Trái tim của làng Đăk Phía

15/11/2017 06:59

​Được dựng nên bởi sự quyết tâm, tinh thần đoàn kết của cả cộng đồng, mái nhà rông là niềm tự hào của bà con người Xơ Đăng (Tơ Đra) ở làng Đăk Phía, xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà. Giờ đây, ai nấy đều quyết tâm giữ gìn nhà rông truyền thống như giữ linh hồn, trái tim của làng,

Lễ thức nghiêm ngặt

Những ngày giữa tháng 10, hàng trăm hộ dân tại làng Đăk Phía tạm thời gác việc đồng áng, tập trung bện tranh, chặt tre, chẻ lạt để làm nhà rông.

“Làng đã bàn bạc làm nhà rông từ mấy tháng trước nhưng bà con mình phải đợi đến mùa cỏ tranh đẹp nhất, đủ độ già, làm mái lâu bị hư, lâu mọt mới cắt làm nhà rông. Dù là vụ thu hoạch nhưng đã thống nhất nên ai cũng gác việc đồng, chung tay, chung sức làm”- ông A Nhân - thôn trưởng làng Đăk Phía giải thích.

Bà con chung tay, chung sức dựng nhà rông. Ảnh: B.A

 

Với dân làng Đăk Phía, nhà rông là linh hồn, là trái tim, là ngôi nhà chung, thể hiện sự phát triển, thịnh vượng của cả làng nên trước khi làm nhà rông, mọi thứ được bàn bạc, tính toán rất kĩ lưỡng. Đặc biệt, lễ thức xây dựng nhà rông được quy ước rất nghiêm ngặt.

Dù không phải làm lễ chọn đất (vì nhà rông được xây lại trên nền nhà rông cũ - PV) nhưng trước khi bắt tay dựng cột, già làng, thôn trưởng, những người có uy tín trong làng đều tính toán, bàn bạc, chọn một ngày đẹp nhất để khởi công.

Chỉ ra tấm biển “cấm người lạ vào làng”, anh A Ngây, cán bộ Văn phòng xã Ngọc Réo bảo: May đấy! Nếu đến cách đây vài hôm là không được vào đâu.

Theo phong tục của bà con nơi đây, vào ngày cả làng làm lễ xin Yàng cho phép dựng nhà rông, tất cả người lạ đều không được phép vào làng. Bởi theo họ, vào ngày làm lễ cúng, nếu người lạ, người từ nơi khác vào dễ mang theo bệnh tật, điềm xui rủi cho dân làng. “Trong ngày đó, dù có bất kể chuyện gì, khi xong việc, người lạ mới được vào” - già làng A Liang giải thích.

Không chỉ có ngày làm lễ cúng, trong ngày đi khai thác vật liệu, bà con cũng rất kiêng kị. Nếu lúc đi, thấy tiếng chim quạ kêu hoặc rắn bò ngang đường, người dân liền quay về.

Suốt quá trình làm, tất cả các công việc đều được lên kế hoạch sẵn sàng, ai nấy đều cố gắng làm một cách cẩn thận, chỉn chu.

Cả làng hợp sức

Dù đang trong vụ thu hoạch nhưng cả tháng nay, vợ chồng anh A Deo tạm gác tất cả công việc lại để cùng dân làng làm nhà rông. Anh nói rằng, làm nhà rông là việc trọng đại của cả làng nên dù bận thế nào cũng phải sắp xếp, cùng bà con làm.

Bà con bện tranh làm mái. Ảnh: B.A

 

Cũng như anh Deo, từ khi cả làng bắt tay làm nhà rông, ngày nào vợ chồng anh A Nhiên cũng gửi con từ sớm để có mặt chung tay, chung sức làm. Nhiều gia đình còn đem theo cơm nắm, tranh thủ ăn trưa nhanh để tiếp tục công việc.

“Hầu như không gia đình nào vắng mặt, có nhà cả vợ chồng, con cái cùng đến làm. Bà con rất trách nhiệm, không đợi phân công, cứ đến nơi, ai nấy đều tự giác bắt tay vào việc” – thôn trưởng A Nhân nói.

