Trả lại màu xanh cho núi đồi

28/01/2021 06:02

Sau nhiều năm sản xuất, nhiều đồi núi ở huyện Sa Thầy đất dốc bạc màu, việc trồng mì và các cây nông nghiệp không hiệu quả. Để góp phần phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, nâng cao độ che phủ của rừng, ổn định đời sống người dân sống gần rừng, huyện Sa Thầy hỗ trợ người dân trồng rừng sản xuất, trả lại màu xanh cho nhiều đồi núi và đang từng bước phát huy hiệu quả kinh tế.

Chuyện ở làng Trấp

Để tìm hiểu việc làm xanh lại núi đồi, tôi có chuyến đi thực tế tại làng Trấp, xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy. Mùa khô, các dãy núi đồi ở sau lưng làng Trấp gió thổi rào rào. Những cơn gió khô hanh cứ cuốn liên hồi như những con ngựa bất kham trườn hết quả đồi này đến quả đồi khác.

Mặc cho những cơn gió đuổi nhau liên hồi, những cây bạch đàn thân còn non vẫn vươn mầm hồng tươi trước ánh nắng mặt trời. Dừng lại trên một ngọn đồi, Trưởng thôn A Thủy chỉ về những dãy đồi bạc màu đang được người dân trồng bạch đàn, phấn khởi nói: Các dãy đồi này, nguyên trước đây người dân trồng mì. Qua nhiều năm, đất bạc màu, cây mì không còn hiệu quả kinh tế nữa. Thực hiện Phương án hỗ trợ trồng rừng sản xuất trên đất trống, đồi núi trọc, đất bạc màu trên địa bàn huyện, người dân đăng ký trồng bạch đàn.

Trước khi thực hiện phương án, có ý kiến khuyên nên trồng cây keo lai tai tượng. Tuy nhiên, sau khi bàn bạc và qua kinh nghiệm từ thực tiễn sản xuất, người dân cho rằng vùng này đất dốc, gió nhiều, cây keo lai tai tượng không đủ sức chống chịu, thường bị ngã đổ. Chính vì vậy, người dân lựa chọn cây bạch đàn. Và thực tế cho thấy, việc lựa chọn của người dân là đúng. Cây bạch đàn phù hợp với đất đai ở địa phương và sinh trưởng nhanh.

Rừng bạch đàn do một doanh nghiệp trồng ở xã Ya Tăng. Ảnh: V.N

 

Dõi theo người dân trong quá trình thực hiện Phương án, A Thủy hiểu từng đồi cây của mỗi nhà. “Chỗ ta đang đứng đây là đồi cây bạch đàn của Rơ Chăm Ưởn ở làng Trấp trồng năm 2020. Lúc nhận, cây giống do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ mới cao 30 cm. Qua mấy tháng trồng, hiện cao khoảng 60cm - 1m, tỷ lệ cây sống trên 95%” – A Thủy cho hay.

Ở một dãy đồi khác là bạch đàn trồng năm 2019, cây bạch đàn đã cao khoảng 1,5 m. Trao đổi, A Phỉu – chủ vườn cây phấn chấn: Tham gia trồng bạch đàn, gia đình được tập huấn kỹ thuật trồng, hỗ trợ cây giống, thuốc chống mối. Đất này phù hợp với bạch đàn nên cây phát triển nhanh, gia đình rất phấn khởi. Đến kỳ khai thác, gia đình lại được hưởng 100% nguồn thu từ sản phẩm bạch đàn. Gia đình mong muốn sau này, các cấp chính quyền quan tâm tạo đầu ra sản phẩm cho nông dân.

Đến thăm đồi bạch đàn của hộ A Hẻo cũng ở làng Trấp được huyện hỗ trợ trồng thí điểm năm 2018 (trước khi thực  hiện Phương án), chúng tôi thấy bạch đàn đã thành rừng, cây cao 3m - 4m. Vui mừng trước vườn cây đang trở thành một tài sản có giá trị, A Hẻo khoe: Bạch đàn dễ trồng lại phát triển nhanh. Trên đất dốc bạc màu này, trồng bạch đàn hiệu quả hơn trồng mì. Nếu được huyện tiếp tục hỗ trợ cây giống, gia đình sẽ trồng bạch đàn trên đất trồng mì bạc màu. 

