20/08/2018 13:06
"Tưởng dễ à..."
Tôi không nhớ là có đồng nghiệp nào từng viết về nơi được gọi là "chợ lao động", về những người được gọi là "thợ đụng" nơi góc đường Bà Triệu – Hai Bà Trưng chưa, nhưng mỗi lần đi qua, nhìn họ tụ tập ở đó, đôi mắt dõi theo dòng người, chỉ cần có xe tấp vào lề là túa ra, khiến tôi luôn muốn viết một điều gì đó về họ.
Và sáng nay, một buổi sáng trời mưa, tôi quyết định thực hiện ý định ấy.
7h sáng 14/8, tôi thay "bộ cánh" mượn của cậu thợ sơn gần nhà, gồm áo thun, quần ka ki bê bết nước sơn và đôi dép lê đã mòn vẹt đế, khoác áo mưa, lò dò xuống góc đường Hai Bà Trưng - Bà Triệu, bắt đầu một ngày đi làm.. “thợ đụng” của mình.
|
Mưa dầm dề, bầu trời xám xịt, ảm đạm, đầy hơi nước. Đường phố vắng tanh, thế nhưng quán cà phê nhỏ ngay góc đường, có 2 cửa, 1 trổ ra đường Bà Triệu, 1 trổ ra đường Hai Bà Trưng, đã lố nhố đầu người.
Mới giờ này mà đã đông thế nhỉ. Tôi vừa nghĩ vừa chen chân vào, đưa mắt tìm chỗ ngồi. Hết, không còn một bàn trống, phải đến 30-40 người chứ không ít, toàn đàn ông cả. Nhiều người mặc quần áo bộ đội đã bạc màu, một số mặc áo thun, quần jeans cũ, cắt cụt tới đầu gối.
Thấy tôi vào, mọi người gần như đồng loạt nhìn lên, có vẻ họ nghĩ tôi đến thuê người, nhưng nhìn thấy bộ đồ tôi mặc, biết là cùng cảnh nên lại cúi xuống, ai làm việc nấy. Ồn ào nhất là bàn ở góc nhà, có 4 thanh niên đang đánh bài, hàng chục người vây quanh xem.
Tôi lóng ngóng đứng một lúc, không biết ngồi ở đâu. Chủ quán đi ra, xách theo cái ghế nhựa đặt gần tivi đang phát bản tin: Mới à. Ngồi đây đi. Uống gì.
- Dạ, một ly đen.
Tôi rút điện thoại, giả bộ như đang chơi trò chơi, rồi thò tay vào túi quần, lôi mảnh giấy nhàu nhĩ có ghi số điện thoại ra và lén lút bấm máy. Chẳng là trước khi đến, tôi có nhờ cậu bạn lái xe tải nhỏ chuyên chở hàng thuê giới thiệu cho "mối" quen, cậu ta cho số điện thoại một "trưởng nhóm" và dặn xuống đó có gì liên lạc.
Tiếng chuông điện thoại vang lên, của anh thanh niên ngồi gần cửa ra vào. Tôi vội tắt máy. Trúng phóc rồi. Tiếp cận thôi - tôi thầm nghĩ.
Thế rồi, cầm ly cà phê, tôi sang bàn anh thanh niên.
- Chào anh. Tôi là bạn của M. lái xe tải - tôi cười thân thiện.
Anh ta ngước nhìn tôi, không nói gì.
Tôi lấy gói thuốc ra mời, anh ta rút một điếu, nhưng vẫn nhìn tôi với ánh mắt dò xét: Có việc gì à?
- Không, tôi muốn kiếm việc. M. giới thiệu anh có thể giúp - Tôi trả lời.
Thật bất ngờ, anh ta cười vang, xung quanh cũng có mấy người cười theo. “Kiểu như ông mà làm gì được. Đi kiếm việc làm thuê mà đeo đồng hồ đẹp, tay chân trắng trẻo như thế. Ông tưởng dễ lắm đấy à!” - anh ta thủng thẳng.
Một ngày ế ẩm...
Nói là vậy, nhưng có lẽ nể tôi là bạn M. (vì thỉnh thoảng có mối, M. lại gọi cho anh ta), hoặc cũng có thể thấy tôi "tồi tội" nên anh ta nhấm nhẳng: Rồi, cứ ở đây, có việc tôi kêu.
"Điếu thuốc làm đầu câu chuyện", dần dà không khí trò chuyện giữa tôi và A T. - giờ thì tôi đã biết tên - cũng bớt nhạt nhẽo hơn. Khi tôi gợi ý sẽ trả tiền cà phê, A T. cười cười.
Hóa ra nhà A T. ở ngay trong làng Plei Tơ Nghia đây thôi, chỉ cách mấy bước chân. A T. đã có vợ con, nhà có cao su, có heo, có bò..., nhưng anh đã tham gia "chợ" này từ nhiều năm nay. Thời gian đầu, vào mùa mưa, ít việc ruộng rẫy, thời gian rảnh nhiều không biết làm gì nên theo bạn bè ra đây ngồi, ai kêu gì thì làm đó, kiếm thêm thu nhập, dần dần thành quen.
- Thế A T. không đi cạo mủ cao su à? - Tôi hỏi.
A T. nhát gừng: Đã có vợ và em lo rồi. Với lại năm nay mưa nhiều, cao su ít mủ, giá lại thấp nên thu nhập ít lắm, mình vẫn phải ra đây kiếm việc thôi.