Trong khoảnh sân nhà rông, dù trưa nắng, trên 200 người, từ già, trẻ, gái, trai, mỗi người một việc, ai nấy đều tập trung cao độ hoàn thành nhiệm vụ. Nhóm thanh niên dốc sức dựng cột, chẻ tre; đàn bà, con gái tập trung cắt tranh, bện tranh; người già nhẫn nại ngồi chẻ từng cộng lạt; người cần mẫn cột kèo… Dù nắng nôi, mồ hôi mồ kê nhễ nhại nhưng nhìn gương mặt ai cũng phấn khởi, nói cười.

Người già tỉ mẩn chẻ lạt. Ảnh: B.A

 

Không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, vừa bỏ công, bỏ sức, mỗi hộ dân trong làng còn tự nguyện đóng góp 50 ngàn đồng để mua các vật dụng. Vài hộ có điều kiện còn chủ động ủng hộ thêm, góp thêm sức để ngôi nhà rông thêm bền, thêm chắc.

Vui nhà rông mới

Ròng rã hơn 1 tháng, nhà rông mái tranh, cột gỗ, vách tre, nứa của làng Đăk Phía cũng được dựng sừng sững trên một khoảnh đất trống giữa làng.

Có đến làng Đăk Phía trong ngày khánh thành nhà rông truyền thống, mới thấu hiểu hết những niềm vui, hân hoan của bà con nơi đây. Dưới mái nhà rông cao vút được dựng nên bởi tinh thần đoàn kết của cả cộng đồng, bà con hòa mình vào từng nhịp chiêng, cồng ngân vang. Già, trẻ, gái, trai nhịp nhàng trong điệu múa xoang truyền thống, cùng chúc mừng nhau bên những ché rượu ghè thắm tình.

Chạy ngược chạy xuôi lo cho lễ khánh thành, mồ hôi mồ kê nhễ nhại nhưng gương mặt già làng A Liang vẫn rất phấn khởi, vui vẻ: Cái bụng già mừng lắm! Ròng rã cả tháng trời, giờ đây làng mình đã có nhà rông mới giữ đúng bản sắc của dân tộc. Cứ nhìn nhà rông, cái lưng hết muốn đau, con mắt hết mỏi luôn, bà con mình tự hào lắm!

Trên tay vẫn còn đó những vết sẹo do tre cắt; ở bàn chân vẫn còn rỉ máu do bị thương trong quá trình làm; trên gương mặt vẫn còn đấy những vết sạm do nắng, những vết trầy xước… nhưng ai nấy đều phấn khởi, vui mừng.

“Làm nhà rông nhiều cái lo lắm, nhiều lúc như mất ăn, mất ngủ luôn. Giờ thì mừng vui quá rồi, nhà rông cao, to, đẹp, đúng như dân làng mình mong muốn nên cái bụng mình mừng lắm” – thôn trưởng A Nhân bày tỏ.

Màn đêm buông xuống, mọi người vẫn bịn rịn. Bên nhà rông, những bàn tay vẫn đan vào nhau nhảy điệu xoang truyền thống trong tiếng cồng vang xa. Chúng tôi hiểu được niềm vui ấy, niềm vui đại đoàn kết khi cả làng cùng chung tay, hợp sức giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc.

Giờ đây, dân làng Đăk Phía đã có nơi để đắm mình trong tiếng cồng chiêng, trong các lễ hội dân gian; có nơi để đón, giới thiệu khi có khách quý đến làng; có nơi cất giữ những bản sắc văn hóa, những hiện vật truyền thống từ xa xưa.

“Nhà rông được làm nên bởi mồ hôi, nước mắt, tinh thần đoàn kết của bà con, chúng tôi sẽ cố gắng giữ gìn, không để bị cháy hay hư hỏng đâu” – thôn trưởng A Nhân quyết tâm. 

Bình An

Chuyên mục khác