Mở rộng trồng rừng sản xuất

Trao đổi về việc phát triển cây bạch đàn ở địa phương, A Bin - cán bộ phụ trách Văn hóa – thông tin xã Ya Tăng cho biết: Từ lâu, tôi thấy được giá trị kinh tế của cây bạch đàn do các doanh nghiệp trồng trên đồi núi. Học theo đó, năm 2016, tôi mạnh dạn vay 30 triệu đồng mua cây giống bạch đàn nuôi cấy mô về trồng 3ha trên đất đồi của gia đình. Năm 2017 trồng thử nghiệm 1ha keo tai tượng và keo lá tràm. Đến nay, bạch đàn trồng năm 2016 cao 7m – 8m; keo trồng năm 2017 cũng cao không kém bạch đàn. Tuy nhiên, trong cơn bão số 9/2020, cây keo tai tượng bị gãy đổ 30%, còn cây bạch đàn vẫn đủ sức chống chịu với gió bão. Năm 2020, có người trả 95 triệu đồng/ha bạch đàn trồng năm 2016, nhưng tôi chưa muốn bán. Phấn khởi trước hiệu quả kinh tế ban đầu, cũng trong năm ngoái, tôi tiếp tục mua cây giống trồng thêm 2ha bạch đàn nữa.

Từ hiệu quả ban đầu của quá trình sản xuất, người dân xã Ya Tăng phấn khởi đua nhau đăng ký trồng bạch đàn trồng trên đất trống, đồi núi dốc bạc màu. “Diện tích người dân đăng ký trồng bạch đàn thường nhiều hơn so với kế hoạch. Do vậy, huyện ưu tiên hỗ trợ cây giống bạch đàn cho các hộ gia đình nghèo, cận nghèo để giúp bà con có điều kiện giảm nghèo, nâng cao đời sống. Không tính diện tích do người dân tự trồng, qua thực hiện Phương án, đến nay, người dân xã Ya Tăng trồng trên 140 ha (vượt hơn 40 ha), cao nhất so với các xã tham gia Phương án”- A Bin chia sẻ.

Bạch đàn trồng năm 2020. Ảnh: V.N

 

Ông Nguyễn Đình Chiến (Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện) – người trực tiếp theo dõi và hướng dẫn thực hiện Phương án cũng cho rằng, cây bạch đàn phát triển tốt trên đất trống, bạc màu ở các xã Ya Tăng, Ya Xiêr, Rờ Kơi, Sa Bình và Mô Rai; trong đó cây bạch đàn trồng xã Ya Tăng sinh trưởng mạnh nhất.

Theo ông Giả Tấn Đạt – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Thầy, trước yêu cầu đặt ra trong việc phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, góp phần ổn định đời sống người dân sống gần rừng, gắn với công tác quản lý bảo vệ rừng, năm 2019, UBND huyện xây dựng Phương án hỗ trợ trồng rừng sản xuất trên đất trống, đồi núi trọc, đất bạc màu trên địa bàn huyện giai đoạn 2019-2020. UBND huyện giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan và UBND các xã, thị trấn tham mưu tổ chức triển khai thực hiện. Qua hai năm, huyện hỗ trợ người dân ở các xã Ya Tăng, Ya Xiêr, Rờ Kơi, Sa Bình và Mô Rai trồng 293,79ha bạch đàn lai theo phương án được duyệt.

Qua khảo sát và đánh giá ban đầu, cây bạch đàn thích nghi tốt với đất đai và khí hậu địa phương. Ở diện tích bạch đàn trồng năm 2019, tỷ lệ cây sống đạt trên 88%; cây cao trung bình từ 1m - 1,5m, có một số diện tích cây cao khoảng 2m. Ở diện tích bạch đàn trồng năm 2020, tỷ lê cây sống trên 90%; cây cao trung bình 0,5m - 1m.  

Từ kết quả quá trình thực hiện, ông Giả Tấn Đạt cho biết, dự kiến trong giai đoạn 2021-2025, huyện Sa Thầy tiếp tục hỗ trợ dân trồng thêm 1.000 ha rừng sản xuất trên đất trống, đồi núi dốc bạc màu. Việc trồng rừng này nhằm góp phần nâng cao độ che phủ của rừng theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. 

Văn Nhiên

Chuyên mục khác