07/05/2020 06:09
Rượu nếp cẩm, men cây thuốc
Không phải ngẫu nhiên, từ nhiều năm nay, người Thái ở xã Đăk Ngọk thường chọn rượu ghè nếp cẩm Đức Nhụy để đãi khách mỗi khi có chuyện vui. Còn khi có hội làng, rượu ghè nếp cẩm Đức Nhụy được dân làng chọn phục vụ lễ hội, trước là để cúng tế thần linh sau là để bày tỏ lòng thành với khách.
Hương vị nếp cẩm Đức Nhụy thơm ngon, có đặc trưng riêng, khiến người uống say lòng, nhớ mãi khó quên. Chính vì vậy, khi thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), UBND xã Đăk Ngọk chọn rượu ghè nếp cẩm Đức Nhụy làm sản phẩm đặc trưng ở địa phương.
Bàn về rượu ghè nếp cẩm Đức Nhụy, bà Đoàn Thị Hiền – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Ngọk có nhiều lời khen và khuyên tôi đến gặp ông Hà Văn Nhụy ở thôn Thanh Xuân – chủ cơ sở để tìm hiểu, thưởng thức hương vị rượu và cảm nhận. Không để lỡ cơ hội khi có người dẫn đường, tôi đến nhà ông Hà Văn Nhụy giữa lúc vợ chồng ông đang phơi nếp cẩm ngoài sân.
Mặc dù ngày mùa, nhưng ông tạm gác lại công việc cùng tôi say sưa quanh câu chuyện rượu nếp cẩm. Bên tách trà, ông chậm rãi kể: Mình người dân tộc Thái, quê ở huyện Quan Sơn (tỉnh Thanh Hóa), vào xã Đăk Ngọk lập nghiệp gần 30 năm rồi. Ở quê, gia đình có nghề truyền thống làm rượu ghè bằng nếp cẩm. Vì vậy, vào đây lập nghiệp, bên cạnh việc chuyên canh cà phê, gia đình trồng thêm lúa nếp cẩm làm rượu ghè để lưu giữ lại nghề truyền thống của cha ông. Rượu ghè gia đình sản xuất bằng phương pháp thủ công, nguyên liệu chính là cơm nếp và men là các loại củ, lá cây thuốc từ tự nhiên. Rượu nếp cẩm giàu dinh dưỡng, men rượu từ các loài cây thuốc gia truyền. Vì vậy, người dân trong làng khi có hỷ sự thường đặt gia đình làm rượu nếp cẩm hay đến mua rượu nếp về cúng hoặc đãi khách quý.
Ông Nhụy còn bảo, năng suất nếp cẩm cao không thua kém các giống lúa mới. Giá gạo nếp cẩm hiện tại 16 nghìn đồng/kg, cao hơn gạo nếp khác và lúa tẻ vài nghìn đồng/kg. Giá gạo nếp cẩm cao, nấu rượu ngon, người trồng lợi đôi đường.
Để trồng nếp cẩm cho năng suất cao, ông Nhụy cho biết kinh nghiệm hay của gia đình mình là chặt cây bớp bớp ủ với phân chuồng cho hoai mục bón ruộng. Phân chuồng cây bớp bớp hoai mục tốt, có kháng sinh diệt một số bệnh hại, do vậy, khi bón phân chuồng này cho ruộng nếp cẩm, cây lúa nếp cẩm sinh trưởng tốt, ít khi bị bệnh hại, năng suất và chất lượng gạo cao - ông Nhụy lý giải.
|
Tôi hỏi cây nếp cẩm, hạt nếp cẩm ở tỉnh Điện Biên có khác gì so cây nếp cẩm, hạt nếp cẩm bản địa ở huyện Đăk Hà hay không ? “Không khác! Tuy nhiên, trước khi đưa hạt nếp cẩm từ Điện Biên vào trồng ở thôn Thanh Xuân, gia đình chưa biết đến hạt nếp cẩm bản địa người Ba Na, Xơ Đăng... thường trồng. Sau này, trồng nếp cẩm Điện Biên quen rồi, cứ thế gieo trồng luôn. Còn cơm nếp cẩm, rượu nếp cẩm Điện Biên hay nếp cẩm bản địa cũng như nhau. Khác nhau là do người nấu, người chế biến”- ông Nhụy phân tích.
Ở làng Thanh Xuân, không chỉ gia đình ông sản xuất được nếp cẩm mà còn có vài hộ người Thái cũng sản xuất rượu ghè nếp cẩm. Tuy nhiên, bà con thường mua men Trung Quốc về làm rượu. Rượu nếp cẩm làm bằng men Trung Quốc có mùi gắt, ít người dùng.