Cứ thế, sáng sớm A T. ra quán cà phê ngồi, ai thuê việc gì cũng làm, từ dọn kho, móc cống, đào mương, bốc gạch, chở sắt…, miễn là việc cần đến sức vóc, tối mịt mới về nhà. Mùa khô còn đỡ, việc có lai rai nên cũng có thu nhập. Nhưng mùa mưa thì đói, ngày được 20-30 ngàn đã là khá, thường là ế từ sáng đến tối, không có việc lại còn thâm tiền cà phê.
Một số tài xế xe tải chuyên chở hàng còn "liên kết" với trưởng nhóm để khi có người thuê xe chở hàng là "alo" người bốc hàng ngay. Tuy nhiên, khi xong việc thì phải chi "phần trăm" lại cho người gọi.
- Thế đã bao giờ xảy ra chuyện ăn uống nhậu nhẹt, rồi say rượu quậy phá hay đánh nhau vì tranh giành khách chưa?
- Không có đâu, nếu người lạ đến thì khó "chen" vào (A T. nhìn tôi cười), chứ còn anh em ở đây ai cũng biết nhau. Khi có "khách hàng", anh em đều túa ra, nhưng khách thuê ai thì người đó đi thôi, nếu cần đông người thì có nhóm trưởng sắp xếp.
“Đừng tưởng anh em ngồi lê la quán cà phê mà tưởng rảnh quá sinh hư nhé. Không dám uống rượu đâu, vì uống vào rồi lỡ có ai thuê thì sao làm việc được, mà cũng chẳng có tiền để nhậu nhẹt. Mấy thanh niên đang đánh bài kia là chơi vui thôi, không phải đánh ăn tiền đâu, tiền đâu mà chơi?” - A T. phân bua.
Đang trò chuyện, chợt A T. đứng phắt dậy chạy ra ngoài, tôi dáo dác nhìn theo. Thì ra có một người đến thuê bốc hàng, cả đám người túa ra, nhưng đều chậm chân như A T., chủ hàng đã chọn nhóm người đầu tiên. Sau khi nhóm người được chọn lên xe máy chạy đi, mọi người lại ai về chỗ nấy.
|
A T. xuýt xoa: Bốc 2 tấm phản từ trên xe xuống được 1 triệu đồng, làm cẩn thận thì được thưởng thêm, một nhóm có 8 người, như vậy mỗi người được hơn 100 ngàn. Tiếc quá, tưởng có việc thì gọi ông đi. Thôi, cứ chờ ở đây, nếu hên thì có việc.
Ai ngờ đâu, hôm ấy ế nguyên ngày!
Trăn trở việc làm
Suốt một ngày đội mưa lê la vỉa hè, “ngáp đến sái cả quai hàm” mà không kiếm nổi một đồng dằn túi, vì chẳng có ai thuê, lại tốn thêm 7 ngàn đồng cho ly cà phê ở quán, nhưng bù lại, tôi hiểu thêm về cuộc sống của những người bán sức lao động để mưu sinh hàng ngày.
Điều bất ngờ là hầu hết trong 40-50 con người, thanh niên có, trung niên có, hàng ngày tụ tập tại quán cà phê Lâm ấy lại là người ở thôn Plei Tơ Nghia (phường Quang Trung, thành phố Kon Tum). Ngôi làng này có cái cổng chào ngay giao lộ Hai Bà Trưng, Hoàng Thị Loan - Bà Triệu.
Ấy là thông tin tôi có được khi trò chuyện với ông A Hlút - trưởng thôn Plei Tơ Nghia. “Trừ những việc bất lương, còn lại ai thuê việc gì chúng nó cũng làm”- A Hlút nói vậy.
- Thế chính quyền không có giải pháp gì để hỗ trợ tạo việc làm cho số thanh niên này hay sao? Tôi hỏi.
A Hlút ngần ngừ: Có đấy. Cũng đã có mấy lần chính quyền giới thiệu doanh nghiệp về tuyển dụng lao động, nhưng không ai đạt yêu cầu, vì họ toàn tuyển người đi làm nghề điện lạnh, điện cơ, cơ khí gì đó, trong khi tụi nó chỉ có sức vóc, làm được việc tay chân nặng nhọc chứ làm mấy cái đó sao nổi.
“Nếu bây giờ mà có điều kiện, Nhà nước nên mở các lớp dạy nghề nề, mộc cho tụi nó, sau đó giới thiệu đi làm thợ cho các công ty xây dựng, cầu đường thì may ra mới được” - A Hlút đề nghị.
Mưa ngớt hạt. Một chị phụ nữ kè xe sát vỉa hè, cả đám túa ra. Cần 3 người đi đào mương thoát nước - chị phụ nữ nói, chỉ vào A T.
“Khách quen” - A T. nhấm nháy và "ưu tiên" chọn tôi cùng một thanh niên khác. Tôi vội kiếm cớ thoái thác, trong bụng nghĩ loại “trói gà không chặt” như mình làm sao nổi. A T. lắc đầu, vẻ khó hiểu, nhưng vẫn chọn người khác thay thế rồi đi.
Nhìn A T. và 2 anh bạn hí hửng ra xe, chạy vụt đi trong màn mưa tầm tã, tôi nghĩ về lời của trưởng thôn A Hlút: Bây giờ thì chưa thấy xảy ra tệ nạn gì, nhưng mai mốt ai mà biết được. Có lẽ phải tính đến chuyện quản lý họ thôi.
Không hiểu sao tôi lại nhớ đến cái bàn nơi góc nhà, 4 thanh niên đang đánh bài và vòng người xúm xít xung quanh...!
Thành Hưng