Giẻ-Triêng ở xã Xốp được bắt đầu từ những câu chuyện cổ tích được truyền từ đời này qua đời khác cho đến hôm nay. Chuyện kể rằng, ngày xửa, ngày xưa, trong làng Xốp có 2 anh em: A Mừng và A Hơn. A Mừng là anh và A Hơn là em, mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ nên ở với bà nội. Mặc dù còn nhỏ, nhưng nhiều lần nhìn thấy bọn “lục lâm thảo khấu” tràn vào làng bắt gia súc, gia cầm, đánh đập người già, hãm hiếp phụ nữ, trong đó cha mẹ của họ cũng bị giết chết, nên 2 anh em nuôi hận báo thù.

“Kể từ đó, 2 anh em A Mừng và A Hơn thường vào rừng sâu luyện tập, trui rèn sức khỏe và chiêu mộ thanh niên trai tráng trong làng cùng theo đánh giặc. Với sự chỉ huy tài tình của mình, chỉ sau 1 ngày chiến đấu anh dũng, hai anh em họ đã cùng với dân làng dùng gậy làm bằng thân cây trắc đánh đuổi quân giặc ra khỏi làng, đem lại bình yên cho bà con. Nhưng ngay sau khi chiến thắng, người anh hy sinh anh dũng, còn người em bị thương nặng và sau 7 ngày cũng hy sinh. Người dân lập đền thờ 2 ông và truyền dạy tinh thần yêu nước của họ cho muôn đời sau”- A Nghen tự hào.  

Ông A Nghen nhớ lời người cha kể lại, rằng trước năm 1930, khi đất nước chưa có Đảng lãnh đạo, nhưng người dân của làng Xốp đã thành lập đội tự vệ, hoạt động dưới sự chỉ huy của già làng. Theo đó, nhiều đợt càn quét của quân lính Pháp vào làng đã bị các chiến binh của làng đánh trả quyết liệt nên quân giặc không chiếm được làng. Sau đó, khi cán bộ cách mạng từ dưới miền xuôi lên hướng dẫn, vận động quần chúng nhân dân đi theo cách mạng, đội tự vệ của làng đã tham gia chiến đấu rất anh dũng. Họ còn làm chòi giấu quân nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt để lập làng kháng chiến lâu dài.

Sức sống mới

Tự hào với quê hương có cụ Mét anh hùng, có làng kháng chiến Xốp Dùi trung kiên với cách mạng, Phó Chủ tịch UBND xã Xốp A Đối cho biết: Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phát triển kinh tế - xã hội, đến nay, tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương có nhiều chuyển biến tích cực. Toàn xã hiện có 571 ha đất nông nghiệp. Trong đó, 252 ha cây lương thực, 7 ha cây dược liệu, 272 ha cây công nghiệp và 40 ha các loại cây lâu năm khác. Bên cạnh đó, toàn xã nuôi được 1.864 con gia súc và hàng ngàn con gia cầm. Tất cả các loại cây trồng, vật nuôi của bà con hiện đang phát triển tốt, không có dịch bệnh xảy ra.

Đặc biệt, UBND xã Xốp đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp chặt chẽ với Kiểm lâm địa bàn và các chủ rừng thường xuyên kiểm tra việc phát rừng làm rẫy và khai thác, vận chuyển lâm sản phụ, nhựa thông, đồng thời hàng năm chi trả trên 261,378 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng đầy đủ, kịp thời nên đã hạn chế được nạn phát rừng làm rẫy và độ che phủ rừng đạt 91,2%.

Xã Xốp hiện có 552 hộ, với 1.903 nhân khẩu, trong đó chủ yếu là dân tộc Giẻ- Triêng. Nhờ đẩy mạnh phát triển sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế, đến nay, toàn xã chỉ còn 211 hộ nghèo, chiếm 39,15% và 64 hộ cận nghèo, chiếm 11% tổng số hộ trong xã. Xã phấn đấu đến cuối năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 35%.    

Điều đáng ghi nhận, đến nay xã Xốp đã thực hiện được 9/19 tiêu chí nông thôn mới. Cụ thể, toàn xã đã có 20,99 km đường giao thông nông thôn. Trong đó, có 7 km đường giao thông liên xã, đường trục xã; 2,46 km đường trục thôn, xóm; 1,03 km đường ngõ xóm đã được bê tông hóa sạch sẽ, không lầy lội vào mùa mưa. Riêng đường trục chính nội đồng đã được cứng hóa 5,8km/10,5 km và xe cơ giới đi lại thuận tiện. Ngoài ra, toàn xã đã có 120 ha/126 ha đất sản xuất nông nghiệp 2 vụ được tưới và tiêu nước chủ động, góp phần vào tăng năng suất các loại cây trồng; 100% số hộ trong xã được sử dụng điện thường xuyên và an toàn.

 Xã Xốp hiện có 4 thôn, nhưng 100% số thôn đã có nhà văn hóa; 75% số thôn đã quy hoạch sân thể thao, 100% số thôn đã có các điểm mua bán, trao đổi hàng hóa. Xã đã có điểm phục vụ bưu chính, viễn thông đạt tiêu chuẩn ngành; có Internet đến một số thôn và nhiều hộ gia đình đã nối mạng đảm bảo yêu cầu truy cập thông tin. Hệ thống Trạm Viễn thông đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt. Hệ thống loa truyền thanh tại 100% số thôn đã kết nối với Đài Truyền thanh xã. UBND xã Xốp thực hiện tốt ứng dụng phần mềm theo dõi văn bản của huyện và ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết thủ tục hành chính và 100% lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên.

Công tác giáo dục trên địa bàn xã có những chuyển biến tích cực. Xã cơ bản hoàn thành phổ cập giáo dục: mầm non cho trẻ 5 tuổi từ năm 2015, tiểu học từ năm 2010 và trung học cơ sở từ năm 2009. Theo đó, tỷ lệ học sinh huy động ra lớp hàng năm đạt 97% và tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo đạt 30,2%. 

Phó Chủ tịch UBND xã Xốp A Đối khẳng định, tính từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng năm 1975 đến nay, đặc biệt trong 5 năm trở lại đây, việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới với nhiều giải pháp đồng bộ, sáng tạo, linh hoạt của cả hệ thống chính trị, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn và nông dân trên địa bàn xã đã thực sự thay đổi. Theo đó, tình hình kinh tế-xã hội đã có bước phát triển, nhận thức của người dân được nâng lên và có ý thức hơn trong công tác bảo vệ môi trường…

Một sức sống mới đang hiển hiện ở xã Xốp. Tuy nhiên, trên hành trình phát triển, điều khiến cho nhiều vị lãnh đạo xã còn nhiều trăn trở là về dự án xây dựng làng kháng chiến Xốp Dùi.

“Từ lâu, làng kháng chiến Xốp Dùi được Nhà nước xác định đất để quy hoạch và đóng cọc tiêu để khoanh vùng xây dựng, nhưng đến nay, dự án đó vẫn còn nằm trên giấy. Người dân xã Xốp có nguyện vọng tái hiện làng kháng chiến Xốp Dùi để giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng của dân tộc cho các thế hệ con cháu đời sau”- A Đối nói lời tâm huyết.

Vĩnh Hà

Chuyên mục khác