Để hương vị bay xa
Sản xuất rượu nếp cẩm bằng men các loại cây thuốc nhưng ông không giấu nghề. Ông kể, các loại cây thuốc gia đình ông dùng làm men là: Lá cây câu đằng, quế, hạt sa nhân, củ riềng, củ thiên niên kiện (sơn thục), hoa hồi... giã nhỏ, trộn với gạo nếp, nặn thành bánh. Đem bánh men ủ 4-5 ngày cho lên men và đem bánh phơi khô là có thể dùng làm rượu.
“Bánh men sau khi phơi khô, lại đem giã nhỏ và trộn với cơm nếp để nguội. Cơm nếp trộn men được ủ trong thau cho cơm lên men. Sau đó, cho cơm lên men vào ghè sạch, bịt lá kín lại sau 10 ngày là thành rượu ghè. Cũng như nhiều loại rượu, rượu ghè nếp cẩm để càng lâu, uống càng ngon”- ông Nhụy chia sẻ.
Để có cây thuốc làm nguyên liệu chế biến bánh men, ông tự trồng hoặc khai thác trong rừng tự nhiên hoặc mua ngoài thị trường. Ví như cây câu đằng thì ông đưa giống từ ngoài Bắc vào trồng. Còn hoa hồi thì ông mua ở các tiệm thuốc bắc hoặc gửi mua khi có người ở xã về thăm quê mua hộ. Các loại lá, củ cây thuốc còn lại ông cũng tự trồng hoặc tìm kiếm từ trong rừng tự nhiên ở huyện. Đặc biệt, ông cho biết trong chế biến rượu ghè, nếu trong bánh men có thêm lá hoặc củ sâm Ngọc Linh thì chất lượng rượu ghè khỏi chê và thực sự trở thành một loại rượu thượng hạng.
Có thể thấy, nguyên liệu để làm bánh men của gia đình ông Nhụy phong phú hơn nhiều so với bánh men của nhiều hộ gia đình khác mà tôi từng biết đến.
Sau khi bàn về bánh men, ông vào trong nhà lôi ra một bịch ni lông đựng bánh men. Bánh men được ông bọc nhiều lớp bao ni lông cẩn thận. Ông bảo, nếu không bọc cẩn thận, mọt sẽ “xơi” hết liền. Nhìn bánh men, tôi thấy màu sắc, hương bánh men rượu của gia đình ông khác nhiều so với màu sắc, hương vị bánh men của người Xơ Đăng, Ba Na... làm từ cây rừng tự nhiên. Nếu bánh men người Xơ Đăng, Ba Na... thường có màu trắng, thơm mùi bột nếp, bột gạo thì bánh men của gia đình anh Nhụy có màu nâu, thơm mùi thuốc.
Với lòng hiếu khách, ông Nhụy thân tình lấy ra một ghè rượu nếp cẩm mời tôi thưởng thức. Từng thưởng thức nhiều loại rượu khác nhau, nhưng tôi chưa gặp hương vị rượu nào giống như hương vị rượu nếp cẩm Đức Nhụy. Hương vị rượu Đức Nhụy vừa chua ngọt, vừa hơi đăng đắng, lại the nồng và hương thơm gần giống mùi dầu Phật Linh. Nhấm vài cốc rượu nhỏ, tôi nghe người lâng lâng, nhưng không thấy mệt. Đúng là rượu ngon, không chê vào đâu được!
Rượu nếp cẩm thơm, ngon được làm từ nhiều cây thuốc, nhưng giá ông Nhụy bán ra lại không cao so với rượu nếp cẩm trên thị trường. Tùy theo từng loại ghè lớn nhỏ mà ông có giá bán khác nhau. Giá từng loại rượu ghè nếp cẩm được ông bán lâu nay như sau: 250 nghìn đồng/ghè 5 lít, 350 nghìn đồng/ghè 8 lít và 400 nghìn đồng/ghè 10 lít.
Mặc dù việc sản xuất rượu ghè nếp cẩm không đem lại nguồn thu chính cho gia đình, nhưng ông Nhụy nói rằng gia đình tâm đắc và coi trọng nghề làm rượu ghè nếp cẩm truyền thống. Trong sản xuất, gia đình ông luôn lấy uy tín và chất lượng sản phẩm làm trọng để xây dựng và giữ thương hiệu sản phẩm. Qua báo Kon Tum, ông mong UBND xã, UBND huyện tiếp tục quan tâm hỗ trợ gia đình xây dựng thương hiệu, mở rộng cơ sở sản xuất đảm bảo theo yêu cầu của Chương trình OCOP.
Rất mừng, mong muốn của ông đang được chính quyền địa phương quan tâm. “Cơ sở sản xuất rượu ghè nếp cẩm Đức Nhụy được chính quyền địa phương hướng dẫn làm các thủ tục hồ sơ để tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP” – bà Đoàn Thị Hiền cho biết.
Với sự hỗ trợ của địa phương và quyết tâm của chủ cơ sở, chúng tôi hy vọng hương vị rượu ghè nếp cẩm Đức Nhụy sẽ bay xa.
Văn Nhiên