26/12/2017 07:04
Những ánh mắt buồn ở Đăk Xây
Nếu như Y Hiu không giật giật tay Y Út, ý nói có khách lạ đang đứng chờ trước cửa, hẳn rằng cô còn nhìn theo đám bạn Y Liu, Y Lá... cho đến khi họ khuất sau ngã rẽ. Tôi nhìn thấy rất rõ sự tiếc nuối, buồn bã chất chứa trong ánh mắt của người mẹ trẻ.
Nở nụ cười ngượng nghịu, Y Út đẩy 2 cánh cửa ọp ẹp, mời khách vào nhà, đứa con trai vẫn núp phía sau, lom lom nhìn người lạ. Y Út vỗ vỗ lưng con: Ra ngoài chơi đi. Thằng bé ôm chân mẹ chặt hơn.
|
Tôi nhìn quanh, trong ngôi nhà lụp xụp bên sườn dốc, tài sản chẳng có gì đáng giá, ngoài mấy cái ghế nhựa, cái giường gỗ tạp bừa bộn quần áo... Chi hội trưởng phụ nữ Y Hiu ướm hỏi: A Giếng đâu rồi? Y Út lắc đầu: Không biết đâu.
Theo giọng kể nhát gừng của Y Út thì A Giếng là chồng cô, người xã Đăk Môn cùng huyện. Quen nhau được mấy tháng, A Giếng theo Y Út về nhà cô ở rể, khi đó Y Út mới 16 tuổi, A Giếng 17 tuổi. Năm 2013, Y Út sinh con trai, đặt tên là A Chí Dân, nay đã đến tuổi đi học mẫu giáo, nhưng cu cậu không chịu rời mẹ, thành ra hôm nào đi học cũng phải có mẹ cùng đi.
Hiện tại, vợ chồng Y Út và A Giếng sống chung với bố mẹ (ông A Lế, bà Y Chót), anh trai A Chân, em gái Y Ui và em trai A Ni. Trong khi bạn bè cùng lứa tụ tập chơi đùa thì công việc hàng ngày của cô là trông nhà, nấu cơm và đi... học với con. Thỉnh thoảng Y Liu, Y Lá có đến rủ đi chơi, nhưng Y Út không đi, phần vì đã có chồng con, phần vì thấy mình già hơn nhiều nên ngại...
"Trong làng đâu chỉ có Y Út lấy chồng sớm, còn mấy cặp nữa"- Y Hiu nói rồi tiếp tục dẫn chúng tôi đến thăm nhà cặp Y Áp (sinh năm 1999) - A Nhum (sinh năm 2000). Khác với Y Út, đôi vợ chồng trẻ Y Áp- A Nhum lại khá cởi mở khi nói về mình.
Nhà em ở bên xã Mường Hoong kia, học đến lớp 6 rồi nghỉ ở nhà làm ruộng rẫy. Một lần theo bố mẹ cuốc đất trồng mì, em gặp rồi thích A Nhum, dù lớn hơn 1 tuổi. Đầu năm 2016, khi được gia đình hai bên đồng ý, em về nhà A Nhum bên làng Đăk Xây ở.
Cuối năm 2016, Y Áp sinh con gái, đặt tên là Y An. Hàng ngày, Y Áp ở nhà trông con gái, còn A Nhum thì suốt ngày tự tập chơi bời với mấy đứa bạn trong làng. "Em không muốn chồng đi chơi miết như vậy, nhưng nói không được, vì ở nhà cũng không có việc gì làm » - Y Áp buồn bã nói.
|
Bấm đốt ngón tay nhẩm tính, trưởng thôn A Nhíu cho biết: Chỉ tính riêng từ năm 2015 đến nay, làng Đăk Xây đã có 5 trường hợp bắt chồng sớm. Ngoài Y Út, Y Áp, còn có Y Huê (sinh năm 2000) lấy A Trớ từ năm 2015, Y Koh (sinh năm 2001) lấy A Pho từ năm 2016, Y Xăm (sinh năm 2000) lấy A Pơm đầu năm nay.
Vì lập gia đình sớm, đang còn tuổi ăn tuổi chơi nên các cặp vợ chồng này đều không biết làm ăn, chủ yếu sống dựa vào bố mẹ, chuyện nuôi dạy con cái cũng chẳng biết gì - trưởng thôn A Nhíu phàn nàn.
Chính quyền cũng "bó tay"
Chúng tôi rời làng Đăk Xây để về UBND xã Xốp. Khi xe cua qua khúc ngoặt trước làng, tôi vẫn nhìn thấy Y Út bế đứa con nhỏ đứng trước ngôi nhà tranh thấp lè tè, ánh mắt chất chứa sự buồn bã.
Phần lớn các trường hợp kết hôn ở tuổi vị thành niên đều tổ chức lén lút, không thông báo với thôn, xã. Thông thường là bọn trẻ thích nhau, sau đó được sự đồng ý của gia đình hai bên là về sống với nhau. Vì vậy, chính quyền cũng... bó tay - A Lúi phân trần.
Ông A Ruổi - Chủ tịch UBND xã Xốp cũng thừa nhận nạn tảo hôn là nỗi lo của chính quyền địa phương. Mặc dù UBND xã thường xuyên chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích, giáo dục pháp luật tại các thôn, làng, trong đó đặc biệt chú trọng đến Luật Hôn nhân và gia đình, từ đó năng cao nhận thức của người dân, hạn chế nạn tảo hôn. Tuy nhiên, tình hình vẫn không được cải thiện, nhiều trường hợp tảo hôn, đến lúc đủ tuổi, con cái đã lớn, vợ chồng mới đưa nhau đến xã đăng ký kết hôn và làm giấy khai sinh cho con.
Đây là việc… tế nhị và rất khó giải quyết vì ở các làng, phong tục tập quán cũ vẫn còn khá nặng nề. Theo đó, hai người muốn thành vợ thành chồng chỉ cần thích nhau, được làng đồng ý, làm tiệc rượu đãi cả làng là có thể về ở với nhau - A Ruổi cho hay.
Cũng theo A Ruổi, chính vì những khó khăn trên mà hiện tại, chính quyền xã chỉ có thể chỉ đạo các bộ phận chuyên môn phối hợp với Ban quản lý thôn, làng, các tổ chức đoàn thể tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích luật pháp cho người dân chứ không thể… ngăn cấm.
Chúng tôi biết, nạn tảo hôn sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến chất lượng dân số cũng như phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương. Chúng tôi cũng biết, muốn hạn chế và đi đến chấm dứt vấn nạn này, cách tốt nhất là nâng cao nhận thức của người dân, xóa bỏ những luật tục cũ, nhưng lực bất tòng tâm. Tôi cho rằng, tỉnh và huyện cần quan tâm nhiều hơn nữa đến các xã vùng sâu vùng xa, có những chính sách cụ thể và thỏa đáng để hỗ trợ địa phương giải bài toán khó này - Chủ tịch xã A Ruổi trăn trở.
Chúng tôi rời xã Xốp trong ánh nắng chiều vàng vọt, từng cơn gió quất ào ào trên những triền đồi. Qua các làng Xốp Nghét, Kon Liêm, lại giật mình khi thấy những cô gái trẻ địu con đứng nhìn ra đường, ánh mắt trầm buồn. Và tôi lại nhớ đến tiếng thở dài đầy trăn trở, lo âu của Chủ tịch xã A Ruổi khi cán bộ tư pháp A Lúi thông báo có một cặp vợ chồng đem con nhỏ đến xã làm thủ tục đăng ký kết hôn...
Thành Hưng